MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Vaccine COVID-19 của AstraZeneca. Ảnh: VNVC

Những đối tượng nào được tiêm vaccine COVID-19 nhập khẩu đầu tiên?

Thùy Linh LDO | 22/02/2021 17:41
Bộ Y tế đã cho phép Công ty AstraZeneca Việt Nam nhập khẩu 204.000 liều vaccine COVID-19 để phục vụ nhu cầu khẩn cấp chống dịch. Dự kiến lô vaccine này sẽ về Việt Nam trong những ngày cuối tháng 2 này.

Đây là những liều vaccine AstraZeneca đầu tiên trong khoảng 110 triệu liều dự kiến sẽ được cung ứng cho Việt Nam trong năm 2021.

Cùng đó khoảng 4,88 triệu liều vaccine viện trợ từ chương trình COVAX facility cũng dự kiến sẽ về đến Việt Nam. Như vậy, Việt Nam có khoảng hơn 5 triệu liều để tiêm mũi thứ nhất cho hơn 5 triệu người.

Theo Bộ Y tế, ước tính năm 2021, để tiêm đủ dân số, Việt Nam cần tới 150 triệu liều. Đến nay, Bộ Y tế đã đàm phán chắc chắn được 60 triệu liều từ chương trình COVAX và từ hãng AstraZeneca cam kết cung cấp cho Việt Nam.

Bộ Y tế, với sự hỗ trợ của các cơ quan, đặc biệt là sứ quán Việt Nam tại các quốc gia sản xuất vaccine phòng COVID-19, vẫn đang nỗ lực tối đa để có đủ vaccine cho toàn dân trong thời gian sớm nhất.

Việc sử dụng vaccine, Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn cho hay, việc sử dụng vaccine tuân thủ đúng khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới và các quy định pháp luật có liên quan trong phòng, chống bệnh truyền nhiễm.

Việt Nam sẽ ưu tiên tiêm phòng trước cho nhân viên y tế có nguy cơ phơi nhiễm cao, lực lượng bộ đội, công an, những người lao động thiết yếu phục vụ ở khu cách ly, tuyến đầu chống dịch, người dân vùng có dịch và nhóm người cao tuổi, bệnh nền, dễ bị tổn thương, phải chăm sóc kéo dài ở các cơ sở y tế.

Lãnh đạo Bộ Y tế cho hay, việc tiêm phòng trước nhất cho cho nhân viên y tế tuyến đầu, những người có nguy cơ phơi nhiễm và mắc COVID-19 cao nhất là để bảo vệ và bảo toàn lực lượng tuyến đầu chống dịch.

Tiếp đến là người dân ở vùng dịch, và nhóm người cao tuổi, bệnh nền, miễn dịch suy giảm. Đây là nhóm người dễ mắc COVID-19 khi dịch bùng phát và khi mắc có nguy cơ tử vong cao.

Bên cạnh nhóm ưu tiên trên, khi nguồn cung vaccine tăng lên, việc tiêm chủng phòng ngừa COVID-19 sẽ mở rộng nhiều nhóm đối tượng và theo yêu cầu.

Với hình thức tiêm dịch vụ, người dân có nhu cầu có thể tiếp cận vaccine một cách công bằng với tiêu chí công khai, minh bạch về chi phí, hiệu quả.

Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch COVID-19 sẽ quản lý, giám sát và điều phối hoạt động tiêm phòng vaccine COVID-19 để đảm bảo mọi người dân đều có quyền tiếp cận bình đẳng, hợp lý và hiệu quả với vaccine này. Đây là phương án Bộ Y tế trình Chính phủ phê duyệt.

Khi nguồn cung dồi dào, chủ trương của ngành Y tế là tiêm ngừa COVID-19 trên diện rộng, càng nhanh và càng nhiều, càng tốt.

Theo lý thuyết về dịch tễ học, tối thiểu cần trên 80% dân số được chủng ngừa để đạt miễn dịch cộng đồng. Cơ chế này sẽ làm tác nhân gây bệnh không thể tìm thấy đủ số lượng cá thể để trú ẩn, nhân lên và lây nhiễm, qua đó có thể sớm đẩy lùi đại dịch.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn