MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Bản Rào Tre của người Chứt ở Hương Liên. Ảnh LINH ANH

Những con đường hạnh phúc ở Hương Liên

Linh Anh LDO | 14/02/2024 06:56

“Hương Liên là một trong những xã khó khăn của huyện, trong đó có đặc điểm là nơi sinh sống của đồng bào dân tộc Chứt. Bởi thế, chúng tôi xác định, để Hương Liên phát triển thì phải đi trên hai con đường: Con đường giáo dục và con đường sinh kế. Đó là những con đường hạnh phúc”.

Nhọc nhằn những lối đi

Phó Chủ tịch huyện Hương Khê (Hà Tĩnh ) Trần Quốc Bảo đã nói như vậy khi gặp tôi tại lễ khởi công xây dựng công trình nhà học 2 tầng 4 phòng Trường Mầm non xã Hương Liên hồi cuối tháng 11.2023. Công trình có tổng kinh phí hơn 4 tỉ đồng. Trong đó, Quỹ Xã hội Từ thiện Tấm lòng Vàng tài trợ 2,8 tỉ đồng, còn lại là đối ứng 30% của chủ đầu tư UBND huyện Hương Khê.

Ông Bảo còn nói, Hương Liên là một xã vùng sâu, vùng xa ở biên giới với điều kiện kinh tế xã hội rất khó khăn, mặc dù thời gian, qua các cấp, các ngành và địa phương đã dành nhiều sự quan tâm đầu tư cơ sở hạ tầng, nhưng vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu, đó cũng là trăn trở lớn của lãnh đạo địa phương.

Trước khi đến Hương Liên, Trưởng ban Chính sách và Quan hệ lao động Hà Tĩnh Phan Mạnh Hùng cũng đã “dọa” tôi rằng: “Đường từ thị trấn Hương Khê vào xã Hương Liên chỉ hơn 10km nhưng khó đi đấy, quanh co, nhiều dốc và có nguy cơ sạt lở cao”.

Ấy thế mà khi ngồi nói chuyện với các cô giáo mầm non, tôi mới biết, nhiều cô giáo ở đây chẳng coi đoạn đường đèo dốc hơn 10km ấy là gì. Họ vẫn sáng phóng xe máy đến, chiều tối lại đi về, tổng cộng quãng đường mỗi ngày gần 40km.

Cô giáo Phan Thị Hoài Mơ nói: “Quãng đường ấy vất vả thật, nhưng so với con đường học hành của các bạn học sinh ở đây thì vẫn còn bằng phẳng lắm”.

Cô giáo Mơ dẫn câu chuyện về một em có cái tên rất đẹp: Hải Đăng. Hẳn khi đặt tên con, bố mẹ em muốn cuộc đời của em luôn được thắp sáng. Ấy vậy mà câu nói: “Cô ơi. Con sèm đi học quá!” khiến Mơ và các cô giáo ở đây trăn trở.

Những ngày đầu đông, sương mờ còn bao phủ, cô Mơ và các bạn đã tới trường, nhưng cô chờ mãi vẫn không thấy con đến lớp. Anh Hào, bố của Đăng không có công việc ổn định, chị Hoa, mẹ của Đăng thì bị tàn tật, chân đi không vững, gia đình hoàn cảnh khó khăn, mẹ phải gồng gánh nuôi 3 đứa con còn nhỏ, tuổi ăn tuổi học.

Mơ kể, “Qua những lần trò chuyện cùng mẹ Hải Đăng, tôi nhận thấy ở chị một bản lĩnh, yêu gia đình, thương con, vượt lên trên số phận; khó khăn không làm mẹ gục ngã, cố gắng nuôi con gà, con vịt, trồng rau, trồng bưởi, làm thuê, làm đủ việc để cho con một cuộc sống ấm no, bằng bạn bằng bè, được học hành đầy đủ.

Cuộc sống gia đình Hải Đăng trông chờ vào tiền công mỗi ngày bố đi làm keo thuê, nhưng vào mùa mưa kéo dài chẳng có ai thuê nữa, sức khỏe mẹ thì yếu dần.

Tôi hỏi nhỏ, Đăng ơi! Con có muốn đi học không? Con trả lời, cô ơi. Con sèm đi học lắm, nhưng nhà không có tiền, hết gạo ăn luôn rồi cô ạ, con ở nhà để anh Hai đi học...
4 tuổi, con đã rất hiểu chuyện, ở độ tuổi của con, các bạn sèm chơi, sèm mua quần áo đẹp, sèm ăn ngon. Nhưng con “sèm đi học”.

Nước mắt mẹ Hải Đăng rơi, chị tâm sự với tôi, cô ơi, xin lỗi vì các cháu không tới lớp, nhà hết cách rồi cô ạ. Ba tháng rồi, không ai thuê mướn làm gì cả, bố, mẹ đi rừng kiếm măng, kiếm củi về bán mua gạo thôi, hai anh lớn đi học, mẹ cũng chưa có tiền để đóng nộp, mẹ biết các cô thương các cháu, giúp đỡ các cháu nhiều , nhưng học phí của các cháu mẹ không có để đóng nữa rồi cô ạ. Có lẽ mẹ xin cho Hải Đăng nghỉ đã…”.

Mơ bảo, cũng may, những trường hợp như của Hải Đăng ngày càng ít dần ở Hương Liên. Những hạng mục cần thiết cho hệ thống trường học ở Hương Liên cũng là cách để xã vùng sâu này hoàn thành các chỉ tiêu cuối cùng để lên nông thôn mới.

Khởi công phòng học trường mẫu giáo Hương Liên do Quỹ XHTT Tấm lòng Vàng ủng hộ tháng 11.2023.Ảnh: TUẤN TRẦN

Đi tìm những con đường hạnh phúc

Trước khi đầu tư cùng địa phương, xây dựng công trình nhà học 2 tầng 4 phòng Trường Mầm non xã Hương Liên, giữa năm 2022, Quỹ Xã hội Từ thiện Tấm lòng Vàng đã tài trợ 2,2 tỉ đồng cùng vốn đối ứng của LĐLĐ tỉnh Hà Tĩnh hơn 500 triệu đồng, xây dựng công trình nhà công vụ cho giáo viên, đoàn viên công đoàn xã Hương Liên với tống vốn đầu tư gần 2,8 tỉ đồng. Công trình gồm có 10 phòng ở nội trú, khu nhà bếp, khu nhà tắm, nhà vệ sinh.

Tôi hỏi chị Lê Thị Hải Yến - Phó Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Hà Tĩnh: “Mình xây xong rồi nhưng vấn đề là có sử dụng hiệu quả không?”. Chị Yến cười, nói: “Còn hơn cả hiệu quả, tất cả các phòng đều được sử dụng thường xuyên, vệ sinh sạch sẽ. Mới đây, bếp ăn của nhà công vụ còn có thêm chức năng nấu ăn trưa cho một số em đồng bào Chứt ở đây nữa”.

Nghe nói đến mấy chữ “đồng bào Chứt”, Phó Chủ tịch huyện Hương Khê Trần Quốc Bảo khoát tay: “Anh phải đi với em ngay qua bản Rào Tre, gần đây thôi, đấy là nơi định cư của người Chứt ở Hà Tĩnh”.

Câu chuyện người Chứt ở Hương Khê mang hơi hướng… huyền thoại. Những năm 1960, trong lần đi tuần tra đường biên, cột mốc quốc gia, Bộ đội Biên phòng Hà Tĩnh phát hiện nhóm người lạ sinh sống trong các hang đá vùng núi giáp biên. Sau thời gian tìm hiểu tập quán, cách sinh hoạt… BĐBP biết đây là nhóm người Chứt di cư từ Quảng Bình ra.

Phải vận động mãi 18 người Chứt đầu tiên này được đưa về định cư ở bản Giàng (xã Hương Lâm, Hương Khê, Hà Tĩnh). Nhưng rồi, người Chứt không quên được chỗ ở cũ, nên bà con lại kéo nhau trở lại với núi cao, rừng thiêng.

Cuộc sống “lưu động” nay đây mai đó, nhóm người Chứt ở Hà Tĩnh phải đối mặt với bao nhiêu thử thách như đói rét, bệnh tật, suy giảm giống nòi… Thậm chí nguy cơ tuyệt chủng đã hiện hữu trước mắt. Bộ đội Biên phòng và chính quyền địa phương lại một lần nữa tìm cách đưa người Chứt về xuôi. Rào Tre, một thung lũng dưới chân núi Ka Đay (xã Hương Liên, Hương Khê) được chọn để người Chứt an cư.

Bây giờ sau hơn 30 năm, số lượng nhân khẩu người Chứt tại Rào Tre đã lên tới hơn 200 người, với khoảng trên 100 hộ. “Bộ đội Biên phòng, chính quyền địa phương cũng đã có nhiều cố gắng, nhất là xây dựng nhà kiên cố cho bà con, nhưng còn nhiều vấn đề lắm” - Phó Chủ tịch huyện Trần Quốc Bảo nói.

Phần đông người Chứt cho đến giờ mới dần quen được cuộc sống hiện đại. Chỉ vài năm trước, bộ đội Biên phòng phải hướng dẫn họ trồng lúa. Có nghĩa là cây lúa và nghề trồng lúa xuất hiện ở Việt Nam cỡ… 2.000 năm trước Công nguyên thì người Chứt chỉ biết điều này vài chục năm gần gây. Nói thế để hiểu việc kêu gọi người Chứt đi học để biết chữ khó như thế nào.

Trường Mầm non Hương Liên có một điểm trường ở Rào Tre, khoảng hơn 10 cháu. Cho đến thời điểm hiện tại, các cô giáo cắm bản vẫn phải hàng ngày làm “shipper” đến tận nhà đưa đón các em.

Sự nỗ lực của ngành giáo dục cũng đã thu được những thành quả, năm 2021 có một sự kiện quan trọng: Hồ Thị Sương, người con đầu tiên của đồng bào dân tộc Chứt ở bản Rào Tre đỗ đại học.

Trong sự trăn trở của địa phương, ngoài chuyện học hành, sinh kế còn là mối lo hôn nhân cận huyết có nguy cơ quay lại với người Chứt ở Rào Tre.

“Chúng tôi sẽ phối hợp với Bộ đội Biên phòng để mở sang bên Tuyên Hóa, Quảng Bình nơi có một cộng đồng người Chứt khác sinh sống. Con dường dài hơn 10km, đủ để thanh niên Rào Tre đi xe máy sang đó… tán gái rồi thành vợ thành chồng. Đường sắp làm rồi và chúng tôi cũng gọi đó là con đường hạnh phúc” - Phó Chủ tịch Trần Quốc Bảo nói.

Hương Liên dần đổi thay bởi sự quan tâm của của xã hội, chính quyền và bộ đội, trong đó có sự đóng góp của Quỹ Xã hội Từ thiện Tấm lòng Vàng.

Cuộc sống của người dân sẽ đi lên, trên những con đường hạnh phúc.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn