MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Hiện trường một vụ phá rừng, lấn chiếm đất lâm nghiệp làm rẫy ở địa bàn huyện Ea Súp, tỉnh Đắk Lắk. Ảnh: Bảo Trung

Nhức nhối tình trạng di cư tự do phá rừng để làm nương rẫy ở Đắk Lắk

Bảo Trung - Hải Danh LDO | 05/07/2024 11:00

Mặc dù các cơ quan chức năng đã nhiều lần tổ chức truy quét, xử lý, nhưng tình trạng người dân phá rừng, lấn chiếm đất đai để canh tác, phát triển sản xuất vẫn đang diễn biến hết sức phức tạp ở huyện biên giới Ea Sup (Đắk Lắk).

Khó ngăn chặn người dân di cư tự do lấn chiếm đất rừng

Anh Ha Lê Ha Ben hiện là nhân viên kiểm lâm địa bàn xã Ia J’Lơi, huyện Ea Súp, tỉnh Đắk Lắk. Theo anh Ha Lê Ha Ben, đều đặn mỗi tuần anh phải vượt quãng đường hơn 70km để đến khu vực giáp ranh ở huyện Chư Pưh (tỉnh Gia Lai) để tuần tra bảo vệ rừng. Phương tiện không thể tách rời của anh Ha Ben đó là chiếc xe gắn máy bám đầy bùn đất.

Anh Ha Ben chia sẻ: “Tôi đang quản lý khoảng 1.000ha rừng và đất rừng. Địa bàn phân bổ quá rộng, mỗi tháng tôi đều đặn chạy xe máy kiểm tra thực địa 2 vòng, có lúc cao điểm thì phải lên tới 4 vòng. Mỗi lần như vậy cả đi cả về khoảng 150km”.

Để nắm bắt được những khó khăn trong công tác quản lý bảo vệ rừng ở vùng điểm nóng, chúng tôi đã cùng với anh Ha Ben có chuyến đi vào rừng như là người “thổ địa”.

Theo đó, nếu muốn đi từ trung tâm xã Ia J’Lơi đến khu vực rừng giáp ranh giữa huyện Ea H’Leo (tỉnh Đắk Lắk) và huyện Chư Pưh (tỉnh Gia Lai) người đi phải lội qua 2 con suối trơn trượt rất nguy hiểm.

Tiếp đó, xe phải băng qua một ngọn đồi, đi tiếp vào một cánh rừng caosu mới tới được điểm nóng phá rừng, làm rẫy. Trong khi đó, khu vực này chủ yếu là người dân di cư tự do, vẫn xảy ra việc phá rừng lấy đất sản xuất để làm kế sinh nhai.

Trên đường tuần tra cùng anh Ha Ben, chúng tôi đã gặp một người đàn ông có ý định phá rừng trái phép để làm rẫy. Khi người này chưa đốn hạ được cây nào thì anh Ha Ben đã kịp thời có mặt, yêu cầu dừng lại nếu không sẽ xử lý theo quy định của pháp luật.

Người đàn ông này cho biết, do gia đình nghèo, không có đất canh tác nên mới "làm liều".

Liên quan đến sự việc này, Chủ tịch UBND xã Ia J’Lơi Nguyễn Văn Đồng thừa nhận, một thực tế đó là rất khó để quản lý, bảo vệ rừng trong bối cảnh hiện nay. Bởi lẽ, lực lượng quá mỏng, không đáp ứng được yêu cầu công việc trên một diện tích đất rừng quá rộng lớn.

Thứ nữa, đó là chưa kể đến việc khi đã xử lý các đối tượng thì người thực thi nhiệm vụ cũng dễ bị trả thù nhằm vào người thân trong gia đình...

Lực lượng kiểm lâm huyện Ea Súp đang rất vất vả để giải quyết tình trạng người dân phá rừng, lấn chiếm đất làm rẫy. Ảnh: Bảo Trung

Chưa có biện pháp giải quyết triệt để

Ông Lê Hưng - Phó Hạt trưởng Hạt kiểm lâm huyện Ea Súp - cho biết: “Hiện nay, tại các công ty lâm nghiệp trên địa bàn kinh phí hỗ trợ của Nhà nước không đủ để chi trả cho lực lượng bảo vệ rừng. Tình trạng phá rừng, xâm chiếm đất quy hoạch phát triển rừng vẫn còn xảy ra chưa có biện pháp khắc phục".

Thống kê của Hạt kiểm lâm huyện Ea Súp, trong 6 tháng đầu năm 2024, địa bàn đã xảy ra 32 vụ phá rừng trái pháp luật, tổng diện tích bị thiệt hại lên đến hơn 7,79ha. Khối lượng lâm sản bị tịch thu vào khoảng 11m3 gỗ, phạt hành chính 47 triệu đồng.

Còn theo thống kê của Chi cục Kiểm lâm tỉnh Đắk Lắk, từ đầu năm đến tháng 6.2024, toàn tỉnh đã xảy ra 450 vụ phá rừng trái pháp luật, tổng diện tích bị thiệt hại lên đến hơn 122ha, khối lượng gỗ bị tịch thu, xử lý vào khoảng 158m3.

Lãnh đạo Chi cục Kiểm lâm tỉnh Đắk Lắk nhận định, lực lượng kiểm lâm ở các cơ sở đang chịu áp lực rất lớn từ dân di cư tự do, nhất là người đồng bào dân tộc thiểu số đang sinh sống trong rừng, gần rừng. Họ phá rừng để lấy đất ở, đất canh tác, khai thác, vận chuyển lâm sản trái pháp luật.

Đối với các vụ vi phạm phá rừng trái pháp luật dù cấp có thẩm quyền đã ban hành quyết định buộc khắc phục hậu quả. Thế nhưng, hiện nay, các đối tượng tiếp tục tái lấn chiếm canh tác trên diện tích phá rừng nhưng chưa được cơ quan chức năng, chính quyền địa phương, chủ rừng kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý.

Việc này đã làm giảm tính răn đe, giáo dục, phòng ngừa vi phạm liên quan đến quản lý bảo vệ rừng.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn