MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Nguyên Chủ tịch Nước, Đại tướng Lê Đức Anh (ảnh tư liệu chụp tại Nhà văn hóa mang tên ông).

Những mẩu chuyện của người dân quê hương về Đại tướng Lê Đức Anh

PHÚC ĐẠT LDO | 02/05/2019 21:48

Những ngày này, đi đâu trên quê hương Đại tướng Lê Đức Anh, người dân cũng tiếc thương và nhớ về ông bằng những mẩu chuyện góp nhặt qua nhiều lần gặp mặt ngắn ngủi lúc ông về thăm quê nhà xã Lộc An (huyện Phú Lộc, Thừa Thiên - Huế).

Vị Đại tướng giản dị, thân thương

Mỗi người một câu chuyện, nhưng qua hồi tưởng của người dân, Đại tướng là người sống giản dị, gần gũi với nhân dân và lúc nào cũng thắm thiết, dạt dào với quê hương, xứ sở.

Ảnh tư liệu về Đại tướng Lê Đức Anh.

Nhà văn hóa Đại tướng Lê Đức Anh ở thôn Nam (xã Lộc An)  những ngày qua đang được tu bổ để chuẩn bị đón người dân đến dâng hương tại quê hương của Đại tướng. 

Nhà văn hóa được xây dựng vào năm 2012. Nơi đây hiện đang lưu giữ nhiều tư liệu, tranh ảnh về cuộc đời sự nghiệp của nguyên Chủ tịch Nước, Đại tướng Lê Đức Anh cùng hơn 500 đầu sách để phục vụ người dân, học sinh trên địa bàn đến tham quan tìm hiểu.

Nhà văn hóa trở thành địa chỉ đọc sách của con em trong thôn xã. (Ảnh chụp trước lúc nhà văn hóa tu bổ).

Ông Lê Trung Thành (50 tuổi, người trông coi nhà văn hóa, cũng là người gọi Đại tướng Lê Đức Anh bằng chú) chia sẻ: “Mọi người ở đây ai cũng biết đến ông với đức tính giản dị, liêm khiết. Con cháu trong thôn lấy ông là tấm gương sáng để học hỏi”.

Đại tướng Lê Đức Anh và em gái Lê Thị Xoan trước mộ mẹ tại Bàn Môn, xã Lộc An vào năm 2002.

Ông Lê Chương (70 tuổi, người gọi Đại tướng Lê Đức Anh bằng bác) nhớ lại: Sau ngày đất nước thống nhất, Đại tướng cũng hay về thăm quê hơn. Lần gần đây nhất là vào năm 2014. Mỗi lần về, ông đều trò chuyện với họ hàng, không quên hỏi thăm sức khỏe những người lớn tuổi, động viên con cháu học tập, rồi đi thăm xóm làng để ôn lại những kỷ niệm ngày xưa.

Những lời dặn dò của Đại tướng Lê Đức Anh

Nhiều năm rồi, vì lý do sức khỏe nên Đại tướng không thể về thăm quê. Nhưng nhiều người thân ở quê mỗi lần ra Hà Nội đều ghé thăm ông.

Gần đây nhất vào tháng 5.2018, ông Lê Trung Thành có dịp ra Hà Nội ghé thăm Đại tướng Lê Đức Anh. Lúc này Đại tướng đang nằm điều trị tại bệnh viện, dù không nói được nhưng ông vẫn thể hiện được cảm xúc qua ánh mắt, cử chỉ.

Đại tướng Lê Đức Anh tại đảo Trường Sa lớn (quần đảo Trường Sa) ngày 7-5-1988, dịp kỷ niệm 33 năm ngày thành lập Hải quân nhân dân Việt Nam. Ảnh: ST.

“Đến bên giường bệnh, nắm chặt tay ông, tôi nói: "Cháu Lê Trung Thành ra thăm chú đây. Chú gắng giữ gìn sức khỏe để cuối năm về thăm con cháu". Dù ông chỉ gật đầu không nói được gì, nhưng qua đôi mắt ánh lên tôi biết ông vui mừng khi có người từ quê ra thăm. Cũng không ngờ, đó là lần cuối cùng tôi được gặp ông và ông cũng không thể về quê thăm con cháu thêm một lần nữa", ông Thành bồi hồi nhớ lại.

Ông Nguyễn Bùi, Bí thư Đảng ủy xã Lộc An kể: Trong một lần về thăm quê vào giữa năm 2014, Đại tướng Lê Đức Anh bất ngờ ghé UBND xã Lộc An để thăm các cán bộ đang làm việc tại đây.

Lúc đó, sức khỏe ông cũng đã yếu, đi phải có người dìu. Buổi ghé thăm của ông kéo dài vỏn vẹn 30 phút. Ông Bùi nhớ lại lời Đại tướng nhắn nhủ: “Quê hương Lộc An còn nghèo, nhân dân còn khó khăn. Vì thế, cán bộ xã phải nỗ lực trong công việc, đi đầu trong các phong trào, phải biết gần dân, lắng nghe tâm tư nguyện vọng của dân thì mới hiểu và giúp người dân được. Có như thế thì đời sống của nhân dân xã nhà mới thoát nghèo đi lên.”

Nhà Văn hóa - Thư viện Đại tướng Lê Đức Anh tại Thừa Thiên - Huế đang được tu bổ.
Cuốn sổ vàng lưu niệm tại Nhà văn hoá và thư viện Đại tướng Lê Đức Anh.

Lưu bút của lãnh đạo Đảng, Nhà nước trong sổ vàng lưu niệm tại Nhà văn hóa Đại tướng Lê Đức Anh

Nguyên Chủ tịch Nước Trần Đức Lương: Tôi rất vui mừng được dự lễ khánh thành nhà văn hóa mang tên Đại tướng Lê Đức Anh. Mong rằng nhà văn hóa sẽ khích lệ con em các thế hệ của Phú Lộc - Thừa Thiên - Huế nói riêng và cả nước nói chung, noi gương người chiến sĩ cách mạng kiên trung, vị tướng lĩnh tài ba, nhà chính trị xuất sắc của Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam trong sự nghiệp cao cả: Bảo vệ và xây dựng đất nước Việt Nam hùng cường. 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn