MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Tòa nhà từng là trụ sở của Công ty Pháp mỏ Than Bắc Kỳ hơn 100 tuổi nhưng hiện vẫn cơ bản còn nguyên vẹn. Ảnh: Nguyễn Hùng

Những hiện vật của công ty Than lớn nhất của Pháp tại Quảng Ninh

Nguyễn Hùng LDO | 02/10/2023 17:49

Quảng Ninh - Trong Bảo tàng Quảng Ninh, tại khu vực trưng bày lịch sử ngành Than có một số hiện vật khá đặc biệt liên quan đến một công ty khai thác Than lớn nhất của Pháp tại vùng mỏ Quảng Ninh.

Đó là những cột mốc và tấm biển báo phân định ranh giới vùng nhượng địa của Công ty Than Bắc Kỳ thuộc Pháp tại Quảng Ninh trước đây. Những hiện vật này, dưới con mắt của các nhà nghiên cứu, hoàn toàn có thể kể những câu chuyện thú vị về lịch sử của ngành Than, của phòng trào công nhân, phong trào cách mạng ở vùng Mỏ.

Tấm biển báo phân định ranh giới vùng nhượng địa của Công ty Than Bắc Kỳ thuộc Pháp tại Bảo tàng Quảng Ninh. Ảnh: Nguyễn Hùng

Theo tư liệu, sau khi Triều đình nhà Nguyễn nhượng bán khu Hòn Gai - Cẩm Phả ngày 26.8.1884 thì ngày 27.4.1888, Công ty khai thác than đá lớn nhất nước Pháp được thành lập mang tên Société Francaise des charbonnages du Tonkin (viết tắt là S.F.C.T, dịch nghĩa là Công ty Pháp mỏ Than Bắc Kỳ S.F.C.T).

Khu vực công ty này được quyền khai thác, quản lý rộng tới hơn 21.900ha, trải dài từ Mông Dương qua Cẩm Phả sang Hà Tu, Hà Lầm, Hòn Gai… Đây là khu vực có trữ lượng than lớn nhất và thuận tiện vận chuyển vì nằm ngay bờ biển. Tham gia công ty này có các nhà tư bản lớn của Pháp, từ tư bản tài chính, ngân hàng, tín dụng đến công nghiệp, thương mại…

Cột mốc phân định ranh giới hơn 100 tuổi. Ảnh: Nguyễn Hùng

Cùng với bộ máy quản lý điều hành sản xuất kinh doanh, Công ty S.F.C.T còn có cả bộ máy cai trị riêng ở vùng đất nhượng địa của mình suốt từ Hòn Gai đến Mông Dương, có cả hiến binh, cảnh sát, nhà tù, mật thám…

Trong cuốn “Lịch sử Công nhân Than Việt Nam”, tập 1, ông Hoàng Tuấn Dương – nguyên Trưởng Ban Tuyên giáo Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam) – cho biết, để đánh dấu mốc giới, Công ty S.F.C.T đã cho đặt các cột mốc bằng bê tông vuông hoặc hình tam giác có khắc chữ S.F.C.T tại các điểm ranh giới. Ngay bến cảng Hòn Gai, Công ty S.F.C.T đặt một tấm biển lớn bằng xi-măng cốt thép với dòng chữ: “Cấm không được đi vào thị xã bằng lối này, trừ khi có giấy phép của chủ mỏ. Đây là nhượng địa của Công ty Than Bắc Kỳ”.

Trụ sở Công ty S.F.C.T khoảng 135 tuổi nhưng vẫn gần như còn nguyên vẹn. Ảnh: Nguyễn Hùng

Theo ông Trần Trọng Hà – nguyên Giám đốc Bảo tàng Quảng Ninh – những cột mốc và tấm biển báo phân định ranh giới tại Bảo tàng Quảng Ninh hiện nay được các thế hệ trước đó tìm thấy và sưu tầm đem về.

Cùng với các hiện vật trên thì điều đặc biệt là trụ sở của Công ty S.F.C.T, được xây dựng năm 1888, hiện vẫn cơ bản còn nguyên vẹn và từ lâu đã là Trung tâm điều hành sản xuất tại Quảng Ninh của Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam, tại địa chỉ 95A, đường Lê Thánh Tông, phường Hồng Gai, TP.Hạ Long.

Toà nhà hai tầng này, thời còn là trụ sở của Công ty S.F.C.T, gồm 2 khu vực: một dãy nhà làm việc của các chủ mỏ, phần còn lại là phòng nhì của mật thám Pháp.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn