MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Chị Hà trò chuyện với thương binh.

Những câu chuyện dọc đường tác nghiệp

Linh Nguyên LDO | 14/08/2022 18:00

Với nghề báo, mỗi bài viết phải là một câu chuyện. Có những câu chuyện mang lại niềm vui khi giúp được nhân vật giải quyết vấn đề. Có những câu chuyện khiến người viết trăn trở, cũng có những câu chuyện là nỗi buồn. Và có những câu chuyện dường như mang mối nợ ân tình.

1.

Có mặt tại Trung tâm Điều dưỡng thương binh Kim Bảng (Hà Nam) vào dịp kỷ niệm 75 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ, tôi thấy một điều dưỡng đứng lặng lẽ nơi góc hội trường để quan sát các thương bệnh binh. Đấy là Nguyễn Thị Thu Hà. Chị Hà làm tại khoa điều trị cho bệnh nhân rối loạn tâm thần nặng. Suốt 20 năm gắn với Trung tâm, chị Hà chưa một lần nản lòng dù hằng ngày tiếp xúc, chăm sóc cho những thương bệnh binh rối loạn tâm thần nặng.

Chị Hà kể chuyện các thương bệnh binh đút chân vào lửa, tự cắt 1 phần cơ thể không hiếm vì tâm trí các bác cứ nghĩ phải làm bị thương bản thân. Những hành động xảy ra lúc loạn tâm thần của bệnh nhân không ít. Nhưng chị Hà và các đồng nghiệp vẫn dịu dàng, chăm lo cho các thương binh mỗi ngày. Hỏi chị Hà là chị có sợ không? Chị bảo nói không sợ thì cũng không hẳn vì có nhiều lúc các bác không làm chủ được suy nghĩ, hành động. Song hơn tất cả chị biết ơn sự hy sinh của các thương bệnh binh trong kháng chiến để giành độc lập tự do cho đất nước.

Trong tình cảm chung ấy, có tình cảm riêng. Chị Hà quê ở Phú Thọ, mẹ công tác tại Viện quân y 91 (Thái Nguyên). Bố chị Hà bị thương vào sọ não do bom B52 năm 1972 ở chiến trường Khe Sanh. Vì vậy mẹ chị Hà đưa cả gia đình về Trung tâm để tiện chăm sóc cho bố. Giờ mẹ nghỉ hưu thì chị tiếp bước mẹ, làm việc tại đây để chăm sóc các thương bệnh binh và bố. Những lúc rối loạn tâm thần, bố chị Hà trợn mắt, vùng dậy đánh người. Thường thì trước khi biết mình sẽ bị rối loạn, bố chị lại hô mẹ và chị lấy dây trói bố lại. Năm nay bố chị Hà 72 tuổi, những cơn rối loạn tâm thần bớt đi thì bố lại bị những bệnh nội khoa nặng, một phần cũng do bị ảnh hưởng chất độc da cam hành hạ.

Chị Thuỷ tổ chức tập kết rau củ quả để hỗ trợ các bếp ăn, hỗ trợ người dân thời kỳ giãn cách.

Chị Hà bảo thương bố, thương các bác bệnh binh nên chị càng cố gắng, không nề hà bất kỳ công việc gì, nhất là khi đã mang trên người chiếc áo blouse trắng. Chị chăm sóc cho tất cả bệnh nhân như chăm sóc cho bố, bởi “mỗi lần các bác tự gây thương tích cho bản thân thì mình cũng đau như dao cắt vào cơ thể. Thế hệ mình phải làm tất cả những gì có thể để xứng đáng với sự hy sinh của các bác, của bố” - chị Hà nói. Phía dưới tấm khẩu trang, khuôn mặt chị như trùng xuống bởi đôi mắt đã ngấn nước.

Còn tôi, tôi bỗng thấy mình thật bé nhỏ trước suy nghĩ và tấm chân tình của chị Hà. Khi biết tôi là nhà báo đi theo đoàn đến thăm, tặng quà Trung tâm, chị Hà cứ nói lời cảm ơn. Chia tay chị Hà, tôi nói: Chúng tôi cảm ơn chị và đồng nghiệp của chị ở Trung tâm. Các chị đang thay mọi người chăm sóc cho những thương bệnh binh mà không nề hà sự vất vả, có cả phần rủi ro của nghề nghiệp.

2.

Chị Nguyễn Thị Thuỷ - Chủ tịch Liên đoàn Lao động huyện Đan Phượng (Hà Nội) – là một trong 10 cán bộ Công đoàn được nhận Giải thưởng Nguyễn Văn Linh lần thứ III. Đến làm việc với chị Thuỷ, chúng tôi được nghe câu chuyện về những ngày làm việc của chị trong thời gian giãn cách xã hội để phòng, chống dịch COVID-19.

Suốt những ngày tháng ấy, chị Thuỷ liên tục đến với đoàn viên, người lao động và những doanh nghiệp trong vùng phong toả. Điều đầu tiên chị nghĩ đến là làm sao phải có đủ nhu yếu phẩm cho đoàn viên, người lao động. Chị tìm kiếm, kêu gọi sự ủng hộ về rau, củ quả, nhu yếu phẩm rồi tập kết, trực tiếp mang đến hỗ trợ công nhân, doanh nghiệp và cả người dân.

Sau mỗi ngày làm việc ở công ty, về nhà trọ, Thu Thuỷ lại tranh thủ làm nón để có thêm tiền trang trải cho 2 vợ chồng và con trai đang đi học.

Tôi nhớ mãi chuyện anh Bùi Anh Tuấn - Phó Trưởng phòng LĐTBXH huyện - kể rằng, thấy chị Thuỷ liên tục đến với công nhân lao động trong thời điểm dịch căng thẳng nhất, có người khuyên chị nên đi ít thôi kẻo lây nhiễm bệnh. Khi ấy chị Thuỷ trả lời mình là cán bộ Công đoàn, lúc này mình không đến với công nhân, với doanh nghiệp thì còn lúc nào. Trong câu chuyện, tôi đặt lại câu hỏi “lúc đấy liên tục đi hỗ trợ chị có sợ bị lây bệnh không?”. Chị Thủy trả lời: Có những điều át đi nỗi sợ. Đấy là trách nhiệm của người cán bộ Công đoàn đối với đoàn viên, người lao động. Và, cao hơn nữa là tình cảm của tôi đối với họ. Tôi thấy hạnh phúc vì được đến với đoàn viên, người lao động.

3.

Khi có chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà trọ cho công nhân lao động, tôi gặp Thu Thuỷ, đang làm việc cho một công ty tại Khu công nghiệp Thạch Thất. Thuỷ là một trong những công nhân nộp hồ sơ xét duyệt nhận tiền hỗ trợ thuê nhà trọ. Thuỷ đưa chúng tôi về nơi ở trọ. Đó là một căn nhà cao tầng, gia đình Thuỷ thuê ở  1 phòng ỏ tầng 2. Cầu thang đi lên các tầng không có tay vịn và tối, tường lở lói. Thuỷ tâm sự, theo hồ sơ, Thuỷ là đối tượng được hỗ trợ 3 tháng.

Công việc của chúng tôi là ghi lại thực trạng cuộc sống của Thuỷ và phản ánh việc Thuỷ cùng nhiều công nhân khác đã nộp xong hồ sơ vào giữa tháng 5, đang chờ nhận tiền. Bẵng đi, đến cuối tháng 6, Thuỷ nhắn tin hỏi tôi có thông tin gì về tiền hỗ trợ chưa. Thuỷ tâm sự số tiền theo quy định với mọi người không lớn nhưng với Thuỷ thì giải quyết được rất nhiều việc. Đến đầu tháng 7 Thuỷ lại nhắn tin hỏi xem có tin tức gì chưa. Đến cuối tháng 7, tôi chủ động hỏi Thuỷ đã nhận tiền hỗ trợ chưa, giọng Thuỷ buồn buồn: Em hỏi rồi nhưng thấy bảo chờ đợt 2 chị ạ…

 * * *

Đôi khi, gặp nhân vật, trò chuyện để viết bài, bài báo đã được xuất bản, nhưng vẫn còn lại những nỗi niềm khó diễn tả. Chị Hà và chị Thuỷ để lại những bài học về tính nhân văn, tinh thần trách nhiệm. Còn với Thu Thuỷ, sự trông ngóng của em cũng chính là nỗi trăn trở, như nợ em một điều gì của người viết. Cuộc sống vốn nhiều màu sắc, mỗi khi cầm bút, chỉ mong làm tăng thêm mảng màu sáng để dần lấn át bớt mảng màu tối.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn