MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Học sinh năm nay lên lớp 9 cần chuẩn bị tốt kiến thức và tâm thế cho kỳ thi vào lớp 10 diễn ra vào cuối năm học. Ảnh: Hải Nguyễn

Những lưu ý với học sinh lớp 9 để chuẩn bị tốt cho kỳ thi vào lớp 10

Hải Lý LDO | 05/09/2020 14:00

Xác định rõ mục tiêu và xây dựng lộ trình học tập ngay từ đầu năm học... là những việc học sinh năm nay lên lớp 9 cần làm, để chuẩn bị cho kỳ thi vào lớp 10.

Xác định mục tiêu học tập sớm

Học sinh lớp 9 cần chuẩn bị tốt kỳ thi vào lớp 10 căng thẳng và đầy cam go. Ngay từ đầu năm học, các em cần xác định mục tiêu học tập để bứt phá điểm số trong kỳ thi chuyển cấp và đỗ vào ngôi trường THPT mong muốn.

Chia sẻ về việc xây dựng mục tiêu học tập trong năm học cuối cấp, cô Đỗ Khánh Phượng - giáo viên môn Ngữ văn tại Hệ thống Giáo dục HOCMAI - cho biết: “Đầu tiên, học sinh cần chú ý đến năng lực học tập của mình.

Cô Đỗ Khánh Phượng đưa ra lời khuyên hữu ích giúp học sinh chuẩn bị tốt kỳ thi vào 10.

Tiếp theo là vạch ra mục tiêu cụ thể sẽ thi đỗ vào ngôi trường THPT nào. Cuối cùng là lên kế hoạch, thực hiện và đánh giá lại mục tiêu học tập đã thực sự phù hợp với năng lực của bản thân chưa.

Nếu mục tiêu phù hợp rồi thì học sinh hãy tiếp tục phát huy và cố gắng, còn nếu như mục tiêu quá lớn so với năng lực hiện tại của mình thì các em cần xác định lại mục tiêu sao cho phù hợp”.

Đồng quan điểm, thầy Nguyễn Mạnh Cường, giáo viên môn Toán tại trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam chia sẻ thêm: “Các em nên đặt mục tiêu chung trước.

Ví dụ, muốn vào trường nào, yêu cầu điểm số ra sao, rồi xem bản thân đang ở mức nào, từ đó lên các mục tiêu cải thiện việc học tập theo giai đoạn, theo học kì, theo tháng, theo tuần".

Thầy cũng khuyên học sinh, bên cạnh việc xác định mục tiêu học tập dựa trên năng lực của bản thân, học sinh cũng nên tham khảo những định hướng, tư vấn của gia đình để lựa chọn được ngôi trường cấp 3 phù hợp với mình cũng như có kế hoạch làm giảm áp lực học tập trong năm học cuối cấp này.

Lộ trình ôn tập môn Toán thi vào 10

Theo thầy Cường, môn Toán là môn thi quan trọng, bắt buộc phải có trong kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10. Vì vậy, để ôn tập môn Toán hiệu quả, học sinh cần chủ động trang bị sớm và nắm vững những đơn vị kiến thức cơ bản trong chương trình lớp 9.

Một số đơn vị kiến thức trọng tâm là: Căn thức, giải bài toán bằng cách lập phương trình, đồ thị hàm số, giải hệ phương trình, hình học và phương trình vô tỉ.

Song song với đó, học sinh cần luyện tập thường xuyên với từng đơn vị kiến thức này. Tiếp theo, hãy chia kiến thức theo các chuyên đề và dạng bài để nắm được phương pháp làm cụ thể.

Các em cũng cần chú ý đến các phần kiến thức có trong đề thi vào lớp 10 trong khoảng 3 năm gần đây ở tỉnh, thành phố mình. Cuối cùng là luyện đề để hệ thống lại toàn bộ kiến thức cũng như có sự ổn định về tâm lý phòng thi và kinh nghiệm làm bài.

Thầy Cường tư vấn lộ trình ôn thi môn Toán vào 10 hiệu quả.

Phương pháp học tốt môn Ngữ văn thi vào 10

Cũng giống như môn Toán, Ngữ văn là môn thi sẽ xuất hiện trong kỳ thi tuyển sinh vào 10.

Trong đề thi môn Ngữ văn vào 10 thường có 3 phần là: Đọc - hiểu văn bản, Nghị luận xã hội và Nghị luận văn học. Vì vậy, trong năm học lớp 9, học sinh cần đảm bảo trang bị đầy đủ kiến thức, kỹ năng làm các phần này thì mới có cơ hội đạt điểm cao trong kỳ thi chuyển cấp.

Phần Đọc - hiểu văn bản yêu cầu học sinh phải nắm chắc kiến thức tiếng Việt ở nhiều năm học. Học sinh phải chủ động rà soát, xem lại các kiến thức tiếng Việt đã được học ở các năm trước và bổ sung thêm các đơn vị kiến thức mới.

Phần Nghị luận xã hội đòi hỏi học sinh phải có kiến thức xã hội tốt, có những góc nhìn mới mẻ và sáng tạo. Để làm tốt phần này, học sinh nên thường xuyên xem thời sự, đọc tin tức trên các trang báo uy tín, thảo luận với thầy cô, bạn bè để nâng cao luận điểm, khả năng lập luận và dẫn chứng.

Phần Nghị luận văn học thường có trọng số điểm cao nhất khoảng 4-5 điểm. Để làm tốt phần này, học sinh cần đọc kỹ các tác phẩm văn học, chú ý đến nội dung và hình thức nghệ thuật để phân tích nhân vật và tác phẩm.

Bên cạnh đó, học sinh cần ghi nhớ hoàn cảnh sáng tác tác phẩm và quan điểm văn chương của tác giả để làm bài văn trở nên sâu sắc và thú vị.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn