MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Rác thải, vật liệu xây dựng bủa vây con đường bích hoạ dài nhất Hà Nội. Ảnh: Vĩnh Hoàng

Những công trình nghệ thuật ở Hà Nội đang "chết dần chết mòn"

VĨNH HOÀNG LDO | 30/07/2023 12:20

Hà Nội - Những công trình nghệ thuật độc đáo, mang đậm chất văn hoá truyền thống của con người Việt Nam bị xuống cấp nghiêm trọng, đang dần biến mất bởi cỏ dại và rác thải.

Xót xa, tiếc nuối là những cảm xúc của anh Đỗ Hoàng Nam (32 tuổi, Lý Thái Tổ, Hoàn Kiếm, Hà Nội) mỗi lần nhìn vào công trình con đường gốm sứ ven bờ sông Hồng.

Lý giải điều này, anh Nam cho biết, con đường gốm sứ là công trình nghệ thuật mang đậm nét văn hóa của Thủ đô, đặc biệt còn được công nhận kỉ lục Guinness là bức tranh gốm dài nhất thế giới.

Tuy nhiên, sau nhiều năm "phơi sương, phơi gió", hiện nay nhiều mảng tường của con đường gốm sứ đã xuống cấp nghiêm trọng, một số vị trí đã bong tróc cả lớp gốm, chỉ còn trơ lại bề mặt gạch tường bên trong.

Tình trạng xuống cấp trên con đường gốm sứ. Ảnh: Vĩnh Hoàng

"Tôi thường vừa đi bộ, vừa ngắm tranh, rồi ngẫm nghĩ ý nghĩa, văn hóa, lịch sử trên con đường gốm sứ. Nhưng nay, con đường này đã xuống cấp, điều này ảnh hưởng rất lớn đến trải nghiệm tham quan cũng như bộ mặt của Thủ đô" - anh Nam nói.

Anh Nam cho biết thêm, trước đây, cơ quan chức năng đã tu sửa những chỗ xuống cấp, nhưng sau một thời gian, các vết nứt lại tiếp tục xuất hiện.

Những mảng tường bị bong tróc trên con đường gốm sứ. Ảnh: Vĩnh Hoàng.

Theo ghi nhận của Lao Động, tại con đường gốm sứ ven sông Hồng, tình trạng những viên gạch rơi, nứt trở nên nghiêm trọng, lớp gốm bị bong tróc cả mảng lớn, để trơ lại bề mặt tường bên trong.

Đặc biệt, tại nhiều vị trí dọc công trình này, hàng quán mọc lên như nấm từ quán nước, xôi, bánh mì, đồ ăn nhanh.

Con đường gốm sứ trở thành nơi buôn bán. Ảnh: Vĩnh Hoàng

Con đường gốm sứ ven sông Hồng dài 3,8 km, diện tích 6.950 m2, cao trung bình 1,7 m, được hoàn thành vào tháng 9.2010, nhân sự kiện 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội. Toàn bộ công trình được ghép bằng 27 đoạn tranh gốm nối tiếp nhau theo nhiều chủ đề và các họa tiết hoa văn theo dòng chảy lịch sử.

Bức tranh gốm đã xuống cấp, phai màu, nứt, vỡ. Ảnh: Vĩnh Hoàng

Tình trạng tương tự diễn ra trên con đường bích họa dài nhất Hà Nội, nhiều mảng màu đã bong tróc nghiêm trọng, một số bức tranh đã biến mất bởi rêu mốc, bụi bẩn.

Hình ảnh nhếch nhác trên con đường bích họa dài nhất Hà Nội. Ảnh: Vĩnh Hoàng

Con đường bích họa dài có chiều dài 2,5 km với hơn 100 bức tranh vẽ, thuộc địa bàn 2 xã Tam Thuấn và Tam Hiệp (huyện Phúc Thọ, Hà Nội).

Đây là công trình được xây dựng từ tháng 7.2020 gồm 100 bức tranh, được vẽ từ hơn 1000 lọ sơn màu, với mục đích tuyên truyền về lịch sử quê hương và hành trình nhân dân xây dựng nông thôn mới.

Bức tranh xuống cấp nghiêm trọng, không còn nguyên trạng. Ảnh: Vĩnh Hoàng
Những bức tranh không còn rõ màu sắc ban đầu. Ảnh: Vĩnh Hoàng

Còn tại con đường nghệ thuật công cộng Phúc Tân, sau 3 năm ra đời, những tác phẩm nghệ thuật đang xuống cấp trầm trọng, thay vì sự đẹp đẽ, khang trang trước đây, hiện nay, những tác phẩm này không khác gì bãi rác "treo" trên đầu người dân.

Công trình nghệ thuật công cộng Phúc Tân xuống cấp. Ảnh: Vĩnh Hoàng

Dự án nghệ thuật công cộng Phúc Tân (phường Phúc Tân, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) được khởi công năm 2020, với sự tham gia của 16 nghệ sĩ nổi bật về thực hành nghệ thuật đương đại đến từ Huế, Hà Nội, TPHCM và 2 nghệ sĩ nước ngoài.

Sau khi hoàn thiện, 16 tác phẩm nghệ thuật đã tương tác trực tiếp với ký ức lịch sử của khu vực bãi bồi sông Hồng cũng như của cộng đồng cư dân hình thành tại đây.

Tình trạng xuống cấp tại công trình nghệ thuật Phúc Tân. Ảnh: Vĩnh Hoàng

Liên quan đến dự án nghệ thuật công cộng Phúc Tân, ông Nguyễn Quốc Hoàn - Phó Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm (TP Hà Nội) cho biết, theo thời gian, dự án đang có dấu hiệu xuống cấp, nhiều tác phẩm nghệ thuật đều bong tróc, kiểu dáng và màu sắc không rõ nét… Phía quận đang vận động xã hội hóa để cải tạo, chỉnh sửa lại vì đây là dự án xã hội hóa.

“Mấy năm nay, do ảnh hưởng của dịch COVID-19 khiến các khách sạn kinh doanh gặp nhiều khó khăn nên khiến cho việc xã hội hóa cũng khó hơn.

Hiện phía quận đã vận động được một doanh nghiệp và dự kiến trong tháng 7 này sẽ triển khai” - ông Hoàn nhấn mạnh.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn