MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Ngư dân xóm 4, thôn Đông Biên Nam, xã Nam Hồng, huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình) lênh đênh mưu sinh trên biển bằng thuyền máy nhỏ, đi về trong ngày. Ảnh: Trung Du

Nhọc nhằn mưu sinh trên biển

TRUNG DU LDO | 02/03/2024 12:38

Sống nhờ vào biển, vào trời, chỉ mong sao biển lặng trời êm để đánh bắt con cá, con tôm, những ngư dân gần biển ở xóm 4 (thôn Đông Biên Nam, xã Nam Hồng, huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình) bao đời qua lênh đênh, vất vả trên sóng nước nhưng cuộc sống vẫn còn rất nhiều khó khăn, nhọc nhằn.

Nỗi lo thuyền nhỏ, sóng lớn

Không biết từ bao giờ, người dân ở xóm 4 (thôn Đông Biên Nam, xã Nam Hồng, huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình) đã bén duyên với nghề đánh bắt cá tôm và các loại hải sản trên biển Đông, dù khu dân cư này nằm khá sâu trong đất liền, không phải vùng ven giáp biển.

Nói là đánh bắt trên biển Đông, thế nhưng ngư dân chỉ dùng thuyền nan bằng gỗ, bằng tre và cũng chỉ có thể đi ra gần bờ, hoạt động trong ngày ở vùng cửa biển.

Trước đây, xóm nhỏ có đến ba bốn chục thuyền đánh bắt thường xuyên, hiện chỉ còn lại khoảng vài chục thuyền do nghề biển quá vất vả, thu nhập lại bấp bênh, phập phù.

Vốn liếng đầu tư không lớn, công nghệ đánh bắt còn lạc hậu, mỗi thuyền tính tổng các loại chi phí để đánh bắt cũng chỉ đến 60 - 70 triệu đồng.

Từ xóm 4, tùy con nước và thời tiết nhưng vào mỗi buổi đêm, sớm thì 0h, muộn khoảng 4h sáng ngư dân bắt đầu di chuyển bằng xe máy đi ra bến Bồng He ở xóm 7, thôn Tam Bảo - nơi tàu thuyền của mình neo đậu. Sau khi sắp xếp đồ đạc, tra dầu vào máy, ngư dân bắt đầu nổ máy đưa thuyền ra biển.

"Từ bến ra đến nơi đánh bắt khoảng 15 hải lý, vỏ thuyền của chúng tôi nhỏ, máy công suất hạn chế nên phải chạy chậm, cỡ mất 2 tiếng mới ra đến nơi. Mỗi lần cả đi cả về tốn 15 - 20 lít dầu, hôm nào ra đến nơi không có tôm cá phải trở về thuyền không, lỗ cả tiền dầu. Có những thời điểm thuyền nằm phơi nắng phơi mưa cả tháng trời ở bến vì biển không đi được", ông Nguyễn Văn Thái (sinh năm 1972, trú xóm 4, thôn Đông Biên Nam, xã Nam Hồng), chia sẻ.

Niềm vui ngắn ngủi khi gặp tôm cá, bán được giá

Cũng như bao ngư dân khác ở các nơi, với ngư dân xóm 4, thôn Đông Biên Nam, xã Nam Hồng, những ngày vui nhất, phấn khởi nhất, đồng thời cũng là những ngày vất vả, cực nhọc nhất là những ngày biển lặng, trời êm, cá tôm đi nhiều.

Sau khi ra đến biển, một người phụ trách cầm lái đưa thuyền tìm nơi để buông lưới, người còn lại chuẩn bị sắp lại lưới chài, sẵn sàng thả lưới dò tìm cá tôm.

Lúc gặp luồng cá, nhất là những loại cá có giá trị kinh tế như cá khoai, cá lành canh, cá mực hay tôm he, tôm vàng, ngư dân vui mừng tranh thủ xuống hết lưới. Sau đó vòng lại xao từ vàng lưới đầu tiên, hai người vừa nổ máy vừa gỡ cá bỏ vào thùng, rồi lại tiếp tục thả, tiếp tục xao...

Muộn thì đến tầm 14h, 15h chiều, các thuyền bắt đầu rời biển trở về bến. Dọc hành trình 2 tiếng đồng hồ trở về, ngư dân cột cố định tay lái cho thuyền gần như chạy thẳng, rồi tranh thủ ngồi gỡ những con cá lặt vặt, bề bề, ghẹ nhỏ khi nãy chưa kịp gỡ, rồi làm lưới.

"Vui nhất là được dăm bảy chục cân cá khoai, mấy cân tôm he, mấy cân mực, những loại này có giá tốt mà cứ về đến bến là người ta thu mua hết, không phải đi chợ. Những hôm như vậy có khi cũng kiếm được cả chục triệu đồng, bù lại công sức vất vả, lênh đênh, nhọc nhằn trên biển. Nhưng thi thoảng mới được một hôm như vậy, còn đâu thuyền lại nằm bến, trở về hoặc được ít", ông Nguyễn Văn Biên - một ngư dân khác cũng ở xóm 4 chia sẻ.

Khi các thuyền về bến mang theo tôm cá có lẽ là lúc khu vực trên bến đông vui, tấp nập nhất. Người mua kẻ bán, người đến xem, người ra hộ gỡ cá, làm lưới, cảnh tượng thật đông vui, rộn ràng. Trên các thuyền, các ông chủ thuyền ríu rít chuyện trò về việc hôm nay đánh ở điểm nào, được bao nhiêu và gặp phải những tình huống gì... Dù vất vả, cực nhọc, bấp bênh là vậy nhưng bao năm qua, ngư dân xóm 4 vẫn kiên trì, chịu khó vươn khơi, bám biển, xóa đói giảm nghèo vươn lên làm giàu.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn