MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Nhiều sinh viên tìm cơ hội việc làm tại Hội chợ việc làm. Ảnh: Nam Dương

Nhu cầu tìm việc của người tốt nghiệp đại học tăng cao

Nam Dương LDO | 24/07/2023 09:22

Nhiều người tốt nghiệp đại học chấp nhận đi làm việc như công nhân, thậm chí có trường hợp phải giấu bằng đại học, chỉ dùng bằng tốt nghiệp THPT để đi xin việc.

Nhiều cử nhân, kỹ sư đi tìm việc

Đầu năm 2023, sau khi tốt nghiệp Kỹ sư chuyên ngành Công nghệ in, Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP Hồ Chí Minh, anh Nguyễn Tuấn An (quê ở huyện Cầu Ngang, tỉnh Trà Vinh), xin vào làm tại Công ty Cổ phần In số 7 (KCN Tân Tạo - TP Hồ Chí Minh). Tại đây, anh được bố trí học việc trên dây chuyền máy in. “Thực tế công việc có nhiều điều khác so với khi chúng tôi học. Những kinh nghiệm từ thực tế giúp chúng tôi củng cố kiến thức, khả năng của mình nhiều hơn” - anh An chia sẻ.

Chị Trần Bùi Minh Phương (quận Gò Vấp, TP Hồ Chí Minh) là cử nhân Anh văn, cử nhân Luật, Trường Đại học Luật TP Hồ Chí Minh, xin vào làm nhân viên nhân sự tại một công ty thuộc Tập đoàn đa quốc gia của Mỹ, đóng tại quận 12. Chị Phương cho biết, sau khi tốt nghiệp, chị làm việc ở một công ty chuyên về công nghệ thông tin được vài tháng nhưng không phù hợp nên đã đi tìm việc tại công ty mới.

Ông Trương Hoàng Tâm - Chủ tịch CĐ Công ty Cổ phần In số 7 - cho biết, ở công ty có nhiều kỹ sư vừa tốt nghiệp đến xin việc.

Ông Lưu Kim Hồng - Chủ tịch CĐ Công ty Nidec Việt Nam (Khu công nghệ cao TP Hồ Chí Minh) - cho biết, trên thực tế, nhiều cử nhân, kỹ sư sau khi tốt nghiệp đại học có nhu cầu đi tìm việc tại nhà máy. Tuy nhiên do nhu cầu của công ty chủ yếu tuyển dụng lao động phổ thông, chỉ cần sức khỏe tốt để vào làm công việc đơn giản, nên thực tế nhiều người vì nhu cầu có việc làm đã phải giấu bằng cử nhân hay kỹ sư, chỉ lấy bằng tốt nghiệp THPT để xin việc.

Nhu cầu tìm việc trình độ đại học trở lên chiếm 84,42%

Theo Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TP Hồ Chí Minh, trong 6 tháng đầu năm 2023, nhu cầu nhân lực ở TP Hồ Chí Minh tập trung chủ yếu ở khu vực thương mại - dịch vụ với gần 105.200 chỗ làm việc, chiếm 68,47%. Nhu cầu tìm việc ở lao động đã qua đào tạo chiếm 99,21% tổng nhu cầu tìm việc. Trong đó, nhu cầu tìm việc đối với trình độ đại học trở lên chiếm 84,42%, cao đẳng chiếm 12,68%, trung cấp chiếm 1,77%, sơ cấp chiếm 0,34%. Nhu cầu tìm việc ở lao động phổ thông chỉ chiếm 0,79%.

“Nhu cầu tìm việc tập trung ở một số vị trí việc làm như: kế toán viên, kiểm toán viên, kỹ sư hóa học, nhân viên ngân hàng, môi giới bảo hiểm, nhân viên thương mại điện tử, nhân viên kinh doanh, kỹ sư môi trường; kỹ sư xây dựng, kỹ sư cơ khí; nhân viên IT; lập trình viên, nhân viên hành chính nhân sự, nhân viên pháp lý, các vị trí quản lý trong doanh nghiệp…” - bà Nguyễn Hoàng Hiếu - Giám đốc Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TP Hồ Chí Minh - cho biết.

Cũng theo bà Hiếu, dự kiến nhu cầu nhân lực 6 tháng cuối năm 2023 diễn biến theo hai kịch bản. Kịch bản thứ nhất, tăng trưởng kinh tế toàn cầu và một số nền kinh tế lớn có chiều hướng chậm lại, ảnh hưởng đến nền kinh tế Việt Nam dẫn đến tăng trưởng xuất khẩu các mặt hàng công nghiệp chế biến, chế tạo, dự báo sẽ chậm lại... Dự kiến nhu cầu nhân lực 6 tháng cuối năm 2023 tại TPHCM cần khoảng 145.000 - 155.000 chỗ làm việc.

Kịch bản thứ hai, tăng trưởng kinh tế toàn cầu diễn biến theo chiều hướng tích cực; thì dự kiến nhu cầu nhân lực 6 tháng cuối năm 2023 cần khoảng 155.000 - 165.000 chỗ làm việc.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn