MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Những "mật mã" kỳ dị ở quận 4 (TPHCM). Ảnh TK

Những “mật mã” kỳ dị bôi xấu bộ mặt đô thị TP.Hồ Chí Minh

Trần Khanh LDO | 23/09/2019 07:30

Khi màn đêm buông xuống, những người ẩn mình bắt đầu tìm đến những bức tường của các trụ sở cơ quan, nhà dân, trạm xe buýt,… để vẽ lên “mật mã” quái đản khiến người dân vô cùng bức xúc.

Những “mật mã” kỳ dị đại diện cho loại hình nghệ thuật Graffiti hay còn gọi là “hình vẽ trên tường” bắt nguồn từ Châu Mỹ, được nhiều bạn trẻ đón nhận và trở thành trào lưu ở Việt Nam vào năm 2000. Từ đó, những hình vẽ trên tường xuất hiện ngày càng dày đặc, biến bộ mặt thành phố trở nên vô cùng nhếch nhác.

Nhiều tuyến đường Nguyễn Thị Minh Khai, Nguyễn Thái Học, Hồ Tùng Mậu, Hàm Nghi,… (quận 1) từ lâu đã trở thành địa điểm ưa thích của những "họa sĩ" thích vẽ bậy. Cách đó không xa, nhiều bức tường, nhà chờ xe buýt trên đường Hoàng Diệu, Bến Vân Đồn,… (quận 4) cũng phải chịu chung số phận. 

Nét vẽ loằng ngoằng và kỳ dị nằm trên đường Bến Vân Đồn (quận 4). Ảnh TK 

Trò chuyện với phóng viên Lao Động, anh Lê Hồng Minh (sinh năm 1985) – Quản lý chung cư The tresor (quận 4), bức xúc nói: “Chỉ cần đi dọc Bến Vân Đồn, không khó để tìm thấy những nét vẽ quái đản trên tường. Ngay sát bên, dãy tôn che chắn công trình dài khoảng 50m đã trở thành mục tiêu bôi bẩn sau một đêm thức dậy”.

Những hình ảnh xấu xí kẹp giữa hai chung cư cao cấp ở quận 1. Ảnh TK. 

Anh Nguyễn Hoàng Nam (sinh năm 1978, ở quận 1) cho biết, căn nhà mới xây chưa đầy một tháng, nhưng hôm sau thức dậy thì vách tường xuất hiện những hình vẽ loằng ngoằng, hình thù kì dị với đủ màu sơn mà anh không thể nhận ra điều “nghệ sĩ” muốn truyền tải. 

Nhiều gia chủ sau một đêm thức dậy đã phát hiện ra những “mật mã” lạ trên tường nhà mình, nhưng không hiểu “tác giả” muốn truyền đạt thông tin gì. Ảnh TK. 

“Nghệ thuật đâu chẳng thấy, chỉ thấy hình vẽ quái đản khó hiểu, mong sao chính quyền thành phố có những biện pháp ngăn chặn các hành động này. Một phần là giữ gìn mĩ quan đô thị, một phần để các bạn ý thức hơn trong việc thể hiện đam mê của bản thân mà không gây ảnh hưởng đến người xung quanh” – ông Bùi Văn Cường (65 tuổi, ở quận 1) nói.

Những hình vẽ lấm lem gây mất mỹ quan đô thị thành phố. Ảnh TK. 

Không chỉ vẽ lên tường trong khu dân cư, mà tại các trạm biến điện, bảng quảng cáo công cộng, trạm chờ xe buýt,… trên đường phố đều xuất hiện những “mật mã” khó hiểu của các “nghệ sĩ đường phố”.

Nhiều trạm dừng chờ xe buýt cũng không thoát khỏi những dòng chữ loằng ngoằng. Ảnh TK. 

Chị Phạm Lương Tuyết – chủ quán cà phê trên đường Hoàng Diệu (quận 4) cho biết, các “họa sĩ” đa phần là thanh niên trẻ tuổi đến đây và lén lút vẽ vào ban đêm. Do lúc đó vắng người, không có bảo vệ nên những người này tha hồ thể hiện. Có những cậu thanh niên còn leo hẳn lên trụ điện chung cư và xịt sơn lên bình điện, nguy hiểm vô cùng.

Các “nghệ sĩ vẽ bậy” thường hoạt động vào ban đêm nên người dân không thể bắt tại trận. Ảnh TK. 

Với những nhà dân từng là “nạn nhân” của Graffiti, việc phát hiện và ngăn chặn hành động này của các bạn trẻ là rất khó. Hầu hết các bạn trẻ đều hành động vào ban đêm, khi chủ nhà phát hiện thì chạy mất. 

Ngay cả trạm biến áp cũng chi chít những hình vẽ. Ảnh TK. 

Theo luật sư Diệp Năng Bình (Đoàn luật sư TP.Hồ Chí Minh), việc vẽ hình lên tường nhà người khác, tường công cộng do nhà nước quản lý mà chưa được sự đồng ý, cho phép là hành vi vi phạm pháp luật. Bởi vì, tường nhà, hàng rào nhà ở của người dân là tài sản thuộc sở hữu cá nhân hoặc tường công cộng là tài sản của nhà nước, do nhà nước quản lý nên cần phải xin phép khi vẽ hoặc làm bất cứ hành vi nào tác động lên đó.

Những con chữ không rõ ràng, màu sắc hỗn tạp đã tạo nên những “mật mã” kỳ quái trên các tuyến đường ở TP. Hồ Chí Minh. Ảnh TK. 

Luật sư Bình cho biết thêm, mức phạt cao nhất đối với hành vi vẽ bậy lên tường, cửa nhà người khác hay tường công cộng do nhà nước quản lý, đã từng tái phạm nhiều lần, gây thiệt hại trên hoặc dưới 2 triệu đồng sẽ bị phạt tiền từ 10-50 triệu đồng. Ngoài ra, bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 20 năm. Tùy vào tình tiết khung hình phạt và giá trị thiệt hại cho tài sản, sẽ phải chịu mức phạt khác nhau.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn