MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Ngoài giờ lên lớp, cô giáo Nụ tranh thủ thời gian phụ đạo thêm cho các em học lực yếu

Những cô giáo trẻ cắm bản nơi đại ngàn sông Giăng

ANH ĐỨC - LAN RỪNG LDO | 08/03/2019 08:12
Giao thông cách trở, cơ sở vật chất còn thiếu thốn, nhận thức về việc học còn hạn chế… là những khó khăn mà các giáo viên, đặc biệt là giáo viên nữ, trẻ đang giảng dạy tại điểm trường bản Khe Búng, xã biên giới Môn Sơn (huyện Con Cuông, Nghệ An) phải đối mặt hàng ngày.
Để đến được các điểm trường, những nữ giáo viên nơi đây chỉ có 2 cách là đi bằng đường rừng hoặc đi thuyền trên sông Giăng.

Ngược ngàn sông Giăng bằng thuyền, hơn 3 tiếng đồng hồ chúng tôi mới tiếp cận được bản Khe Búng. Thế mới thấu hiểu được trình gieo “con chữ” còn lắm gian nan của các cô giáo nơi đây. Chính họ là những người đã góp phần thay đổi nhận thức cho thế hệ học sinh tộc người Đan Lai nơi thượng nguồn sông Giăng.

Tiếp cận điểm trưởng này, chúng tôi được gặp cô giáo trẻ Vi Thị Phương Thảo (SN 1991). Qua trao đổi được biết, Thảo tốt nghiệp Trường Cao đẳng sự phạm Nghệ An, đã xin về dạy hợp đồng tại trường TH3 xã Môn Sơn và đã được nhà trường phân công về giảng dạy tại điểm Trường bản Khe Búng cách đây 4 năm. Đây là bản 100% tộc người Đan Lai, nằm sâu trong vùng lõi vườn quốc gia Pù Mát, nơi mà cha mẹ các em chưa chú trọng đến việc học tập của con em mà chỉ biết đi khe, đi suối lo bữa ăn hàng ngày.

Bản có hơn 100 hộ tộc người Đan Lai sinh sống, điểm trường mầm non tại đây chỉ có mình cô Ngân Thị Nam đứng lớp

Chia sẻ về những khó khăn trong giảng dạy, cô Thảo cho biết: "Con đường từ nhà đến trường hơn 50 km, đường rừng uốn lượn quanh co, mùa nắng thì bụi mù, mùa mưa, đường đất trơn láng, tay lái không vững nên bị bổ xe là chuyện như cơm bữa. Phần nữa bọn em đang còn trẻ, chưa có gia đình, vào đây có khi mỗi tháng mới về nhà 1 lần, không 2 tuần lần, buổi tối ở giữa núi rừng như thế này, nên đôi lúc cũng cô đơn lắm. Nhưng chúng em luôn động viên nhau cùng cố gắng bám trường, bám lớp".

Trong những lần đến trường gặp phải trời mưa, những giáo viên như cô Nụ, cô Thảo bị té ngã thường xuyên.

Đó cũng là những gian nan mà cô giáo trẻ Lô Thị Nụ (SN 1997), ở xã Yên Khê đang gặp phải. Nụ tâm sự: “Muốn giảng dạy tốt thì giáo viên phải học được tiếng Đan Lai, như thế mới có thể giao tiếp, thuyết phục được học sinh đến trường. Tôi đã tự tìm hiểu, học tiếng Đan Lai từ ngay chính người dân và các em học sinh".

"Vì tình yêu ngành mến trẻ nên em muốn theo đuổi nghề mình đã chọn. Tôi biết vào đây muôn vàn khó khăn, với đồng lương hợp đồng ít ỏi của tôi cũng không đủ chi phí đi lại hàng ngày, nhưng bù lại, tôi đã được đứng trên bục giảng. Mang những con chữ cho các học sinh bản nghèo là niềm mơ ước của tôi bấy lâu", Nụ chia sẻ thêm.

Sau những giờ lên lớp, các cô còn trồng rau để cải thiện bữa ăn.

Hay như cô Ngân Thị Nam, là giáo viên Mầm non điểm trường bản Khe Búng thuộc trường Mầm non Môn Sơn 2. Cô giáo Nam bày tỏ: “Chọn nghề làm giáo viên do yêu nghề, được nhìn thấy các cháu tới trường mỗi ngày là món quà tinh thần lớn nhất của tôi. Ai cũng chọn nơi đô thị thì nơi khó khăn hẻo lánh này, ai sẽ tới mang chữ cho các em”. 

Sự cô lập giữa núi rừng hoang vu, trăm bề khổ nhưng cũng không thể làm nhụt chí người giáo viên mầm non ấy. Cô túc tắc sống giữa mọi thiếu thốn, nhưng đối với các cháu mầm non thì lại rất nhẫn nại và đầy tình thương, vừa dạy, vừa dỗ các cháu tới trường mỗi ngày.

Cô giáo Ngân Thị Nam , trường mầm non Môn Sơn 2, chia sẻ những ngày lễ lấy trẻ làm niềm vui

Phải nói rằng đứng trước nhiều khó khăn, vất vả tưởng chừng như có lúc làm chùn bước ấy, động lực níu kéo các cô gắn bó với nghề chỉ vỏn vẹn trong hai chữ “thương yêu”. Dẫu hành trình gieo “con chữ” cho học sinh Đan Lai nơi đại ngàn sông giăng vẫn còn lắm gian nan, nhưng bằng tình yêu nghề, mến trẻ, những người giáo viên như cô Lô Thị Nụ, Vị Thị Phương Thảo, Ngân Thị Nam vẫn sẽ luôn hết lòng, tận tụy để góp phần làm thay đổi cuộc sống, thắp lên tương lai tươi sáng cho nhiều thế hệ học sinh Đan Lai nơi đây.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn