MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Một lớp đào tạo nhân lực của ngành hàng không. Ảnh: GT

Nhu cầu nhân lực ngành hàng không tăng mạnh

Minh Hạnh LDO | 14/11/2022 07:00
Ngành hàng không đang cần số nhân lực lớn để đáp ứng tốc độ phục hồi, tăng trưởng của thị trường du lịch, thương mại sau thời gian đại dịch COVID-19. Trong khi đó việc tuyển dụng nhân lực phục vụ cũng rất khó khăn vì sau dịch một số tiếp viên trên không và mặt đất đã chuyển nghề.

Thiếu nhân lực do đại dịch

Theo báo cáo của Hiệp hội vận tải hàng không Quốc tế IATA, Việt Nam đứng vị trí số 1 trong danh sách 25 nước có thị trường hàng không nội địa phục hồi nhanh nhất thế giới. Điều đó đòi hỏi lực lượng lao động chất lượng cao phải luôn trong tư thế sẵn sàng như một ưu thế cạnh tranh chủ lực của các hãng bay.

Đại diện Vietnam Airlines (VNA) cho biết, năm 2022, nhu cầu tuyển dụng của hãng rất lớn với tất cả các vị trí như phi công, tiếp viên, chuyên gia chuyển đổi số, nhân viên kỹ thuật, vận hành trang thiết bị, thợ cơ khí...

Riêng công ty phục vụ mặt đất VIAGS dự kiến tuyển gần 1.000 người, với các vị trí nhân viên phục vụ hành khách, nhân viên lái vận hành trang thiết bị, nhân viên hướng dẫn chất xếp, nhân viên cân bằng trọng tải, thợ sửa chữa. Tuy nhiên, việc tuyển dụng chỉ đạt khoảng 80% nhu cầu vì hiện thu nhập của ngành so với các ngành khác cũng không phải là cao, trong khi đó công việc vất vả và sau dịch nhiều nhân viên đã đi tìm việc làm mới.

Đại diện Bamboo Airways cũng cho biết, nhằm bổ sung nguồn nhân lực, đáp ứng nhu cầu mở rộng quy mô khai thác của hãng giai đoạn bình thường mới, hãng đã chủ động tổ chức các chương trình tuyển dụng và đào tạo lực lượng nhân sự đặc thù, bên cạnh nguồn nhân sự chất lượng cao được đào tạo và duy trì.

Từ đầu năm 2022 đến nay, hãng liên tục khai giảng các khóa đào tạo chuyên ngành học viên phi công máy bay A320 và học viên phi công máy bay Embraer. Đến nay, Bamboo Airways đã và đang đào tạo 10 khóa phi công tích lũy kinh nghiệm (IOE) với hơn 100 học viên, 4 khoá học viên các dòng máy bay Airbus A320 và Embraer với hơn 50 học viên.

Cơ hội đào tạo nhân lực tại Việt Nam

Theo Dự báo Dịch vụ toàn cầu vừa được công bố vào tháng 10, Airbus cho rằng năm 2023 thị trường dịch vụ hàng không sẽ phục hồi về mức trước đại dịch Covid-19. Airbus dự báo năm 2041 ngành hàng không thế giới cần tuyển mới 585.000 phi công, 640.000 nhân viên kỹ thuật và 875.000 tiếp viên hàng không.

Giám đốc Học viện Hàng không Vietjet (VJAA) - ông Trần Hữu Quốc cho biết, mỗi năm VJAA cung ứng cho thị trường gần 3.000 lao động trong lĩnh vực hàng không như phi công, điều phối bay, tiếp viên hàng không, kỹ sư, dịch vụ mặt đất, điều khiển vận hành các thiết bị hàng không chuyên dụng, bán vé, tổng đài và cả đào tạo giảng viên hàng không. Trong đó, phi công, tiếp viên hàng không, kỹ sư và nhân viên mặt đất là 4 nghiệp vụ được giới trẻ quan tâm, đăng ký nhiều nhất qua các mùa tuyển sinh.

Để đáp ứng nhu cầu phi công, các hãng bay như Bamboo Airways cũng hợp tác với các đối tác quốc tế để tổ chức các lớp đào tạo, huấn luyện phi công theo các hương trình học được thiết kế theo tiêu chuẩn EASA (tiêu chuẩn Châu Âu) hay FAA (tiêu chuẩn Mỹ) và tuân thủ các yêu cầu của ICAO.

Sau khi tốt nghiệp khóa học bay cơ bản tại nước ngoài, học viên được cấp chứng chỉ phi công tiêu chuẩn quốc tế (CASA, EASA, FAA), được Cục Hàng không Việt Nam và các tổ chức quốc tế công nhận. Học viên sẽ tiếp tục trải qua quá trình huấn luyện chuyển loại máy bay để đủ điều kiện ứng tuyển vào vị trí phi công của các hãng nội địa và quốc tế.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn