MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Những hồ, mương ô nhiễm nguy cơ gây sốt xuất huyết giữa trung tâm Cần Thơ

Phong Linh LDO | 22/03/2023 10:23
Tại TP.Cần Thơ, nhiều người dân phàn nàn về những hồ, mương chứa đầy rác là nơi trú ngụ cho muỗi  và tiềm ẩn nguy cơ sốt xuất huyết. 

"Hồ nuôi muỗi" ngay trung tâm thành phố 

Nhiều người dân sinh sống trên đường Mạc Thiên Tích (Phường Xuân Khánh, Quận Ninh Kiều), cho rằng, rạch Tham Tướng là "hồ nuôi muỗi giữa thành phố" bởi nước hồ dơ bẩn và tiềm ẩn nguy cơ mắc bệnh sốt xuất huyết. 

Bà Nguyễn Thị Xuân (60 tuổi, TP.Cần Thơ) cho biết: "Bờ kè là nơi để người dân dạo chơi thư giãn, tập thể dục nhưng mùi nước trong hồ hôi thối rất khó chịu. Mỗi buổi chiều tối dẫn con, cháu đi thể dục quanh đây tôi cũng thấy lo vì không chỉ ảnh hưởng đến đường hô hấp mà còn sợ muỗi gây sốt xuất huyết".

Mặc dù đã được nạo vét nhiều lần nhưng rạch Tham Tướng trên đường Mạc Thiên Tích vẫn tiếp diễn tình trạng rác thải ùn ứ và được người dân gọi là "hồ nuôi muỗi". Ảnh: Phong Linh

Theo một số người dân, Hồ Búng Xáng (Quận Ninh Kiều) cũng đang đe dọa sức khỏe của mọi người khi lượng lăng quăng, muỗi sinh sống nơi đây rất lớn.

Ở trọ gần khu vực này, bạn Kiều Nguyễn Anh Thư chia sẻ: "Khu vực này tập trung rất nhiều sinh viên nên khả năng gây phát bệnh rất cao. Mặt khác, hồ nằm ngay trung tâm, nơi nhiều người qua lại và là điểm nhấn du lịch của thành phố thì điều này không hay chút nào". 

 Hồ Búng Xáng ô nhiễm và tiềm ẩn nguy cơ sốt xuất huyết. Ảnh: Phong Linh

Không chỉ có hồ mà các mương, rạch khác thuộc Quận Ninh Kiều cũng ô nhiễm nghiêm trọng.

Nước mương đen kịt, đặc quánh sau nhiều năm ùn ứ rác thải sinh hoạt khiến người dân rơi vào cảnh ngán ngẩm, lo lắng. 

 Mặt nước rạch Mương Củi  đen kịt trên đường Trần Hoàng Na, Quận Ninh Kiều, TP.Cần Thơ. Ảnh: Phong Linh

"Chúng tôi rất bức xúc đối với ý thức của những người xả rác khiến hồ trở nên ô nhiễm như vậy. Không chỉ là  mất mỹ quan đô thị mà còn ảnh hưởng sức khỏe của người dân, nhất là trẻ em. 

Đang vào mùa cao điểm sốt xuất huyết, người dân rất lo lắng về khả năng người dân, nhất là trẻ con bị bệnh do  mương này gây ra" - ông Nguyễn Minh Quang chia sẻ.

Cách đó không xa, kênh Đầu Sấu cũng ô nhiễm nặng nề. Ảnh: Phong Linh

Được biết, thời gian qua, đối với các mương, hồ này, lực lượng chức năng tại TP.Cần Thơ đã nhiều lần triển khai nạo vét khắc phục ô nhiễm nhưng vẫn không mấy khả quan.

Cứ vài hôm, rác thải lại ùn ứ khắp mặt hồ và tình trạng "hồ nuôi muỗi" vẫn tái diễn.

Chủ động phòng bệnh sốt xuất huyết

Thống kê của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Cần Thơ, tính từ đầu năm đến ngày 15.3.2023, toàn thành phố có 585 ca sốt xuất huyết. Số ca mắc tập trung nhiều ở các quận, huyện: Ninh Kiều, Thốt Nốt, Cái Răng, Cờ Ðỏ...

Nhằm chủ động phòng chống dịch sốt xuất huyết có khả năng bùng phát vào những tháng đầu mùa mưa, đồng thời kiểm soát và ngăn chặn dịch bệnh lan rộng vào các ngày lễ lớn sắp tới, ngành y tế triển khai thực hiện chiến dịch diệt lăng quăng phòng, chống sốt xuất huyết và Zika dựa vào cộng đồng.

CDC Cần Thơ cũng tăng cường phối hợp với các quận/huyện kiểm tra, giám sát chỉ số lăng quăng tại các địa bàn trọng điểm về sốt xuất huyết, hỗ trợ địa phương phun hóa chất diệt muỗi diện rộng, xử lý kịp thời ổ dịch, không để lây lan, bùng phát.

 Ngành y tế triển khai thực hiện chiến dịch diệt lăng quăng phòng, chống sốt xuất huyết và Zika dựa vào cộng đồng. Ảnh: Phong Linh

Ngày 20.3, UBND TP.Cần Thơ cũng có văn bản chỉ đạo về việc chủ động, tích cực phòng, chống bệnh sốt xuất huyết.

Theo đó, bên cạnh công tác tuyên truyền, trung tâm y tế quận, huyện huy động các ban, ngành, tổ chức chính trị xã hội phối hợp với ngành y tế triển khai chiến dịch vệ sinh môi trường, diệt lăng quăng/bọ gậy đảm bảo tất cả các hộ gia đình tại vùng có dịch và có nguy cơ phải được kiểm tra, giám sát các bể, dụng cụ chứa nước, các vật dụng, đồ phế thải, nơi sinh sản của muỗi để tiến hành các biện pháp xử lý. 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn