MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Nhói lòng xóm chạy thận giữa lòng phố núi

Song An LDO | 16/04/2021 08:29

Giữa những ngôi nhà cao tầng, những con phố tấp nập người qua lại ở trung tâm phố núi Điện Biên Phủ (tỉnh Điện Biên) là một xóm trọ nhỏ, ẩm thấp, trầm lắng đã tồn tại hơn chục năm. Người ta gọi đó là xóm chạy thận, bởi đây là nơi “tạm trú” thường xuyên của hàng chục bệnh nhân chạy thận tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Điện Biên.

Từ khi mắc bệnh trọng, bà Quàng Thị Thêm không thể làm được việc gì nên chồng bà phải theo xuống ở cùng để chăm sóc.

Bên hiên 1 phòng trọ sập xệ, tiếng thở nặng nhọc của chị Quàng Thị Thêm khiến chúng tôi phải thắt lòng. Hơn 1 năm mang bệnh nặng, cũng là bằng đó thời gian chị Thêm về “tá túc” tại xóm chạy thận này. Đều đặn 1 tuần 3 buổi chạy thận, thời gian còn lại, chị chỉ dành đau đáu về con, vì cũng không đủ sức khỏe và kinh phí để đi lại, hoặc làm gì khác.

Trong tiếng thở yếu ớt, chị Thêm khó nhọc nói: “Mới chỉ 2 năm bị bệnh, mà nhà tôi chẳng còn gì. Trâu bò bán, xe máy cũng bán hết để đi mổ. Giờ về bệnh viện tỉnh chạy thận cực lắm. Nhà tôi ở Nặm Lịch (huyện Mường Ảng), cách xa viện hơn 60km nên phải thuê trọ gần đó để ở hẳn. Tôi yếu chẳng làm được gì, chồng phải xuống chăm, hàng ngày phải đi đánh lưới bắt cá về ăn, kiếm củi về đun”.

Mỗi phòng trọ rộng chừng 4m2, chỉ đủ kê chiếc giường và một số vật dụng cá nhân cho 1 người ở. Ảnh S.A

Còn đối với anh Bàn Văn Định, 10 năm chạy thận là chừng đó thời gian đau đớn và cơ cực. Phát hiện bệnh trọng khi đứa con thứ 3 mới vừa tròn 2 tuổi, để lại vợ trẻ một nách ba con nhỏ dại ở nhà tất tả với cuộc sống mưu sinh, một mình anh ngoài thành phố vật lộn với bệnh tật.

Nhà ở tận Mường Nhé, cách xa thành phố Điện Biên Phủ hơn 200km, sức khỏe ngày cảng giảm sút nên lâu nay anh Định thường xuyên ở lại thành phố. Thời gian trước, anh phải vất vả xoay sở vì mọi thứ đều đắt đỏ, chưa tính tiền phòng thì mình anh đã tiêu tốn khoảng 2 triệu đồng thuốc thang và ăn uống mỗi tháng.

“May mắn có người mách cho mới biết ở đây có phòng trọ giá rẻ. Nói là giá rẻ chứ thực chất gần như cho ở không. 12 bệnh nhân chúng tôi đỡ đi nhiều lắm” - anh Bàn Văn Định nói.

Đa phần bệnh nhân ở xóm chạy thận phải tự nấu ăn, sinh hoạt và vào viện điều trị. Ảnh S.A

Được biết, xóm trọ này do gia đình ông Lò Văn Muôn, phường Noong Bua, thành phố Điện Biên Phủ (tỉnh Điện Biên) xây dựng đã gần 20 năm, với mục đích kinh doanh. Vài năm nay, nơi đây đã trở thành xóm chạy thận.

50% số phòng, luôn được chủ nhà trọ ưu tiên dành sẵn cho bệnh nhân chạy thận, với giá thuê 100 nghìn đồng/phòng/tháng. Thực chất số tiền này để chi trả chi phí điện, nước sinh hoạt hàng ngày. Ảnh S.A

Nhiều bệnh nhân đến rồi đi, vì nhiều hoàn cảnh khác nhau, song ông Muôn luôn nhớ tên từng người, hiểu từng hoàn cảnh của bệnh nhân và chia sẻ, động viên họ.

“Bệnh nhân tự đặt tên xóm này là xóm chạy thận thành phố Điện Biên Phủ. Ở đây hiện có 12 bệnh nhân đang trọ, đa phần có những hoàn cảnh rất khó khăn như cô Mỷ, anh Định, anh Khoán... Tôi giúp họ có chỗ ở, thì lại có người giúp tôi thứ khác. Chỉ cần họ yên tâm chữa bệnh, khỏi bệnh là tôi mừng rồi” – ông Muôn tâm sự.

Tuy nhiên, vì đã qua nhiều năm sử dụng, nên nhiều phòng trọ đã bị hư hỏng, xuống cấp 1 phần. Ảnh S.A

Có lẽ vì đồng cảm, nên những bệnh nhân ở đây cũng coi nhau như người thân trong gia đình, giúp đỡ và chia sẻ cùng nhau mọi vui buồn trong cuộc sống, bên nhau khi trái gió trở trời, mệt mỏi, đau ốm.

Mặc dù mỗi người đều có khó khăn riêng, song các bệnh nhân ở đây đều chia sẻ, động viên nhau vượt qua bệnh tật. Ảnh S.A

Bệnh nhân ở đây đa phần đều đến từ các xã, bản vùng cao, cách xa thành phố hàng chục, thậm chí hàng trăm cây số. Ai cũng có hoàn cảnh riêng, song cùng có chung bệnh trọng và cuộc sống khó khăn. Có người mới chạy thận được 1 năm, song cũng có người thâm niên tới cả chục năm.

Những cánh tay gầy gò, teo tóp và chằng chịt “vết tích” của nhiều lần chạy thận. Ảnh S.A

Phần lớn họ đều có bảo hiểm y tế của người nghèo, nên mọi chi phí trong điều trị được giảm nhẹ rất nhiều. Song để bảo đảm sức khỏe, phải dùng thêm một số loại thuốc, những thuốc này không được bảo hiểm chi trả nên người bệnh phải tự túc.

Gương mặt xanh xao, phù nề vì bệnh. Ảnh S.A

Những tiếng thở nặng nhọc, thân hình gầy gò, tay chân teo tóp, da xanh yếu ớt khiến không mấy ai đoán được tuổi thực của họ. Tất cả đều mắc bệnh suy thận nặng, phải lọc máu liên tục để kéo dài sự sống. Cứ 3 ngày chạy lọc máu một lần, chu kỳ cứ lặp đi lặp lại liên tục như vậy, thiếu lần nào thì sức khỏe suy kiệt.

Dẫu vậy, họ vẫn luôn động viên nhau cùng “chiến đấu” với bệnh tật. Ảnh S.A

Dẫu vậy, ở xóm chạy thận - nơi có những phận người bất hạnh, ở trong những căn phòng chật chội, đơn sơ, người ta vẫn dành cho nhau những nụ cười trìu mến, dẫu chẳng thể giấu đi sự mệt mỏi, đau đớn của bệnh tật. Giữa đắt đỏ của phố thị, những mảnh đời bất hạnh, đớn đau ấy vẫn tìm thấy hạnh phúc, khi có nơi đầy nhân ái và tình người để đi về mỗi ngày.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn