MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Trưởng thôn, người uy tín thôn Bản Giáng (xã Trung Sơn, Yên Sơn, Tuyên Quang) tuyên truyền pháp luật cho bà con... Ảnh: V.T

Những “già làng 9X” được trao gửi niềm tin

Nguyễn Văn Tùng LDO | 04/12/2021 10:32
Già làng, trưởng bản tưởng chừng là công việc của những “cây cao bóng cả”, người có uy tín lâu năm trong vùng. Thế nhưng, tại một số làng bản ở vùng cao Tuyên Quang, nhiều thanh niên thế hệ 8X, 9X vẫn được trao gửi niềm tin. Ngoài nhiệm vụ chăm lo đời sống người dân, những già làng trẻ tuổi này còn là cánh tay nối dài giữa chính quyền và đồng bào dân tộc.

Ở tuổi 35, chàng trai người Mông Đào Văn Máy (xã Thượng Nông, Na Hang, Tuyên Quang) đã có hơn một thập niên làm cán bộ thôn.

Thời điểm 10 năm về trước, không ai nghĩa cậu thanh niên chưa đầy 25 tuổi ấy lại được người dân Nà Cào tín nhiệm bầu làm trưởng thôn. Lúc bấy giờ, anh Máy chính là người uy tín trẻ nhất của xã Thượng Nông. 

Khi nhận nhiệm vụ mới, anh Máy vừa mừng vừa lo. Nỗi canh cánh lớn nhất trong anh chính là làm sao để bà con Nà Cào bớt khổ, các hủ tục sớm được đẩy lùi. 

Đối với anh Máy, khó khăn lớn nhất khi làm người uy tín trong thôn chính là vấn đề tuổi tác. Không ít lần, anh bị gọi là “vắt mũi chưa sạch” còn đi dạy đời. Tuy nhiên, với sự tận tâm, cùng hiểu biết của thế hệ trẻ, thành quả đã sớm đến với anh. 

Sau nhiều năm cống hiến, trưởng thôn Máy đã xóa được nạn uống rượu tại Nà Cào. Kể từ khi anh lên làm trưởng thôn, hình ảnh những “ma men” tại Nà Cào vơi hẳn.

Để có được thành quả đó, anh Máy đã phải gặp gỡ riêng từng người để thuyết phục. Tại các buổi họp thôn bản, anh không quên lồng vào những câu chuyện, tác hại rượu bia một cách khéo léo. 

Chia sẻ về những khó khăn khi là già làng trẻ tuổi, anh Máy cho biết: “Để những người đàn ông, đặc biệt là người vùng cao bỏ rượu không phải chuyện dễ. Con đường tuyên truyền, thức tỉnh người dân thật sự rất gian nan.

Hiện nay, nhiều người Nà Cào đã dần bỏ rượu, tu chí làm ăn. Cũng từ đây, cuộc sống của người dân được cải thiện”.

Mấy năm trước, anh Máy từng lặn lội sang Đà Vị (Na Hang) để học hỏi kinh nghiệm trồng tre bát độ. Khi về Nà Cào, già làng trẻ tuổi này đã tiên phong trồng thử 100 cây. Những nỗ lực của anh đã nhanh chóng được đền đáp, mô hình tre sớm đem lại hiệu quả. Tiếng lành vang xa, người dân Nà Cào thi nhau học hỏi. Hiện tại, nhiều hộ dân đã sống tốt nhờ vào trồng tre bát độ. Tỉ lệ hộ nghèo tại Nà Cào còn dưới 40%.

Cũng giống như anh Máy, anh Hoàng Văn Tính (SN 1991, trú tại Minh Thanh, Sơn Dương, Tuyên Quang) đã có nhiều năm làm trưởng thôn tại Ngòi Trườn. Sinh ra tại miền quê có hơn 90% là người đồng bào dân tộc Nùng, anh Tính hiểu hơn ai hết khó khăn của người dân nơi đây. 

Năm 2016, anh Tính được bà con bầu làm trưởng thôn khi mới 25 tuổi. Tưởng chừng những khó khăn về tuổi tác sẽ cản trở bước chân anh. Thế nhưng, quyết tâm giúp đồng bào thoát nghèo thôi thúc anh không được nản chí. 

Sau những tháng ngày trăn trở, anh Tính đã quyết tâm giúp bà con thoát nghèo từ cây chè. Với địa hình đồi núi, việc phát triển cây chè chính là bước ngoặt giúp người dân thay đổi cuộc sống. Nhờ sự vận động của anh Tính, người dân Ngòi Trườn đã nỗ lực lao động.

Hiện tại, toàn thôn chỉ còn vài hộ nghèo. Đời sống nhân dân đã có bước phát triển mới. 

Trải lòng về chuyện trẻ tuổi nhưng được bầu làm người uy tín trong thôn, nét mặt anh tính không dấu nổi những lo lắng.

Theo anh, khó khăn lớn nhất chính là tạo được niềm tin đối với mọi người. Đặc biệt, bà con dân tộc luôn tâm niệm chỉ những người cao niên mới có tiếng nói. Tuy nhiên, một khi đã tạo dựng được niềm tin, đồng bào sẽ hết lòng nghe theo. 

Nói về những đóng góp của anh Tính cho sự phát triển của Ngòi Trườn, anh Ma Văn Hoàng cho biết: “Từ khi Tính lên làm trưởng thôn, bà con mới có người trông cậy. Dù còn trẻ nhưng Tính dám nghĩ dám làm. Mấy năm trước, trưởng thôn Tính còn vận động người dân hiến đất, làm đường bêtông. Cuộc sống đỡ vất vả hơn trước khi nhiều”.

Hiện tại, toàn tỉnh Tuyên Quang có hơn 1.116 người uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số. Họ chính là những “cánh tay nối dài” của chính quyền với đồng bào.

Ngoài những “đại thụ” có thâm niên, những thế hệ 8X, 9X cũng đang dần để lại được dấu ấn. Họ chính là chỗ dựa tin cậy cho đồng bào dân tộc. Bằng sức trẻ, những già làng 9X đang góp phần thay đổi bộ mặt của những thôn bản vùng cao tại Tuyên Quang.


Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn