MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Những lớp học đặc biệt vào ban đêm ở vùng biên giới Đắk Lắk

BẢO TRUNG LDO | 04/05/2023 13:43

Đắk Lắk - Những lớp học vào ban đêm ở vùng biên giới tỉnh Đắk Lắk đã giúp cho các cán bộ, chiến sĩ, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số cải thiện trình độ, nâng cao kiến thức để hoàn thành tốt các nhiệm vụ.

Những lớp học đặc biệt

Ở vùng biên giới xa xôi của tỉnh Đắk Lắk, mỗi tối lại có các lớp học đặc biệt của những người lính biên phòng. Tuy mỗi lớp dạy có một nội dung, cách thức triển khai khác nhau, nhưng đều hướng tới việc trau dồi, cung cấp kiến thức cho những cán bộ, chiến sĩ, người đồng bào dân tộc thiểu số, giúp họ vượt qua những bất đồng về ngôn ngữ.

Có dịp ghé thăm Tiểu đoàn Huấn luyện - Cơ động, Bộ đội Biên phòng tỉnh Đắk Lắk, chúng tôi chứng kiến một lớp học mà cả thầy và trò đều là chiến sĩ mới. Ngoài những giờ huấn luyện vất vả, họ lại cùng nhau ôn bài, luyện viết chữ.

Những chiến sĩ mới tham gia quân ngũ đang học thêm vào buổi tối để củng cố thêm kiến thức. Ảnh: Bảo Trung

Binh nhì Y Phiên Êban, Tiểu đoàn Huấn luyện - Cơ động, Bộ đội Biên phòng tỉnh Đắk Lắk - cho biết: "Trước đây, do không biết chữ nên tôi phải tự mày mò, tìm tòi cách đọc và viết cơ bản Tiếng Việt. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân nên việc học bằng cách này không thu lại được nhiều hiệu quả. Khi vào lớp học đặc biệt này, nhờ đồng đội, bạn bè, tôi đã biết tiếng Kinh nhiều hơn trước. Khả năng đọc viết của tôi cũng tiến bộ lên rất nhiều".

Chuyện là trước đây, Y Phiên Êban vì hoàn cảnh khó khăn mà phải bỏ học từ lớp 1. Về đến đơn vị đang công tác, Y Phiên may mắn được tiếp nối việc học, nhận thêm tri thức để sau này có điều kiện cải thiện cuộc sống, hướng đến một tương lai tốt đẹp hơn. 

Lớp học đặc biệt vào ban đêm ở vùng biên giới Đắk Lắk. Ảnh: Bảo Trung  

Không chỉ những người mới gia nhập quân ngũ, những cán bộ, chiến sĩ công tác lâu năm ở nhiều lực lượng khác trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk cũng đang không ngừng học tập, trau dồi thêm kiến thức.

Hiện, các cán bộ chiến sĩ Bộ đội Biên phòng tỉnh Đắk Lắk đang tham gia lớp học tiếng Ê Đê hằng tuần. Ngoài giờ học tập cùng cô giáo và đồng chí, đồng đội, đều đặn các đêm, hàng tuần, cán bộ, chiến sĩ đồn Biên phòng Sê Rê Pốk lại cùng nhau tập đọc, tập viết tiếng Ê Đê.

Việc học tiếng đồng bào chính là “kim chỉ nam” đảm bảo hiệu quả công tác địa bàn ở vùng biên giới ở Đắk Lắk, nơi có khoảng 26 dân tộc anh em cùng sinh sống, trong đó chủ yếu là người Ê Đê.

Không chỉ có những người mới tham gia quân ngũ, những cán bộ chiến sĩ lâu năm cũng tham gia học thêm tiếng Ê đê vào ban đêm. Ảnh: Bảo Trung

Đơn cử, đại uý Y Toàn Byă - Đội trưởng Đội Trinh sát, Đồn Biên phòng Sê Rê Pốk, Bộ đội Biên phòng tỉnh Đắk Lắk - ngoài giờ huấn luyện thì anh còn hỗ trợ những người trong đơn vị tăng cường giao tiếp một số từ và câu cơ bản về tiếng Ê Đê, biến việc giao tiếp bằng tiếng Ê Đê thành hoạt động thường ngày, 1 ngày khoảng 5 đến 7 câu giao tiếp và 5 đến 10 từ vựng cơ bản.

Hiệu quả tích cực

Thiếu tá Y Juel Byă - Chính trị viên phó, Tiểu đoàn Huấn luyện - Cơ động, Bộ đội Biên phòng tỉnh Đắk Lắk - chia sẻ: "Trong những năm qua, trong quá trình huấn luyện các chiến sĩ mới, chúng tôi thường tổ chức các lớp bồi dưỡng về kiến thức, công nghệ thông tin… Những người có trình độ cao đẳng, đại học hỗ trợ các đối tượng có trình độ yếu hơn theo kịp bài vở, bổ sung kiến thức. 

Qua các lớp bồi dưỡng, những người có trình độ văn hoá thấp đã được nâng cao lên, tự tin trong giao tiếp xã hội, nhất là đối với những em đồng bào dân tộc thiểu số, phải nghỉ học từ sớm chưa biết đọc chữ, tiếng Việt".

Những lớp học này mang đến nhiều ý nghĩa thiết thực. Ảnh: Bảo Trung

Trung úy Lê Kim Nguyên - Đội Vận động quần chúng, Đồn Biên phòng Sê Rê Pốk, Bộ đội Biên phòng tỉnh Đắk Lắk - cho rằng: "Từ khi có lớp học tiếng Ê Đê kết hợp với sự giúp đỡ của các đồng chí, đồng đội nên mỗi lần chúng tôi đi tuyên truyền, tiếp xúc với bà con đồng bào trên địa bàn dễ dàng hơn.

Nhân dân hiểu được nội dung cán bộ tuyên truyền, hướng dẫn. Những lớp học đặc biệt như vậy cứ sáng đèn mỗi tối, giúp người lính biên phòng gần dân hơn, qua đó “nghe được dân nói, nói cho dân hiểu, làm cho dân tin”.

Ngoài giờ học trên lớp, cán bộ, chiến sĩ cũng tranh thủ thực hành trong khi tuyên truyền, gặp gỡ nhân dân. Chỉ có bám dân, bám địa bàn, hiểu tâm tư, tập quán sinh sống của đồng bào mới giúp được nhiều hộ dân nâng cao đời sống, thoát cảnh đói nghèo.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn