MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Quá trình trùng tu căn biệt thự Pháp cổ số 49 Trần Hưng Đạo được thực hiện trong thời gian khá lâu, tính từ thời điểm bắt đầu nghiên cứu. Ảnh: Hữu Chánh

Những dấu ấn riêng ở ngôi biệt thự Pháp cổ vừa mở cửa đón khách

Hữu Chánh - Anh Vũ LDO | 26/01/2024 17:48

Căn biệt thự Pháp cổ số 49 Trần Hưng Đạo, Hà Nội, mới được mở cửa cho khách tham quan không phải một bản sao của các biệt thự ở Pháp mà là sự giao thoa của kỹ thuật xây dựng giữa hai nước.

Không chỉ là một dự án trùng tu

Trao đổi với báo chí ngày 26.1, ông Trương Quốc Toàn - đại diện của đơn vị thực hiện trùng tu căn biệt thự Pháp cổ số 49 Trần Hưng Đạo (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) cho biết, dự án được thực hiện trong khoảng thời gian khá lâu, tính từ thời điểm bắt đầu nghiên cứu. Từ cách đây 10 năm, vùng Ile-de-France (Pháp) đã cử một chuyên gia có kinh nghiệm sâu về đánh giá hiện trạng hư hại của các công trình di sản sang đánh giá công trình.

Quá trình đánh giá kéo dài vài tháng, sau đó báo cáo được lập rất chi tiết. Thông qua đó, các chuyên gia phân tích được đặc điểm về kỹ thuật xây dựng một cách sơ bộ và các yếu tố gây hại cho công trình, từ đó đề xuất phương án trùng tu.

Ông Trương Quốc Toàn giới thiệu thông tin về biệt thự cho khách tham quan. Ảnh: Hữu Chánh

Thế nhưng, phải rất lâu sau dự án trùng tu mới được khởi công do UBND quận Hoàn Kiếm phải thực hiện các biện pháp giải toả, khôi phục không gian sân vườn xung quanh ngôi biệt thự do có nhiều hộ dân sinh sống.

Khi bắt tay vào trùng tu thực sự, quá trình chưa đến 1 năm nhưng có nhiều vấn đề không thể dự kiến được ngay từ đầu. Theo ông Toàn, dự án này không đơn thuần chỉ là một dự án trùng tu tôn tạo mà còn là một dự án nghiên cứu.

Không phải là bản sao bê nguyên từ Pháp

Ông Toàn cho biết, công trình này vốn không có hồ sơ bản vẽ nào được lưu lại. Lý do là tại thời điểm xây dựng biệt thự, thành phố không yêu cầu các dự án tư nhân nộp hồ sơ, bản vẽ công trình.

Bên trong căn biệt thự Pháp cổ. Ảnh: Hữu Chánh

Do đó, kể cả nguồn tư liệu lưu trữ ở Pháp hay ở Trung tâm Lưu trữ quốc gia 1 cũng không có hồ sơ của công trình này. Chuyên gia của Pháp đã phải dựa vào kết quả khảo sát trên thực tế, từ đó tìm ra kết cấu công trình dựa trên kinh nghiệm, đánh giá, phán đoán.

Điều đặc biệt ở công trình này là trước đây, khi xây dựng căn nhà, chủ nhà đã có những phương án thích nghi với điều kiện nóng ẩm của Việt Nam, nên dưới sàn có một khoang chống ẩm khiến mặt sàn cách mặt đất tầm 50 cm.

Bên cạnh đó, toàn bộ tường của tầng 1 khu biệt thự được xây rất dày, nhưng tường tầng 2 xây mỏng hơn, vì thời điểm xây vào cuối thế kỷ 19, chưa có kỹ thuật xây dựng dùng bê tông cốt thép, do đó phải xây tường gạch chịu lực có độ dày khác nhau.

Các loại gạch được dùng để xây căn biệt thự có nguồn gốc khác nhau. Ảnh: Hữu Chánh

Gạch xây dựng ngôi nhà cũng đến từ nhiều nguồn khác nhau, bao gồm gạch được nhập khẩu từ Pháp, gạch được sản xuất ở Việt Nam và đặc biệt, còn có gạch vồ được phá dỡ từ tường thành Hà Nội, được “tái chế” để xây dựng ngôi nhà này.

Những đặc điểm này thể hiện nét đặc thù của ngôi biệt thự, là một sản phẩm kết hợp giữa kiến trúc và kỹ thuật xây dựng của Pháp và Việt Nam, minh chứng cho sự giao thoa về văn hoá giữa hai nước. Các chuyên gia Pháp cũng rất hứng thú với công trình vì đây là một sự kết hợp giữa hai nước, thay vì là một bản sao biệt thự của Pháp.

Tôn trọng giá trị nguyên gốc

Theo ông Toàn, đội ngũ trùng tu căn biệt thự đã thực hiện các bước bài bản, tôn trọng giá trị nguyên gốc của căn biệt thự. Nhờ vậy, nó có thể giúp khách tham quan sau này hiểu về kỹ thuật xây dựng vào đầu thế kỷ 20 ở Hà Nội như nào.

Ví dụ, khi làm lớp vữa bên ngoài, các chuyên gia đã phải sử dụng kỹ thuật tôi vôi để đánh vữa trát bên ngoài chứ không được phép dùng hoàn toàn xi măng. Nói về màu sơn tường của ngôi biệt thự từng có nhiều ý kiến trái chiều, các chuyên gia đã phải sử dụng kỹ thuật thám sát, bóc tách các lớp sơn để tìm ra được màu gốc của nó.

Màu sơn của căn biệt thự được giữ nguyên so với màu sơn ban đầu. Ảnh: Hữu Chánh

"Nếu sử dụng những gam màu chiều theo thị hiếu chung, chúng ta sẽ mất ý nghĩa lịch sử, cho thấy một công trình khác biệt”, ông Toàn cho biết.

Trao đổi với Lao Động, Nguyễn Hoài Linh (24 tuổi, sinh viên Đại học Kiến trúc Hà Nội) cho biết rất ấn tượng sau khi tham quan căn biệt thự cổ mới được trùng tu.

“Ấn tượng nhất về công trình này là việc nó không phải là bản sao của các biệt thự tại Pháp mà còn kết hợp với những cách thức thi công, nguyên vật liệu của địa phương, mang lại dấu ấn riêng của công trình”, Linh chia sẻ.

Những hiện vật được trưng bày cho khách tham quan trong biệt thự. Ảnh: Hữu Chánh

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn