MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Ngoài những điểm trùng nhau, giữa Dự thảo Luật bảo đảm TTATGT và Luật GTĐB có những sự khác biệt về phân cấp quản lý.

Những điểm khác biệt giữa hai dự thảo luật giao thông

Việt Dũng LDO | 12/05/2020 12:21

Trong khi Bộ Công an đề xuất dự thảo Luật Bảo đảm trật tự an toàn giao thông (TTATGT) đường bộ, Bộ Giao thông vận tải cũng trình Chính phủ xem xét dự thảo Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi). Hai dự thảo luật này có gì khác nhau?

Những điểm khác nhau giữa hai luật thể hiện ngay trong khái niệm.

Theo Bộ Công an, Dự thảo Luật bảo đảm TTATGT đường bộ quy định về quản lý an toàn phương tiện tham gia giao thông đường bộ; quản lý an toàn người điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ; tổ chức, chỉ huy, điều khiển giao thông và giải quyết ùn tắc giao thông đường bộ; giải quyết tai nạn giao thông đường bộ; thực thi pháp luật và trách nhiệm pháp lý; quản lý nhà nước về trật tự, an toàn giao thông đường bộ.

Theo đó, Công an nhân dân giữ vai trò nòng cốt, để chủ động bảo vệ, thúc đẩy sự phát triển của các yếu tố cấu thành trật tự, an toàn giao thông đường bộ; phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn, đấu tranh chống tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường bộ;

Kịp thời phát hiện và xử lý nhanh chóng, hiệu quả các yếu tố làm mất an toàn giao thông, không để giao thông vận tải bị cản trở, đình trệ; khắc phục, làm giảm thiệt hại do tai nạn giao thông...

Dự thảo Luật Giao thông đường bộ (GTĐB) sửa đổi: Quy định về quy tắc giao thông, kết cấu hạ tầng, phương tiện và người tham gia giao thông, vận tải và quản lý Nhà nước về giao thông đường bộ.

Theo đó, Dự thảo Luật GTĐB chú trọng đến phát triển các công trình, kết cấu hạ tầng giao thông, quy tắc, nguyên tắc trong hoạt động kinh doanh vận tải, quản lý công trình giao thông đường bộ...

Về sử dụng đèn:

- Dự thảo Luật bảo đảm TTATGT không quy định việc để đèn chiếu sáng cả khi ban ngày.

- Dự thảo Luật GTĐB quy định, phải sử dụng đèn nhận diện suốt cả ngày đối với xe môtô, xe máy, xe đạp điện, xe máy điện.

Về giấy phép lái xe:

- Dự thảo Luật GTĐB sửa đổi: đề xuất việc giấy phép lái xe không còn giá trị sử dụng và bị thu hồi nếu tài xế bị tước quyền sử dụng 4 lần trở lên trong thời gian 3 năm, hoặc có tổng thời gian bị tước quyền sử dụng trên 2 năm.

- Dự thảo Luật bảo đảm TTATGT đề xuất, mọi loại giấy phép lái xe phải có tổng điểm là 12 điểm và số điểm này sẽ bị trừ khi vi phạm pháp luật về trật tự, an toàn giao thông. Trong trường hợp hết điểm, giấy phép lái xe sẽ bị coi không còn hiệu lực.

Về cấp biển số xe cơ giới, điều khác biệt lớn nhất là ở dự thảo Luật bảo đảm TTATGT có đề xuất cấp theo sở thích, có thu phí. Trường hợp nhiều người trùng sở thích ví dụ có cùng năm sinh, biển số liên quan sẽ được đấu giá trên hệ thống điện tử, ai trả giá cao, người đó được sở hữu.

Về sát hạch lái xe, Đại tá Đỗ Thanh Bình, Phó Cục trưởng Cục CSGT cho rằng phải làm chặt quy trình đào tạo, sát hạch GPLX; nên tách bạch giữa đào tạo và sát hạch cấp giấy phép do hai lực lượng chuyên biệt để chuyên môn hóa.

"Theo kinh nghiệm của một số nước (Nhật Bản, Singapore...) là những nước có hệ số an toàn giao thông cao thì việc đào tạo do cơ quan quản lý về giao thông chịu trách nhiệm, còn sát hạch thuộc về lực lượng Cảnh sát vì lực lượng Cảnh sát nắm bắt được quá trình hoạt động của người lái xe như thói quen, các lỗi vi phạm thường gặp, đặc điểm giao thông của các vùng, miền..." - Đại tá Đỗ Thanh Bình cho biết.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn