MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Mỗi đoàn khách đến lại dọn mâm, lại chúc rượu, khiến phụ nữ bị ám ảnh việc dọn dẹp, ăn uống ngày tết. Ảnh: T. L

Những lý do nhiều người "ghét tết": Khổ vì ăn, tốn kém tiền bạc

Bích Hà LDO | 09/01/2018 07:00
Mang tiếng được “nghỉ tết”, nhưng với nhiều chị em, tết đã trở thành nỗi ám ảnh, vì không có thời gian nào để nghỉ ngơi.

Khổ như... ăn cỗ tết

Từ xa xưa dân gian quen gọi là "ăn tết" thay vì "chơi tết". Tết phải có mâm cao cỗ đầy cúng gia tiên, mời khách khứa, bạn bè. Có nơi vẫn giữ tập tục hễ khách đến nhà phải dọn mâm cỗ, mời mọc, chúc rượu. Khách cũng không dám từ chối vì sợ gia chủ “dông cả năm”. Và phía sau mâm cỗ giao đãi ấy là bao áp lực đè nặng lên vai người phụ nữ.

Đến hiện tại, Hạnh Ngân (28 tuổi, Hà Nội) vẫn chưa hết ám ảnh về cái tết đầu tiên khi về nhà chồng. Dù đã có nhà riêng ở Hà Nội, nhưng bố mẹ, họ hàng nhà chồng ở Hà Nam, nên chị thường gói ghém đồ đạc về quê chồng ăn tết.

Vốn là con gái Hà Nội, được bố mẹ chiều, chẳng mấy khi động tay động chân làm cỗ bàn nên khi phải chuẩn bị các món ăn cầu kỳ cho mâm cỗ tết, chị thực sự lúng túng.

“Đó là lần đầu tiên tôi phải tự tay chặt thịt gà, loay hoay đủ kiểu không biết xử lý ra sao. Cuối cùng sản phẩm là 10 miếng thịt gà thì mỗi miếng một kiểu. Khi làm các món ăn, luôn kề kề điện thoại bên cạnh để lên mạng tra cứu cách thực hiện, chế biến. Nhưng điều khiến tôi sợ nhất là cả ngày chỉ loanh quanh lo chuyện ăn uống. Muốn nghỉ ngơi một chút cũng không được vì liên tục bị mẹ chồng giục dọn mâm mỗi khi có khách tới chơi.

Ăn uống chả được bao nhiêu, nhưng một ngày bao nhiêu lần bê ra dọn vào như thế, rồi đánh vật với chồng bát đĩa. Đúng là không gì khổ và mệt như ăn cỗ tết”- Ngân nói.

Nói ghét tết thì không phải, Ngân cho rằng, vì còn quá nhiều thủ tục rườm rà, nên không ít người đang có cảm giác... sợ tết.

Lo sốt vó tiền mừng tuổi

Với những cặp vợ chồng son trẻ, đôi khi tết là nỗi ám ảnh, cả về kinh tế lẫn tinh thần.

Một cái tết phải có đủ quà cáp cho họ hàng thân thích thì mới được đánh giá sự quan tâm; phải biếu, mừng tuổi bố mẹ hai bên thì mới được gọi là hiếu thảo. Tết phải có tiền lì xì cho con trẻ mới vui…

Với những quan niệm như thế, gia đình khá giả thì không sao, với đối tượng là công nhân lao động, tết là cả một gánh nặng, không chỉ với người phụ nữ trong gia đình.

Mỗi lần đến tết, anh Nguyễn Xuân Hiếu (quê Hưng Yên, làm công nhân tại Hà Nội) lại lo lắng về khoản tiền mừng tuổi cho hai bên nội ngoại. “Nhiều thì không có, mà ít thì cũng khó nhìn mặt anh em, bạn bè” - Hiếu bảo.

Anh nói tiếp: “Có năm, vợ chồng tôi chắt chiu cả năm cũng không đủ chi cho vài ngày tết. Có năm đi vay thêm để tiêu vì ai chả mong có ngày tết tươm tất, đủ đầy. Mà trẻ con bây giờ tinh lắm, mừng tuổi ít chúng không nghe, chúng so sánh, tị nạnh.

Vì thế không chỉ phụ nữ sợ tết đâu, mà đàn ông chúng tôi cũng sợ. tết đến mang theo cả một gánh lo”.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn