MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Không khí Tết dường như giờ mới thực sự về trong nhiều mái nhà ở bản vùng cao Nà Nhạn 1.

Những chuyện “dở khóc, dở cười” ở bản cách ly đón Tết muộn

Song An LDO | 27/02/2021 14:05

Phong tỏa, cách ly để phòng dịch COVID-19 bây giờ không phải là chuyện hiếm. Song những câu chuyện xoay quanh vấn đề này ở bản vùng cao của tỉnh Điện Biên thì đúng là “dở khóc, dở cười”.

Phong tỏa cả 2 để khỏi so bì

Nà Nhạn 1 và Nà Nhạn 2 là hai bản vùng cao của tỉnh Điện Biên phải thực hiện phong tỏa, cách ly do liên quan đến bệnh nhân COVID-19.

Ngày 5.2, ngay sau khi có thông tin về 1 trường hợp dương tính yếu với Sars-Cov-2 là anh L. V. M (BN số 1972), 35 hộ dân thuộc bản Nà Nhạn 1 – là nơi bệnh nhân này lưu trú sau khi trở về từ vùng dịch, nhận được thông báo phải phong tỏa, cách ly để đảm bảo công tác phòng chống dịch lây lan. Bước đầu người dân đều nghiêm chỉnh chấp hành.

Thế nhưng, bất cập phát sinh khi tiến hành rà soát lại các trường hợp F1, F2 của bệnh nhân này, thì chủ yếu lại nằm ở khu vực ngoài.

Gia đình anh Quàng Văn Đức mổ lợn, làm cơm đón Tết muộn sau thời gian cách ly. Song An

Ông Mùa A Hừ, Phó Chủ tịch UBND, Trưởng Ban Chỉ đạo Phòng chống dịch bệnh COVID-19 xã Nà Nhạn cho biết: “Để tránh tình trạng so bì “kẻ trong, người ngoài”, gây tâm lý xáo trộn trong nhân dân, và cũng nhằm đảm bảo công tác phòng chống dịch, ngay sau đó, chính quyền địa phương quyết định mở rộng địa bàn phong tỏa, cách ly thêm bản Nà Nhạn 2, với tổng số 205 hộ”.

Cũng từ đây, vì chưa kịp chuẩn bị nên nhiều người rơi vào tình cảnh “dở khóc, dở cười”.

Bà Lường Thị Hoàn, bản Nà Nhạn 1 cùng chồng và 2 con ở trên nán nương của gia đình. Khi nhận thông báo phong tỏa, vì thời gian quá gấp, chưa kịp chuẩn bị thực phẩm nên nguyên một ngày cả gia đình phải ăn măng rừng.

“Nghe cán bộ bảo nhà nào ở yên nhà đó, không được đi đâu. Mà vợ chồng tôi và con đang ở trên nán nương, không về nhà lấy thực phẩm được. Con đói khóc mình chẳng biết làm sao cũng khóc theo.

Rồi chồng bảo vào rừng tìm cái gì ăn, thế là cả ngày hôm ấy phải ăn măng rừng. Hôm sau thì cán bộ, người thân phải mang gạo, mì tôm lên cho” – bà Hoàn chia sẻ.

Dở khóc, dở cười

Một hoàn cảnh khác là bà Lường Thị Thiết. Gia đình chăn nuôi được ít gà, định bụng để dành gần Tết bán kiếm tiền sắm sửa Tết và mua nhu yếu phẩm cho gia đình. Đùng cái, có thông báo phong tỏa, nhà nào ở yên nhà đó, và tất nhiên gà bán Tết vẫn phải ở trong chuồng.

“Ban đầu tôi cũng định tranh thủ mang vài con gà đi bán. Đi xe máy thì sợ cán bộ phát hiện nên tôi đi bộ theo đường mòn. Chưa ra được đến bên ngoài thì cán bộ chốt gặp, bắt quay về, gà không bán được, cũng buồn. Nhưng cán bộ giải thích, tôi biết mình sai nên chấp hành”, bà Thiết nói.

Bà Lường Thị Thiết, bản Nà Nhạn 1 chuẩn bị rau mang ra chợ bán sau khi được gỡ phong tỏa.

Cũng rơi vào hoàn cảnh tương tự, ông Lò Văn Nghiên có ao cá nuôi gần 2 năm dự kiến Tết này sẽ bán.

Thời điểm trước Tết, cá thường được giá nên ông nhẩm tính đủ tiền mua chiếc ti vi mới. Ao vừa mới tháo thì thông báo phong tỏa, mọi việc lại lỡ dở.

Thế nhưng, nhà thì chưa có ti vi mới dịp này cũng không sao, còn cá không thể không có nước một ngày!? Vì ao cá ở ngoài bản, cách xa nhà cả vài cây số không thể tự đi, nên ông Nghiên phải gọi điện nhờ người đi đắp ao lại giúp.

Ao rộng, ở vị trí khó tìm nên khó khăn lắm mới nhờ được. Song không thể trực tiếp ra kiểm tra hàng ngày, nên ông Nghiên cũng không yên tâm.

Ở các bản vùng cao, thực phẩm như gạo, rau thì gần như nhà nào cũng sẵn, do tự trồng cấy trong năm. Nhưng mắm, muối và các mặt hàng nhu yếu phẩm thì gần như nhà nào cũng thiếu.

Vì thường trong bản không có hàng quán, mà phải ra xã, ra huyện. Nắm bắt được thực trạng này, Chính quyền xã đã báo cáo lên thành phố, và kêu gọi các tổ chức, cá nhân từ thiện. Ngay lập tức, mì tôm, mắm, muối, dầu ăn… được chuyển đến tận tay các gia đình.

Ngoài ra, các nhu cầu khác liên quan đến đời sống của người dân đều được chuyển ra chốt. Cán bộ trực tại chốt lại thêm hàng loạt nhiệm vụ mới: Mua sắm đồ dùng, đắp ao, bón phân cho lúa…

Gia đình anh Quàng Văn Đức mổ lợn, làm cơm đón Tết muộn.

Vượt qua 21 ngày khó khăn, “bí” đủ thứ, đến ngày 25.2 vừa qua, hơn 200 hộ dân ở Nà Nhạn 1 đã chính thức được gỡ bỏ phong tỏa.

Tết Nguyên đán đã qua vừa tròn nửa tháng. Bà con ai cũng phấn khởi, người bắt gà, hái rau; người lại đào măng, kiếm mật ong rừng… mang ra chợ bán.

Không khí lại rộn rã, tấp nập như thể giờ mới bắt đầu vào Tết. Nhiều nhà bắt đầu gọi điện cho con cái, họ hàng ở xa về ăn Tết. Nhà mổ gà, nhà mổ lợn… không khí Tết giờ mới thực sự về Nà Nhạn 1, 2.

Mọi thứ cũng giống Tết mọi năm, chỉ khác, năm nay Tết muộn hơn, và khẩu trang là vật “bất ly thân” mỗi lần gặp gỡ nhau từ 2 người trở lên.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn