MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Người dân thị xã Vĩnh Châu (tỉnh Sóc Trăng) đào ao lót bạt để trữ nước phục vụ sản xuất.

Những ao nước dã chiến giúp nông dân sống khỏe qua mùa hạn

PHƯƠNG ANH LDO | 25/03/2024 21:28

Việc sớm tích trữ nước trong ao, hồ, kênh mương, thậm chí đào ao “dã chiến” để trữ nước đã giúp nhiều hộ dân ở tỉnh Sóc Trăng có nguồn nước sinh hoạt, sản xuất trong mùa hạn, mặn.

Ao "thời vụ"

Khoảng 5 năm nay, thay vì trồng lúa Đông Xuân muộn, chị Lâm Thị Sà Vượl (xã Lịch Hội Thượng, huyện Trần Đề, tỉnh Sóc Trăng) chuyển sang trồng các loại rau màu. Để chủ động nguồn nước tưới, gia đình đã đào một ao có diện tích khoảng 40m2 để trữ nước.

“Những ngày độ mặn ở sông giảm đến mức cho phép thì lấy nước tưới trực tiếp cho rau và dẫn vào ao để trữ. Khi độ mặn tăng thì lấy nước dự trữ trong ao để tưới. Nhờ vậy việc trồng rau trong mùa hạn luôn thuận lợi”, chị Vượl nói.

Chị Vượl cũng cho biết thêm, ao chủ yếu đào "dã chiến" qua mùa hạn thì lấp lại để trồng lúa. Trồng xong 2 vụ lúa thì lại đào ao để trữ nước trồng màu.

Cũng đã đào 1.000m2 đất để trữ nước ngọt phục vụ tưới tiêu 1 ha trồng rau màu, ông Lê Văn Đức (xã Tân Thạnh, huyện Long Phú, tỉnh Sóc Trăng) chia sẻ: “Từ vài tháng trước, nghe dự báo hạn mặn tôi đã nạo vét mương, gia cố cống đập. Rồi lấy nước ngọt từ sông và nước mưa để dự trữ nên trong những tháng mùa khô vẫn có đủ nước để tưới cho cây. Hiện rau đang cho thu hoạch tốt, giá bán cao hơn 20% so với những lúc không hạn mặn”.

Những rãnh dẫn nước ngọt giúp nông dân tỉnh Sóc Trăng thuận lợi trồng dưa hấu trong mùa khô. Ảnh: Phương Anh

Tương tự, tại những ruộng dưa của nhiều hộ trên địa bàn các huyện Long Phú, Trần Đề, Mỹ Xuyên và thành phố Sóc Trăng, bà con trực tiếp đào nhiều rãnh nhỏ để dẫn nước từ kênh thủy lợi vào đến ruộng.

Anh Trần Kim Tuấn (ở xã Phú Mỹ, huyện Mỹ Tú, tỉnh Sóc Trăng) cho hay, việc dẫn nước vào tới ruộng vừa có nguồn nước ngọt để tưới, vừa tiết kiệm được công sức thời gian do các kênh mương đều khá xa ruộng. Với cách làm này, gia đình luôn có thu nhập hàng chục triệu đồng từ trồng dưa hấu trong mùa khô.

Trữ nước - giải pháp tối ưu

Sau nhiều năm sống cùng hạn, mặn nhiều nông dân ở miền Tây đã chủ động để trữ nước với nhiều cách như hứng nước mưa để dùng cho sinh hoạt, dẫn nước ngọt từ sông vào ao, hồ thậm chí đào ao “dã chiến”. Nhiều hộ còn đầu tư túi chứa nước hay phủ bạt ở đáy ao để tránh nước rò rỉ hay nước mặn xâm nhập vào.

Mặc dù lượng nước trữ chỉ sử dụng trong thời gian nhất định nhưng cũng đã kịp thời "giải khát" cho cây trồng trong thời gian hạn, mặn gay gắt nhất.

"Với những ao lớn trên 1.000m2 nếu dùng tối đa cũng được 10-15 ngày, còn ao nhỏ dùng được khoảng 5-10 ngày. Trong thời gian đó nếu nước ngoài sông giảm mặn thì mở cống lấy nước vào ao tiếp, nên cũng không phải sợ thiếu nước tưới cho cây trồng", anh Nguyễn Nhất Trường - một nông dân trồng vú sữa ở huyện Kế Sách (tỉnh Sóc Trăng) nói.

Chủ động trữ nước ngọt phục vụ sản xuất trong khô. Ảnh: Phương Anh

Theo PGS.TS Lê Anh Tuấn - Cố vấn Khoa học, Viện Nghiên cứu Biến đổi Khí hậu, Trường Đại học Cần Thơ - tình hình hạn hán, xâm nhập mặn diễn ra ngày càng gay gắt và nặng nề hơn. Vì vậy, người dân cần tích trữ nước ngọt trước khi hạn mặn đến để phục vụ sinh hoạt, sản xuất.

“Người dân có thể hứng nước từ mùa mưa năm trước để dùng trong mùa khô năm sau. Còn nước sản xuất thì lấy từ sông rồi trữ trong ao hồ, đào ao lót bạt hay mua túi chứa. Cần phải có đủ lượng nước ngọt tối thiểu cho các nhu cầu sử dụng cơ bản trong giai đoạn mùa khô, nhất là nhu cầu nước sinh hoạt, sản xuất”, PGS.TS Lê Anh Tuấn nói.

Cũng theo PGS.TS Lê Anh Tuấn, về lâu dài, cần khôi phục vùng trũng trữ nước tự nhiên như vùng Đồng Tháp Mười hay Tứ giác Long Xuyên trước đây. Cải tạo các ao đìa, sông rạch và kênh mương hiện hữu để trữ nước vào cuối mùa mưa, mùa lũ.

“Trữ nước ở đây là theo phương pháp tự nhiên vốn có từ xưa của nó chứ không phải đào hồ chứa quá sâu. Vì như vậy như vậy đụng tới tầng phèn thì nước sẽ bị chua nên phải hết sức thận trọng”, PGS.TS Lê Anh Tuấn nói.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn