MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Bí thư chi bộ bản Lùng Cúng, ông Chang A Hành, thao tác chiếc điện thoại của mình trong căn nhà nhập nhèm ánh sáng do thiếu điện. Ảnh: Bích Liên.

Nhọc nhằn thú "chơi" smartphone ở bản cao không điện, không sóng

An Trịnh - Bích Liên LDO | 20/09/2021 13:05

Nơi gần nhất có sóng điện thoại, cách bản 5km. Còn nơi có thể thực hiện được một cuộc điện thoại thông suốt, cách bản 28km. Tuy nhiên, khó khăn này không làm giảm sức hút của những chiếc smartphone đối với bà con bản cao Lùng Cúng.

Bản "4 không" quanh năm mây phủ

Bản Lùng Cúng (xã Nậm Có, huyện Mù Cang Chải, Yên Bái) bao đời nay người dân sống không có điện, không nước sạch, không sóng điện thoại, không đường giao thông.

Bản nằm cách trung tâm xã Nậm Có 28km nhưng để đặt chân tới đây chúng tôi cần đi xe máy 2 giờ đồng hồ và phải men theo con đường nhỏ do người dân tự khai phá. Đường đi nhỏ hẹp, có đoạn chỉ rộng chừng nửa mét, cheo leo một bên vách núi cao một bên là vực sâu thăm thẳm.

Lùng Cúng là một bản nghèo, nằm biệt lập trung tâm xã, đường sá đi lại khó khăn. Ảnh: Bích Liên.

Trò chuyện với PV Báo Lao Động, Bí thư chi bộ bản Lùng Cúng - ông Chang A Hành cho biết: “Trước kia vào Lùng Cúng khó khăn lắm. Trời nắng cũng như trời mưa đều phải đi bộ xuyên rừng qua hơn chục ngọn đồi núi. Nhờ có con đường do người dân tự mở, bà con bắt đầu đi lại được bằng xe máy".

Tuy nhiên, Lạ lùng ở chỗ, tại một bản còn nghèo, khó khăn, đặc biệt đa phần người dân không biết tiếng phổ thông, thế nhưng lại có nhiều smartphone. 

Khi vừa đặt chân tới bản Lùng Cúng, chúng tôi ngạc nhiên khi thấy người dân cầm trên tay chiếc điện thoại cảm ứng nghe nhạc, xem phim,... mọi thao tác vô cùng thành thạo.

Khi được hỏi mua điện thoại thông minh từ bao giờ, người phụ nữ chỉ cười rồi cất vào trong túi. Ảnh: Bích Liên.

Ở một bản vùng cao, thuộc diện đặc biệt khó khăn như Lùng Cúng, khách thập phương, người dưới xuôi thường hình dung về hình ảnh của những cậu bé cởi truồng chơi trước cửa, đèn dầu le lói, những con đường gập ghềnh, ruộng bậc thang… chứ ít ai nghĩ về đồ công nghệ, đặc biệt với những chiếc smartphone.

Và chuyện dùng điện thoại của bà con bản Lùng Cúng cũng rất riêng, rất lạ. 

Dùng smartphone theo cách "lạ đời"

Chị Hà Thị Rừn (32 tuổi - chủ tiệm tạp hóa duy nhất bản Lùng Cúng) chia sẻ: “Đa số người trong bản không nói được tiếng phổ thông, dùng điện thoại chỉ để nghe nhạc, xem phim. Các bản nhạc đủ loại Tây, Tàu mà nhiều khi nghe không thể hiểu nổi đó là những bản nhạc gì”.

Để có sóng điện thoại, nghe gọi được, người dân phải lên ngọn núi trước bản, cách xa 5km hoặc xuống hẳn trung tâm xã. Mỗi lần bắt sóng là một lần bà con tranh thủ thời gian tải các chương trình giải trí, trò chơi về để xem dần.

Anh Nhài đưa tay tắt chiếc bóng điện duy nhất trong nhà để dành điện, sạc đầy pin cho chiếc điện thoại thông minh. Ảnh: Bích Liên.

Không có điện nên việc sử dụng điện thoại của người dân lại càng gian nan hơn. Thậm chí, phải “nhịn” đèn điện chiếu sáng để sạc đầy pin cho chiếc điện thoại thông minh.

"Lắm lúc máy phát điện chạy yếu không thể vừa sạc điện thoại vừa thắp sáng được bóng đèn, đành phải rút bóng điện ra chuyển ra thắp đèn dầu ưu tiên điện sạc cho máy di động để tối đi ngủ còn có cái để xem” - anh Chang A Nhài (35 tuổi trú tại bản Lùng Cùng xã Nậm Có) chia sẻ với PV.

Cầm chiếc điện thoại cảm ứng trên tay, vuốt chuyển các bài nhạc, anh Chang A Nhài nói: “Những bài hát, phim trong này mình đều phải xuống thị trấn tải vào điện thoại, về mở ra xem dần, mỗi lần gọi điện phải đi xa lắm mới có sóng, thế nhưng nhà nào cũng có từ 1-2 chiếc điện thoại cảm ứng”.

Điện từ những chiếc máy phát nhỏ được sử dụng chỉ với 2 mục đích dùng thắp sáng và sạc đầy những chiếc smartphone. Ảnh: Bích Liên.

Anh Nhài cùng như hàng trăm hộ dân nơi bản cao Lùng Cúng không hề giấu diếm ước mong thèm khát một cột sóng điện thoại được dựng lên nơi thôn bản. Cột sóng ấy theo lời anh Hành sẽ như: “Cầu nối giúp bà con trong bản đến gần với thông tin giải trí, không mù tịt, và đói khát tin thời sự nữa”.

Ông Tô Văn Học- Chủ tịch xã Nậm Có cho biết: “Xã cũng đã kiến nghị rất nhiều lần về việc xây đường, đưa điện về các bản chưa có điện. Năm 2020, xã cũng đã kéo được điện cho một số bản, nhưng vì kinh phí đầu tư lớn nên cần thực hiện dần dần chứ không thể trong ngày một ngày hai”.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn