MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Thi công Cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ. Ảnh: Tạ Quang

Những công trình huyết mạch tắc nghẽn chỉ vì... hạt cát: Hướng đến sự thay đổi về tư duy kỹ thuật

NHÓM PV LDO | 13/04/2023 08:40

Trước bối cảnh khan hiếm cát như hiện nay, nhiều ý kiến cho rằng cần có cuộc cách mạng trước khi vượt giới hạn khai thác cát. Nhưng đó là cách mạng về vật liệu xây dựng (VLXD) hay cách mạng về tư duy thiết kế? 

Vật liệu thay thế

Ông Trần Ngô Minh Tuấn - Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Đồng Tháp - cho biết, hiện đơn vị đang dự thảo và trình UBND tỉnh xin chủ trương nghiên cứu Đề án “Giải pháp giảm thiểu sử dụng cát san lấp cho công trình xây dựng trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp do nguồn cung đã giảm”.

Thật ra không phải đợi đến khi ĐBSCL đồng loạt xây dựng nhiều công trình xây dựng mới xảy ra nạn khan hiếm cát, mà khan hiếm cát đã diễn ra trên phạm vi cả nước từ nhiều năm nay và sẽ tiếp tục gia tăng trong tương lai do cát là tài nguyên không tái tạo. ThS Lương Văn Hùng - Vụ Vật liệu xây dựng (Bộ Xây dựng) - thừa nhận cát trong tự nhiên đang hiếm dần trên phạm vi cả nước. Năm 2020 tổng trữ lượng cát đủ tiêu chuẩn làm cát xây dựng, được khai thác hợp pháp tương đương với 692 triệu m3. Trong lúc công suất khai thác theo cấp phép chỉ xấp xỉ 62 triệu m3/năm, nhưng nhu cầu sử dụng cát xây dựng trên cả nước lên đến tương đương 130 triệu m3, tức chỉ đáp ứng được 40 - 50% nhu cầu thực tế.

Trước thực trạng này, bên cạnh việc đề ra nhiều biện pháp kiểm soát, cũng như chống vi phạm pháp luật trong hoạt động khai thác cát trong tự nhiên, Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành và địa phương đưa ra các giải pháp sản xuất vật liệu thay thế cát tự nhiên, như tro xỉ nhiệt điện, chất thải từ ngành công nghiệp khác và cát nhân tạo, tức cát được nghiền từ nhiều loại đá trong tự nhiên như đá vôi, đá ong, đá granit, cuội sỏi…

Theo TS Tô Văn Trường, đây là chỉ đạo mang tính cách mạng về VLXD. Bởi không chỉ hoà nhập vào xu thế thế giới, mà còn hài hòa tài nguyên trước áp lực gia tăng xây dựng phục vụ cho sự phát triển. 

“Ở Nhật Bản, cát nhân tạo đã được sử dụng cách đây 40 năm, ngay cả Lào cũng đã xây dựng chủ yếu bằng cát nhân tạo làm từ đá - TS Trường nhấn mạnh - trong khi đó, nguyên liệu để làm cát nhân tạo ở Việt Nam rất dồi dào”.  

Thực tế cho thấy, sau hiệu lệnh của Chính phủ, nhiều địa phương, doanh nghiệp đã hưởng ứng. Số liệu của Vụ Vật liệu xây dựng cho thấy, đến năm 2022, sản lượng cát nhân tạo cả nước đạt khoảng 25 - 30 triệu m3/năm và sử dụng 5 - 10 triệu m3 vật liệu thay thế cát san lấp. 

Tuy con số còn ở mức khiêm tốn, nhưng đã hé mở và khẳng định hướng đi mới tích cực… cho sự ổn định của cát, nhất là cát trên sông.  

Thử thực hiện một cuộc cách mạng về kỹ thuật

Theo ThS Lương Văn Hùng, bên cạnh thói quen sử dụng cát tự nhiên trong hoạt động đầu tư xây dựng, thì bản thân cát nhân tạo cũng chứa đựng nhiều vấn đề.

Trước hết là chất lượng sản phẩm cát nghiền chưa ổn định gây tâm lý không tốt cho người sử dụng… nhưng quan trọng nhất là các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, hướng dẫn kỹ thuật liên quan đến vật liệu thay thế cát tự nhiên đến nay vẫn chưa được hoàn thiện. 

Chính điều này đã vô tình đẩy cát nhân tạo ra khỏi các công trình vốn ngân sách, phân khúc xây dựng được xem là mang tính dẫn dắt xã hội trong việc chấp hành pháp lệnh cũng như đi đầu trong tiếp cận công nghệ…

Đó là chưa kể đến nguồn đá có tính chất cơ lý khác nhau, sẽ cho ra sản phẩm cát nghiền có ảnh hưởng khác nhau đến chất lượng của bêtông. Và một vấn đề đặc biệt đáng lo hơn là khả năng ảnh hưởng môi trường của cát nhân tạo không hề kém cạnh so với việc khai thác cát tự nhiên. 

Bên cạnh việc chưa có các biện pháp tách thành phần bụi trong quá trình nghiền và chưa kiểm soát lượng bụi tồn dư trong cát… còn có thêm nỗi lo cạn kiệt nguồn đá, vì núi cũng là tài nguyên không tái tạo. 

Vì vậy, bên cạnh việc đề xuất cơ quan chức năng sớm ban hành hướng dẫn để cát nhân tạo là “cứu tinh” cho cát tự nhiên, rất cần có cuộc cách mạng về kỹ thuật. Cụ thể, nhiều chuyên gia, bên cạnh việc quan tâm, đầu tư mở đường cho vật liệu thay thế cát… cần có cuộc cách mạng về tư duy kỹ thuật.

Trao đổi với Lao Động, TS Bùi Đạt Trâm - người có nhiều năm nghiên cứu thủy văn sông Tiền, sông Hậu - khẳng định: “Chúng ta hoàn toàn có thể giảm áp lực vật liệu san lấp nền trong bối cảnh vật liệu đang khan hiếm bằng giải pháp điều chỉnh về cốt nền và các giải pháp thiết kế”. Từ những ghi nhận thực tế trong thời gian công tác, học tập tại nhiều quốc gia tiến bộ trên thế giới, ông Trâm gợi ý: Đối với những nơi địa hình trũng thấp, thay vì cần lượng lớn cát để làm nền, chúng ta có thể sử dụng ít cát hơn khi làm đường trên cao…”.

Vâng, có thể chỉ với một thay đổi nhỏ, nhưng hoàn toàn có thể mang lại nhiều tiện ích: vừa đáp ứng cho phát triển, vừa giảm áp lực tác động đến môi trường. Để giải bài toán được - mất của câu chuyện hạt cát ĐBSCL nói riêng, Việt Nam nói chung, cần bắt đầu từ những điều nhỏ như thế.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn