MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Những đôi tay điêu luyện tại làng nghề hơn 2 thế kỷ ở Cần Thơ

HỒ THẢO - YẾN PHƯƠNG LDO | 30/04/2022 08:00

Những bàn tay khéo léo của những người thợ ở Làng nghề bánh tráng Thuận Hưng (Thốt Nốt, Cần Thơ) đã tạo thêm nét truyền thống đặc sắc cho làng nghề Nam Bộ, bởi sự có mặt lâu đời tận hơn 2 thế kỷ qua.

Dày công từ chiếc bánh mỏng

Từ trung tâm TP.Cần Thơ di chuyển khoảng 40km về hướng Thốt Nốt, đến xã Thuận Hưng hỏi về làng nghề làm bánh tráng thì ai cũng biết. Đối với người dân nơi đây, cái nghề này đã có từ lúc họ sinh ra cho tới bây giờ.

Gắn bó với nghề từ thời còn con gái, năm nay đã 70 tuổi, bà Nguyễn Thị Ngon (Tân Lợi, Thuận Hưng) cũng không biết chính xác nghề này cụ thể có từ năm nào. Chỉ biết, khi mới sinh ra thì ông, bà, cha, mẹ của bà đã làm nghề này rồi.  

Bà Nguyễn Thị Ngon (70 tuổi) đang xếp bánh.

Bà Ngon cho biết, tất cả bánh ở đây được tạo ra từ nguyên liệu chính là gạo. Để có được cái bánh thơm ngon mà không mất hương vị quê nhà, người dân ở đây có một bí quyết cho công đoạn chuẩn bị nguyên liệu, đó là phải chọn loại gạo Thốt Nốt đem ngâm cho mềm hạt gạo, rồi đi xay thành bột, sau đó pha với nước một lượng vừa đủ, và phải tẻ bột với nước nhiều lần cho đến khi có màu trắng mịn. 

Cũng theo bà Ngon, làm bánh tráng ít nhất phải cần có 3 người: Một người quay bánh, một người trải bánh và một người phơi bánh.

Những người thợ khéo léo và điêu luyện trong công đoạn quay bánh. 

“Công đoạn quan trọng nhất là ngồi lò quay bánh. Phải khéo léo từng động tác, múc bột phải canh lượng vừa đủ và cán đều trên khuôn bánh. Để làm công đoạn này cần có dụng cụ quay bánh bằng một cái gáo dừa nhẵn và bóng. Động tác quay bánh phải thoăn thoắt và nhanh nhạy, để tạo ra hình cái bánh tròn như một cái mâm. Thợ bánh phải canh cho độ dày mỏng như nhau. Nếu cán không đều tay, chỗ mỏng chỗ dày, khi phơi ra bánh sẽ bị nứt bể”, bà Ngon giải thích.  

Để cán bột tạo hình thành chiếc bánh tròn đều, người thợ phải có đôi tay rất điêu luyện.

Chị Nguyễn Thị Lan - ngụ tại địa phương - cho biết: Giai đoạn phơi bánh phải phụ thuộc vào thời tiết. Mang đi phơi khi bánh mới ra lò còn ướt. Lúc phơi phải canh cho vừa nắng, gắt quá cũng không được vì bánh sẽ dễ bị nổ. Cực nhất lúc trời mưa, nếu không mang vào kịp bánh trôi thành nước là coi như bỏ.

Không giậm chân tại chỗ

Là chủ lò bánh có kinh nghiệm lâu năm trong nghề, ông Phan Rang cho biết: Qua thời gian, làng nghề bánh tráng Thuận Hưng cũng không ngừng cải tiến để nâng cao sản lượng. “Ngày xưa chúng tôi tráng bánh bằng tay nên chậm. Phải đấp lò đun bằng trấu, nhưng trấu với gạo cũng mắc nên chi phí tốn nhiều mà năng suất lại không được cao. Bây giờ, ngoài tráng tay ra thì chúng tôi đã có thêm lò tráng bánh bằng máy, năng suất tăng gấp 3, gấp 4 lần. Ngoài ra còn sử dụng xe đẩy chuyển bánh đi phơi để giảm bớt sức người. Nhờ vậy mà năng suất với lợi nhuận cao hơn rất nhiều”, ông Rang chia sẻ.

Ông Phan Rang chia sẻ về những thay đổi và sự phát triển của làng nghề bánh tráng Thuận Hưng (Thốt Nốt, Cần Thơ).

Đặc biệt, ông Rang còn cho biết, làng nghề hiện nay còn phát triển thêm nhiều loại bánh mới như bánh tráng dừa, bánh tráng ngọt, bánh tráng men,... nhưng vẫn giữ được mùi vị truyền thống đặc trưng vốn có của bánh tráng Thuận Hưng.

Theo ông Rang, ngoài làm nghề kiểu gia đình, một số hộ dân ở đây còn thuê mướn nhân công để làm với quy mô lớn hơn. Ở vùng này, người dân nào không có công ăn việc làm thì làm công cho chủ lò bánh để kiếm thu nhập hàng ngày, cũng góp phần duy trì và phát triển nghề truyền thống. Riêng cơ sở của ông Rang cũng thuê thêm 4 người làm công thường xuyên. Còn những ngày cuối năm thì phải thuê tới gần chục người mới đủ để làm bán tết. 

Nhờ vào sự phát triển cả về số lượng lẫn chất lượng, tới nay làng nghề đã được lan truyền rộng rãi và có nguồn tiêu thụ lớn đến từ nhiều vùng. Với 500 lò bánh ở khu vực Thuận Hưng, sản phẩm đã trải khắp các tỉnh, thành cả nước, còn theo xe sang tận Campuchia.

Không chỉ phát triển về kinh tế mà làng nghề bánh tráng Thuận Hưng còn trở thành điểm du lịch ấn tượng với du khách từ khắp mọi nơi. Đến với làng nghề, du khách sẽ được ngắm những dãy bánh màu trắng trải dài, hòa với những hàng cây hai bên đường, tạo nên bức tranh thôn quê tuyệt đẹp.  

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn