MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Những đối tượng nào được tiêm vaccine phòng COVID-19 ở Thanh Hoá?

Xuân Hùng LDO | 22/04/2021 16:12
Sáng 22.4, những mũi tiêm vaccine phòng COVID-19 đầu tiên đã được thực hiện tại Thanh Hoá. Trước đó, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa đã ban hành kế hoạch về việc triển khai tiêm vaccine phòng COVID-19 trên địa bàn tỉnh đợt I năm 2021. Theo đó, chỉ một số đối tượng được ưu tiên tiêm đợt này.

Theo đó, với mục tiêu nhằm chủ động phòng, chống COVID-19 cho các đối tượng thuộc nhóm nguy cơ, lực lượng tuyến đầu chống dịch bằng việc sử dụng vaccine phòng COVID-19; đối tượng triển khai đợt I gồm: Lực lượng cán bộ, nhân viên y tế làm việc tại cơ sở y tế (công lập và ngoài công lập) tham gia các hoạt động phòng, chống dịch COVID-19, gồm bác sĩ, nhân viên y tế, người lao động trực tiếp tiếp xúc tại cơ sở y tế;

Người tham gia công tác phòng, chống dịch bao gồm: Thành viên Ban chỉ đạo phòng, chống dịch các cấp, người làm việc tại các khu cách ly, làm nhiệm vụ truy vết, điều tra dịch tễ, tổ giám sát cộng đồng, tình nguyện viên, phóng viên. Riêng lực lượng Quân đội, Công an: Do Bộ Quốc phòng và Bộ Công an chỉ đạo triển khai tiêm theo Quyết số 1821/QĐ-BYT ngày 7-4-2021 của Bộ Y tế.

Vaccine AstraZeneca được bảo quản theo đúng quy định. Đây là vaccine dạng dung dịch, đóng 10 liều/1 lọ, mỗi liều 0,5ml, được bảo quản ở nhiệt độ 2 đến 8 độ C. Ảnh: Tô Hà.

Thời gian triển khai từ ngày 20.4.2021 đến 5.5.2021 trên phạm vi toàn tỉnh. Vaccine triển khai do Bộ Y tế cấp, là vaccine phòng COVID-19 của Tập đoàn AstraZeneca với số lượng là 20.200 liều và dự kiến tiêm mũi 1 cho 20.200 đối tượng.

Chỉ tổ chức các điểm tiêm chủng tại bệnh viện, cụ thể: Các bệnh viện công lập tuyến tỉnh; bệnh viện ngoài công lập, bệnh viện trung ương đóng tại địa phương:

Đối với bệnh viện đã tự công bố cơ sở đủ điều kiện tiêm chủng theo Nghị định số 104/2016/NĐ-CP ngày 1.7.2016 của Chính phủ thì tự tổ chức điểm tiêm chủng tại bệnh viện để tiêm chủng cho cán bộ, nhân viên y tế, người lao động tại đơn vị và tiêm chủng cho các đối tượng khác trên địa bàn theo chỉ đạo của Sở Y tế hoặc Ban Chỉ đạo tại địa phương.

Lãnh đạo Sở Y tế kiểm tra tiêm vaccine COVID-19 tại Bệnh viện Phổi Thanh Hoá. Ảnh: Tô Hà

Đối với các bệnh viện chưa tự công bố cơ sở đủ điều kiện tiêm chủng thì phối hợp với hệ thống y tế dự phòng (đơn vị đã tự công bố cơ sở đủ điều kiện tiêm chủng) tổ chức điểm tiêm chủng lưu động tại bệnh viện để tiêm chủng cho các đối tượng theo sự chỉ đạo của Sở Y tế hoặc Ban Chỉ đạo tại các địa phương.

Các bệnh viện đa khoa khu vực; bệnh viện đa khoa huyện, thị xã, thành phố phối hợp với trung tâm y tế tại địa phương để tổ chức điểm tiêm chủng tại bệnh viện và thực hiện tiêm chủng cho các đối tượng trên địa bàn theo chỉ đạo của Ban Chỉ đạo huyện, thị xã, thành phố.

Riêng Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh: Tổ chức điểm tiêm chủng cho cán bộ, nhân viên y tế, người lao động đang làm việc tại Trung tâm.

Theo TS.BS Lương Ngọc Trương - Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Thanh Hoá, trong điều kiện nguồn cung vaccine hạn chế, cần sử dụng vaccine đảm bảo an toàn, hiệu quả, tiết kiệm, chống lãng phí, đúng đối tượng, đúng mục đích, đảm bảo tỷ lệ bao phủ tối đa và công khai minh bạch tiếp cận công bằng cho các đối tượng được tiêm.

TS.BS Lương Ngọc Trương - Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Thanh Hoá giám sát quy trình tiêm vaccine COVID-19. Ảnh: T.H

Bộ Y tế hỗ trợ vaccine, bơm kim tiêm, hộp an toàn để triển khai tiêm vaccine COVID-19 cho nhóm đối tượng lực lượng tuyến đầu trực tiếp tham gia phòng chống dịch trong đợt I năm 2021, với tổng số liều vắc xin: 20.200 liều.

Nguồn kinh phí của tỉnh chi cho việc thực hiện tiêm chủng đợt này là 497.450.000 đồng bao gồm kinh phí cho các hoạt động triển khai tập huấn, in ấn phiếu đồng ý tham gia tiêm chủng, phiếu khám sàng lọc, giấy xác nhận, chi trả tiền công tiêm chủng, truyền thông, xăng xe vận chuyển vaccine, kinh phí giám sát trước và trong khi triển khai chiến dịch.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn