MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Công trình Cống âu thuyền Ninh Quới (Hồng Dân, Bạc Liêu) giúp điều tiết nước, kiểm soát mặn, giữ ngọt cho các tỉnh Bạc Liêu, Sóc Trăng, Hậu Giang. Ảnh: Phương Anh

Những công trình thủy lợi giúp vượt qua hạn mặn

PHƯƠNG ANH - THÀNH NHÂN LDO | 01/03/2024 12:00

Tại các tỉnh miền Tây nhiều năm qua được sự hỗ trợ của Trung ương, địa phương nhiều công trình thủy lợi đã phát huy hiệu quả trong việc giảm xung đột, điều tiết nước sản xuất, đồng thời giúp ngăn mặn trữ ngọt trong mùa khô hạn.

An toàn giữa cao điểm hạn mặn

Cống Bà Xẩm trên địa bàn xã Long Đức (Long Phú, Sóc Trăng) là một trong những công trình có chức năng cấp nước cho vùng thủy lợi khép kín Long Phú - Tiếp Nhựt (các huyện Long Phú, Trần Đề). Từ khi có trạm bơm với công suất 10.000m3/giờ được lắp đặt tại cống đã giúp bơm các dòng nước ngọt cuồn cuộn vào bên trong giúp nông dân trong vùng có thêm lượng nước ngọt phục vụ nhu cầu sản xuất.

Ông Lý Văn Hùng ở xã Long Đức (Long Phú, Sóc Trăng) cho biết, trước kia muốn lấy nước ngọt vào ruộng rất khó do mùa khô thiếu nước. Từ khi có trạm bơm này nguồn nước được cung cấp dồi dào nên việc sản xuất trong mùa khô hạn cũng dễ dàng hơn.

Tương tự, công trình cống Âu thuyền Ninh Quới ở huyện Hồng Dân (tỉnh Bạc Liêu) cũng đã đáp ứng được nhu cầu điều tiết nước, kiểm soát mặn, giữ ngọt cho vùng trồng lúa, màu và nuôi trồng thủy sản của các tỉnh Bạc Liêu, Sóc Trăng, Hậu Giang.

Đồng thời còn giúp các địa phương chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng, kết hợp với phát triển giao thông trong vùng.

Và quan trọng hơn hết là câu chuyện xung đột mặn - ngọt giữa 2 tỉnh Bạc Liêu và Sóc Trăng đã được giải quyết một cách hài hòa, hiệu quả giúp người dân hai tỉnh đều có hướng đi trong phát triển kinh tế, gắn với thực tế sản xuất của địa phương.

Theo ông Lý Đại Lợi - nông dân ở xã Vĩnh Quới (Ngã Năm, Sóc Trăng), nhờ có cống Âu thuyền Ninh Quới mà mấy năm nay việc canh tác lúa dễ dàng hơn, mặn không còn xâm nhập vào các tuyến kênh nội đồng, nên không có ảnh hưởng đến sản xuất của gia đình và các hộ dân trên địa bàn. Còn đối với tỉnh Bạc Liêu, cống Âu thuyền Ninh Quới giúp điều tiết nước cho khoảng 80.000ha sản xuất lúa trên đất tôm (mô hình lúa - tôm) của 2 huyện Phước Long và Hồng Dân.

Tương tự tại tỉnh Bến Tre, thời gian qua hệ thống thủy lợi Bắc, Nam Bến Tre cũng đã phát huy hiệu quả trong việc giúp giữ ngọt phục vụ sản xuất và các nhà máy nước sạch nông thôn, kiểm soát mặn từ các cửa sông lớn vào nội đồng.

Ông Bùi Văn Thắm - Phó Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Bến Tre - cho biết, hiện nay hệ thống cống ở các huyện Ba Tri, Mỏ Cày Nam và Chợ Lách cũng đã kiểm soát mặn để bảo vệ an toàn sản xuất cho 8.400ha đất nông nghiệp, cấp nước sinh hoạt phục vụ 92.000 dân và 40.000 gia súc; cải tạo đất, cải thiện môi trường, ổn định đời sống dân cư trên các địa bàn dân sinh kinh tế trọng điểm của tỉnh.

Tiếp tục hoàn thiện hệ thống thuỷ lợi

Ông Phạm Tấn Đạo - Chi Cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh Sóc Trăng - thông tin, hiện toàn tỉnh có 635 cống. Thời gian qua việc nâng cấp và hoàn thiện hệ thống cống đã đáp ứng yêu cầu ngăn mặn, đủ khả năng trữ ngọt, bảo đảm giao thông và bảo vệ môi trường.

Theo ông Đạo, tỉnh Sóc Trăng đã được Bộ NNPTNT phê duyệt đầu tư hệ thống cống dọc theo Quốc lộ Nam sông Hậu từ Cống Âu Rạch Mọp đến các hệ thống cống kéo dài đến An Lạc Thôn (huyện Kế Sách). Hiện nay Cống Âu Rạch Mọp thi công đạt tiến độ 50%, khi công trình này hoàn thành đưa vào sử dụng sẽ giúp kiểm soát nước, bảo đảm cho vùng trồng cây ăn trái đặc sản của tỉnh.

"Đối với vùng Long Phú - Tiếp Nhựt và toàn tỉnh, Trung ương cũng đã chấp thuận phân bổ nguồn vốn để Sóc Trăng xây dựng Âu thuyền Đại Ngãi, Âu thuyền Mỹ Xuyên. Nếu có được 2 âu thuyền này, nông dân các vùng sản xuất thuộc vùng thủy lợi khép kín của tỉnh sẽ yên tâm sản xuất khi kiểm soát được hạn, mặn” - ông Đạo nói.

Còn ông Bùi Văn Thắm - Phó Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Bến Tre - cho hay, các cống Thủ Cửu, Bến Tre, Cái Quao, Vàm An Hóa, Vàm Nước Trong, Vàm Thom thuộc dự án Quản lý nước Bến Tre (Dự án JICA3) đang được Bộ NNPTNT đầu tư. Khi các công trình hoàn thành cùng với 1.644 cống hiện hữu thì cơ bản Bến Tre sẽ kiểm soát được hạn mặn, đảm bảo được an ninh nguồn nước.

Dự án thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé (huyện Châu Thành, tỉnh Kiên Giang) có hai “siêu cống” Cái Lớn, Cái Bé - là hệ thống cống thuỷ lợi lớn nhất Việt Nam hiện nay. Dự án có chức năng kiểm soát nguồn nước (mặn, lợ, ngọt), tạo điều kiện sản xuất ổn định, bền vững đối với các mô hình sản xuất theo hệ sinh thái tương ứng. Không chỉ phát triển thủy sản ổn định ở vùng ven biển của tỉnh Kiên Giang mà dự án này còn kiểm soát mặn, giải quyết mâu thuẫn giữa vùng nuôi trồng thủy sản ven biển và vùng sản xuất nông nghiệp của các tỉnh Kiên Giang, Hậu Giang, Bạc Liêu.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn