MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Những câu chuyện bạo lực thường xuyên ám ảnh nhân viên tư vấn tâm lý

Trần Kiều LDO | 07/03/2021 07:48

"Ở đây, hầu như nhân viên nào cũng từng bị sang chấn tâm lý thứ cấp, phải có chuyên gia tâm lý hỗ trợ để giải tỏa căng thẳng" - chị Khánh Linh tâm sự.

Hơn một năm làm việc tại Ngôi nhà bình yên (Trung tâm Phụ nữ và Phát triển), chị Nguyễn Khánh Linh (SN 1995) không thể nhớ được bản thân đã tiếp nhận hỗ trợ tham vấn cho bao nhiêu nạn nhân của nạn bạo lực gia đình.

Mỗi ngày, chị luôn quay cuồng trong hỗn độn những câu chuyện của bạo lực gia đình có tính chất nghiêm trọng, đầy sự căng thẳng và phức tạp.

Trong ký ức của mình, chị cho biết, chị không thể nào quên được trường hợp một người phụ nữ hơn 60 tuổi, nhưng bị bạo hành suốt 40 năm. Vì quá ám ảnh với việc bố bạo hành mẹ mà 3 người con của nạn nhân này tự ti không dám lập gia đình. Và trường hợp khác là một phụ nữ trẻ mới sinh xong, bị chồng đánh đập đến sa tử cung, nhưng lại không dám làm gì ngoài hỏi: "Em ơi, thế lúc chị bị chồng đánh, chị có được chạy đi không?".

"Thời gian đầu bước chân vào nghề, trực tiếp lắng nghe những câu chuyện như vậy, tôi bị sốc rồi rơi vào tình trạng sang chấn tâm lý. Tôi luôn đặt ra rất nhiều câu hỏi tại sao cho mình. Có những ngày, trên đường từ chỗ làm về nhà, nước mắt tôi cứ thế ứa ra" - chị Linh tâm sự.

Hằng ngày, chị Khánh Linh trực tiếp tiếp nhận những cuộc gọi liên quan đến tư vấn, giải cứu các nạn nhân của nạn bạo lực gia đình. Ảnh: Trần Kiều

Những câu chuyện bạo lực thường xuyên ám ảnh trong chị Linh. Chị gần như không có thời gian dành riêng để chăm sóc bản thân, gia đình hay các mối quan hệ khác. Bởi, chị gần như ăn, ngủ 24/24 với trực điện thoại, hỗ trợ ổn định tâm lý và giải cứu nạn nhân bị bạo hành gia đình.

Theo chị Linh, chị và các nhân viên khác của trung tâm thường xuyên làm việc tới đêm khuya mới trở về nhà. Khi về đến nhà rồi, lúc ăn chị vẫn phải nghe điện thoại, chia sẻ với nạn nhân. Có những nạn nhân gọi điện đến nhờ tư vấn là xong, cũng có nạn nhân cần được giải cứu khẩn cấp.

Thông thường, khi nạn nhân được hỗ trợ giải cứu thành công và đưa về "Ngôi nhà bình yên" rồi, chị lại tiếp tục tham vấn, cung cấp kiến thức về luật, về quyền cho họ. Chị cho hay: "Nguyên tắc của Ngôi nhà bình yên là không đưa ra lời khuyên, mà chỉ hỗ trợ nơi ăn ở an toàn, tâm lý và pháp lý miễn phí cho nạn nhân để họ hiểu và tự đưa ra quyết định".

"Công việc của tôi là làm về con người. Nếu không có hiểu biết các kiến thức cần thiết và sự thấu cảm thì sẽ không theo được nghề. Ở đây, hầu như nhân viên nào cũng từng bị sang chấn tâm lý thứ cấp, phải có chuyên gia tâm lý hỗ trợ để giải tỏa căng thẳng" - Khánh Linh trải lòng.

Giúp phụ nữ hiểu được giá trị và quyền của họ cũng như thúc đẩy phát triển bình đẳng giới là điều mà chị Linh luôn hướng tới. Ảnh: Trần Kiều

Ngoài ra, chị Linh cũng cho biết, công việc của chị là công việc nhạy cảm nên chị (cùng đồng nghiệp) thường xuyên bị người trực tiếp gây ra bạo lực đến nơi làm đe dọa, đập phá, đòi "thả người".

Mặc dù vậy, song chị luôn biết ơn và cảm thấy may mắn vì được làm công việc này. Chị hạnh phúc vì có thể tham gia giúp đỡ các nạn nhân hiểu được quyền, giá trị của họ; đồng thời, thúc đẩy phát triển bình đẳng giới.

Bạo lực gia đình thường có 4 dạng thức: Bạo lực tinh thần, bạo lực thể chất, bạo lực tình dục và bạo lực kinh tế.

"Ngôi nhà bình yên" được thành lập năm 2007 trong bối cảnh xảy ra nhiều vụ việc nghiêm trọng ảnh hưởng tiêu cực đến phụ nữ, trẻ em. Từ thành công của dự án này, "Ngôi nhà bình yên" được duy trì bằng nguồn kinh phí của Chính phủ và nguồn tài trợ của nhiều lực lượng xã hội.

Không chỉ có phụ nữ và trẻ em bị bạo lực, ở đây còn đón nhận hỗ trợ phụ nữ, trẻ em là nạn nhân của các vụ buôn bán người, nạn nhân của xâm hại tình dục… Các nạn nhân được tạm trú 3-6 tháng. Trường hợp họ chưa được an toàn sẽ có thể gia hạn.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn