MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Những con hẻm phong tỏa ở quận 6, TPHCM. Ảnh: Thanh Chân

Những con hẻm đang chờ ngày dỡ phong toả

Anh Nhàn - Thanh Chân LDO | 07/12/2020 09:18

6 ngày trôi qua kể từ lúc TPHCM ghi nhận ca bệnh 1347 (nam giáo viên dạy Tiếng Anh) tại quận 6, chính quyền nơi đây phải phong toả 3 con hẻm để kịp thời truy vết, ngăn dịch COVID-19 lây lan. Vì lẽ đó, khung cảnh xung quanh các con hẻm cũng trở nên im lìm, hàng quán vắng lặng hơn mọi khi. Người dân nơi đây trầm ngâm chờ dịch bệnh đi qua.

“Nội bất xuất, ngoại bất nhập”

6 ngày nay, 485 người dân thuộc 148 hộ tại 3 con hẻm ở quận 6 trong tình trạng “nội bất xuất, ngoại bất nhập”. Đều đặn mỗi ngày, các hộ dân được chính quyền cung cấp cơm và các nhu yếu phẩm khác như gạo, nước uống.

Con hẻm trên đường Phạm Phú Thứ im lìm, vắng vẻ dưới tiết trời nắng nóng oi bức. Trên đường chỉ có lác đác một số người đi làm chạy ngang qua, ai ai cũng đều đeo khẩu trang. Các thông báo của địa phương và tiếng loa phát thanh vang đều bên tai nhắc nhở người dân các biện pháp phòng chống dịch. Sau mỗi đợt tuyên truyền, tiếng loa lại phát lên câu hát quen thuộc: “Đất nước của mình, bao nhiêu ân tình, Việt Nam không bỏ lại ai phía sau”.

Bên trong con hẻm, vài người đàn ông ra trước sân rửa xe, một số phụ nữ khác đang rửa bát, phơi quần áo. Có người cởi trần, tay cầm quạt phe phẩy từ trong nhà nhìn ra. Số khác tận dụng thời gian này tập thể dục. Trẻ con thay vì vui chơi trước lối đi rộng rãi của con hẻm thì nay, những chiếc xe đạp xếp một góc sân. Quả bóng, quả cầu nay cũng nằm im lìm vì chủ của chúng phải đang cách ly, không tiếp xúc gần nhau.

Mọi thứ, thoạt nhìn, sẽ không có gì khác biệt những ngày thường, như nhiều khu phố khác, chỉ khác là những hôm nay ít âm thanh trò chuyện ríu rít. Có lẽ, đây là khoảng thời gian khó quên khi cả khu phố ai cũng phải tạm ngừng làm việc, học tập và cùng nhau vượt qua dịch bệnh truyền nhiễm lớn nhất trong năm.

Đứng trước barie ngăn cách, chị Nguyệt (29 tuổi, ngụ quận 8, TPHCM) tới tiếp tế đồ ăn cho người thân. Chồng chị tới nhà mẹ tại con hẻm này ngay trong lúc nơi đây được thông báo phong toả nên phải tạm thời cách ly.

“Xét nghiệm COVID-19 lần 1 của chồng tôi và những người trong gia đình đều âm tính nên rất mừng. Nay tôi đem tới ít tiền và trái cây để mọi người yên tâm cách ly. Công việc thì tạm nghỉ nhưng không sao, sức khoẻ là trên hết” - chị Nguyệt nói.

Cách chị Nguyệt vài bước chân là lực lượng dân quân tự vệ đang túc trực ở trạm phong toả. Ngoài ra, còn có công an địa phương và cán bộ ở Uỷ ban phường. Đồ ăn của chị Nguyệt mang tới tiếp tế đều được khử khuẩn, trước khi ra về, lực lượng chức năng cũng dặn dò chị Nguyệt rửa tay sạch bằng nước sát khuẩn.

Trầm ngâm chờ tín hiệu vui

Bao nhiêu ngày phong toả là bấy nhiêu ngày lực lượng chức năng có mặt 24/24 để túc trực, hỗ trợ người dân. Họ mang cơm ăn, nước uống hằng ngày đến người dân đang cách ly. Đôn đốc, nhắc nhở những người thân đến tiếp tế thức ăn thực hiện các biện pháp phòng dịch.

Không những thế, cứ đều đặn một ngày 2 lần, những bạn trẻ xông xáo trong Đoàn thanh niên của Phường đều đến từng hẻm phong toả, nhận giấy ghi các vật dụng cần thiết người dân cần dùng và thay phiên nhau đi mua hộ. Từ con cá, mớ rau, củ tỏi đến chai dầu xoa bóp,... họ đều lựa chọn cẩn thận như lựa đồ cho chính bản thân mình. Chính vì những hỗ trợ hết mực này, người dân cũng yên tâm để thực hiện cách ly, đảm bảo được công tác phòng dịch.

“Phường chúng tôi chia làm 3 ca đến trạm gác. 24/24 ở đây lúc nào cũng có người túc trực. Có gì nguy cấp phải báo ngay cho cấp trên rồi nhận chỉ đạo. Người dân cách ly ăn gì thì chúng tôi ăn thứ đó. Đến tối tôi về nhà thì thường ăn cơm riêng, tránh tiếp xúc với người trong gia đình cho an toàn. Mình phải phòng hộ bản thân mình tốt thì mới có sức khoẻ để hoàn thành nhiệm vụ” - một cán bộ (xin được giấu tên) tâm sự.

Một con hẻm khác trên đường Phạm Văn Chí lâu nay là 1 khu chợ “chồm hổm”, bày bán đủ các loại rau, củ, thịt, cá nhỏ lẻ cho người dân quanh đây. Thế nhưng, nhiều ngày nay, tất cả các sạp hàng đều đóng cửa im lìm, con đường rộng rãi hơn nhưng lại vắng lặng đìu hiu.

Từ khi con hẻm bị phong toả, bà Kim Ngọc (53 tuổi) tuy không nằm trong diện “nội bất xuất, ngoại bất nhập” nhưng phải đóng cửa xe bún bò, là kế sinh nhai của cả gia đình vài chục năm nay.

“Hằng ngày buôn bán kiếm được vài trăm để trả tiền trọ, nay dịch nên khách ngại tới đây ăn uống nên tôi đóng cửa tiệm. Cũng mong hết cách ly để tôi buôn bán trở lại có tiền trang trải” - bà Ngọc nói. Tuy khó khăn hơn, người phụ nữ này vẫn vui vẻ chấp hành quy định phòng dịch. Hằng ngày bà chỉ quanh quẩn trong nhà, hạn chế tiếp xúc với mọi người.

Đối diện nhà của bà Ngọc là tiệm tạp hoá của bà Thanh. Khách của bà Thanh là những người trong hẻm và khách đi chợ. Vài ngày nay chợ đóng cửa, con hẻm phải cách ly nên không còn khách. Các loại trứng, hành tây buôn bán lâu nay chị phải dùng nấu ăn cho gia đình.

Thỉnh thoảng, những người trong các khu cách ly cũng mua đồ dùng cá nhân như kem đánh răng, bàn chải, dầu gội, băng vệ sinh,… chị Thanh đem tới trạm gác, để vật dụng trên bàn rồi gọi điện người tới lấy.

“Tiền những người trong xóm mua hàng đều được những người ở trạm gác khử khuẩn. Tôi đem về để riêng một chỗ rồi phun thuốc khử khuẩn lần nữa cho an toàn. Khó là khó khăn chung nên tôi không phàn nàn gì. Chỉ mong sao cho hết dịch để mọi thứ hoạt động lại” - chị Thanh tâm sự.

Thông tin từ Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TPHCM cho hay, tất cả những mẫu xét nghiệm COVID-19 lần 1 tại 3 con hẻm trên đều cho kết quả âm tính, mẫu xét nghiệm những lần tiếp theo đang chờ kết quả. Chỉ còn hơn 1 tuần nữa, nếu kết quả khả quan thì mọi người sẽ được quay trở lại cuộc sống thường nhật, điều không chỉ các hộ dân nơi đây mà tất cả mọi người đều mong muốn.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn