MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Vợ chồng cựu binh Nguyễn Huy Hiển bên đứa cháu nhỏ. Ảnh: Trần Tuấn

Những hy sinh thầm lặng của vợ một cựu binh cơ yếu

TRẦN TUẤN LDO | 30/04/2020 12:32

Trong 15 ngày phép ngắn ngủi của một anh lính cơ yếu ngay sau ngày giải phòng miền Nam thống nhất đất nước, đã diễn ra một đám cưới giản đơn, mau lẹ ở quê nhà; để rồi, khi trở lại đơn vị và những năm tháng dài sau phục viên trở về, người lính ấy có một người vợ hiền, cả đời hy sinh thầm lặng vì chồng, vì con.

"Gác bút" kế toán hợp tác xã đi làm lính cơ yếu

Chúng tôi đang nói đến câu chuyện gia đình của  cựu binh Nguyễn Huy Hiển (71 tuổi, ở thôn Thủy Triều, xã Cẩm Quan, huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh). Thật tiếc, những ngày cả nước đang sống trong không khí hào hùng kỷ niệm 45 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước này thì cựu binh Hiển không thể kể lại những kỷ niệm thời chiến nữa. Ông đã bị cấm khẩu, nói ú ớ không rõ tiếng sau một lần bị tai biến mạch máu não cách đây 5 năm.

Vợ ông Hiển, bà Lê Thị Thủy (70 tuổi) lật giở từng trang hồ sơ lý lịch quân nhân của chồng rồi kể, những năm 1967 đến 1969, ông Hiển là kế toán Hợp tác xã tín dụng Cẩm Quan, rồi kế toán Hợp tác xã Nông nghiệp Cẩm Quan. Đến cuối năm 1969, ông Hiển được gọi nhập ngũ vào đơn vị C8K2, Đoàn 22, Quân khu 4.

Đảng, Nhà nước ghi nhận những cống hiến của anh lính cơ yếu một thời Nguyễn Huy Hiển. Ảnh: Trần Tuấn

Đầu năm 1971, ông là một trong số ít người được đơn vị lựa chọn cử đi học cơ yếu thuộc Phòng Tham mưu của Quân đoàn 3. Từ năm 1972 đến 6.1975 là thượng sĩ cơ yếu Quân đoàn 3 với chức vụ Tổ trưởng. Từ 7.1975 đến 4.1980 là Thiếu úy trợ lý chính trị của đơn vị E232 thuộc Tổng cục Kĩ thuật rồi phục viên.

“Năm 1975, ông ấy được nghỉ 15 ngày phép rồi về tổ chức làm đám cưới với tôi. Hết phép ông trở lại đơn vị. Vợ chồng sau cưới sống cảnh biền biệt kẻ ở hậu phương, người nơi tiền tuyến” – bà Thủy chia sẻ.

Hy sinh thầm lặng của người vợ

Theo bà Thủy, sau những lần về phép ít ỏi của chồng, phải sau khi cưới hơn 4 năm, bà mới mang thai lần đầu vào năm 1979. Nhưng buồn thay, con chưa sinh đã mất trong bụng mẹ.

Sau khi chồng phục viên trở về, bà Thủy thêm 2 lần sinh vào năm 1982 và 1985 nhưng cũng không nuôi được. Con lần lượt mất ngay khi vừa sinh và chỉ vài tháng sau sinh. “Nhìn những đứa con sinh ra dị hình dị dạng, tôi đau đớn vô cùng mà không hiểu chuyện gì đang xảy ra” – bà Thủy ứa nước mắt kể.

Thế rồi, những sợ hãi, chết chóc cũng dần qua đi, 5 lần sinh sau này, con cái của ông bà may mắn đều khỏe mạnh, nay đã trưởng thành. Trong đó có 4 người học đại học, ra trường có nghề để kiếm sống.

Theo lời bà Thủy, sau khi ông Hiển xuất ngũ trở về, không có chế độ gì. Cuộc sống gia đình rất khó khăn dù ông có tham gia làm cán bộ ở xã Cẩm Quan một thời gian rồi về làm Thôn trưởng, Bí thư chi bộ thôn. “Để nuôi 4 đứa con học đại học, tôi phải đi ở thuê cho người ta ngoài Hà Nội. Khi đưa thứ 4 đang học đại học dở thì ông ấy bị tai biến nên tôi thôi không đi ở nữa để về chăm chồng bị bệnh” – bà Thủy chia sẻ.

Bà Lê Thị Thủy - người vợ, người mẹ một đời hy sinh thầm lặng vì chồng, vì con. Ảnh: Trần Tuấn

Vợ cựu binh Hiển kể thêm, chồng bà có hơn 11 năm quân ngũ. 30 năm sau phục viên, vào năm 2010 mới được hưởng trợ cấp 1 lần với tổng số tiền 7,4 triệu đồng đối với quân nhân tham gia kháng chiến chống Mỹ theo quyết định số 142 năm 2008 của Thủ tướng Chính phủ quy định quân nhân có dưới 20 năm công tác phục viên, xuất ngũ về địa phương.

Sau khi ông Hiển bị tai biến vào 5 năm trước, ông có được hưởng chế độ trợ cấp tàn tật 360.000đ/tháng, nay đã tăng lên 675.000đ/tháng. Theo đó, bà Thủy cũng được hỗ trợ 270.000đ/tháng chế độ chăm sóc người tàn tật. Đó cũng là nguồn sống duy nhất của hai vợ chồng già hiện nay. Thế nhưng, do chồng bị bệnh, chừng đó nhiều khi không đủ trang trải khi chồng phải đi viện, thuốc thang.

Dẫu gần như đã hy sinh cả đời người vì chồng, vì con và những năm tháng cuối đời vẫn đang sống cảnh vất vả, chăm chồng bệnh, nhưng bà Thủy vẫn luôn tự hào về chồng, về cựu binh từng là lính cơ yếu mưu trí, gan dạ đã vinh dự nhiều lần cắt tóc cho Trung tướng Nguyễn Quốc Thước (nguyên Tư lệnh Quân khu 4) trong những ngày ở chiến trường Tây Nguyên.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn