MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Xe dù đậu tại cây xăng Tam Bình trên QL1A (quận Thủ Đức, TPHCM) để đón khách. Ảnh: MINH QUÂN

Những ngày áp Tết tại TP.Hồ Chí Minh: Loạn xe “dù”, bến “cóc”

MINH QUÂN LDO | 07/02/2018 07:30

Thời gian qua, dù cơ quan chức năng TPHCM đã ra quân xử lý việc đón trả khách sai quy định, nhưng đến dịp cuối năm, tình trạng xe khách hoạt động theo kiểu bến “cóc”, xe “dù” lại rầm rộ.

Ra khỏi bến là bắt khách

Khoảng 2 năm nay, từ khi tuyến đường Nguyễn Thái Bình (quận 1) được Sở GTVT TPHCM cắm biển cấm dừng, cấm đỗ đối với các loại xe khách từ 12 chỗ ngồi trở lên thì doanh nghiệp T.T, có văn phòng trên đường Nguyễn Thái Bình chuyển qua dừng đỗ đón trả khách đi tuyến TPHCM - Vũng Tàu trên đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa (đoạn trước nhà số 49, 51 và 53). Điều đáng nói, đoạn đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa này có treo bảng cấm đỗ đối với tất cả các loại xe ôtô từ 6h-22h.

Trưa 5.2, tại khu vực trên, chỉ trong khoảng thời gian hơn 1 tiếng đồng hồ, có gần 15 chiếc xe loại 16 chỗ của nhà xe T.T dừng để lên khách. Anh Đặng Cao Thắng - một người dân sống tại đây - lắc đầu ngán ngẩm nói: “Bến cóc này của doanh nghiệp T.T đã hoạt động suốt 2 năm nay và diễn ra một cách công khai, với tần suất hoạt động lúc cao điểm và vào ngày cao điểm lên đến 2-3 phút một chuyến. Việc nhà xe T.T dùng vỉa hè và mặt đường khu vực đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa làm bến “cóc” kéo theo những người làm nghề xe ôm và hàng rong gây nên cảnh mất trật tự, mỹ quan đô thị và an toàn giao thông” - anh Thắng bức xúc phản ánh.

Tương tự, trên đường Điện Biên Phủ, đoạn từ cây xăng Comeco đến cầu Văn Thánh (quận Bình Thạnh), vào chiều tối mỗi ngày, nhiều xe khách vẫn bất chấp dòng phương tiện luôn có nguy cơ ùn ứ để dừng, đậu đón khách hoặc xếp dỡ hàng hóa.

Không chỉ khu trung tâm, tại khu vực cửa ngõ phía đông bắc, dọc các tuyến QL1A, QL13, xa lộ Hà Nội qua địa phận Q.9, Q.Thủ Đức, QL1A qua địa phận Dĩ An (Bình Dương), Đồng Nai... xe “dù” cũng ồ ạt hoạt động, hàng chục xe khách lạng qua, vòng lại dọc những tuyến quốc lộ, “ăn” no khách mới chịu rời đi. Điều đáng nói, không chỉ các xe “dù” mà nhiều xe có thương hiệu chạy các tỉnh miền Đông Nam Bộ, miền Trung, miền Bắc, Tây Nguyên cũng rà xe giữa đường bắt khách. Tại khu vực trên, một đội ngũ “cò” xe khách rải ra nhiều đoạn đường chèo kéo khách lên xe. Đặc biệt, tại cây xăng Tam Bình (Q.Thủ Đức) là một bến “cóc” thu nhỏ để các xe vào bên trong đón khách. Tuy nhiên khi có lực lượng kiểm tra thì các nhà xe lại viện lý do đổ xăng dầu.

Tại cửa ngõ miền Tây, dọc tuyến đường Kinh Dương Vương (Q.Bình Tân), QL1A (đoạn qua địa phận quận Bình Tân và huyện Bình Chánh), tình trạng xe “dù” náo nhiệt không kém. Khi xe rời bến xe Miền Tây, nhiều phụ xe nhô đầu ra cửa sổ chèo kéo khách lên xe, một số phụ xe còn lao ra đường “bắt” luôn khách lên xe giữa dòng xe cộ qua lại tấp nập, tạo khung cảnh hỗn loạn. Nhiều xe đậu vài chục phút trên đường bắt khách khiến khách ngồi trên xe phải chờ mệt mỏi.

Xử phạt hàng trăm trường hợp sai phạm

Theo ông Lê Hồng Việt - Phó Chánh Thanh tra giao thông Sở GTVT thành phố - từ đầu tháng 12.2017 đến nay, đơn vị đã tăng cường kiểm tra hoạt động xe khách phục vụ Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán Mậu Tuất. Các đội thanh tra thường xuyên tuần tra, xử lý các loại phương tiện xung quanh bến xe Miền Đông, bến xe Miền Tây, trước khu du lịch Suối Tiên… Đây là những địa điểm nóng liên tục diễn ra tình trạng đón, trả khách gây mất trật tự an toàn giao thông. Từ đầu tháng 12.2017 đến nay, Thanh tra Sở đã phát hiện xử lý 629 vụ vi phạm trong hoạt động vận tải hành khách với số tiền xử phạt hơn 1 tỉ đồng. Riêng địa bàn quận 1 có đến 178 vụ vi phạm, Q.Bình Thạnh là 139 vụ vi phạm.

Cũng theo ông Việt, những ngày cao điểm tết, lực lượng TTGT sẽ thường xuyên tuần tra, xử lý những phương tiện đón - trả khách trái phép hoạt động theo kiểu bến “cóc”, xe “dù” trên các tuyến quốc lộ 13, 22, QL1 (đoạn từ cầu Bình Phước - Suối Tiên), khu vực đường Điện Biên Phủ, điểm nóng bến xe Miền Đông, bến xe Miền Tây... Ở những nơi này, TTGT sẽ được bố trí 24/24h để xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Theo ông Phạm Đình Đức - Trưởng phòng Quản lý vận tải đường bộ Sở GTVT TP - hiện trên địa bàn TP có 81 điểm có hoạt động đón trả khách gồm 63 điểm đón trả khách trên đường trước trụ sở DN và 18 điểm đón trả khách trong khuôn viên, địa điểm kinh doanh. Sở GTVT TP đã chỉ đạo TTGT phối hợp với Phòng CSGT, CA các quận - huyện tăng cường kiểm tra xử lý các điểm đón, trả khách không đảm bảo an toàn giao thông trong dịp tết.

Bắt đầu tăng giá vé 60%

Từ ngày 5.2 tại bến xe Miền Đông: Đối với các tuyến từ Phú Yên trở ra các tỉnh phía Bắc bắt đầu tăng giá vé 60% (từ ngày 20.12 đến hết ngày 30.12 âm lịch). Các tuyến thuộc tỉnh Khánh Hòa, Ninh Thuận và tỉnh Đắk Lắk, Đắk Nông, Lâm Đồng tăng 60% (từ ngày 24.12 đến hết ngày 30.12 âm lịch). Tương tự, các tuyến ngắn đi Bình Dương, Đồng Nai, Bình Phước, Bình Thuận, Bà Rịa -Vũng Tàu…, giá vé cũng điều chỉnh tăng 20-60% (tùy từng thời điểm). Còn đối với bến xe Miền Tây, giá vé xe khách đi lại dịp này, các hãng xe sẽ phụ thu không quá 40% so với giá vé ngày thường. Riêng tuyến đường có cự ly trên 400km phụ thu không quá 60%.

Sân bay Tân Sơn Nhất quá tải vì người dân đón Việt kiều về quê ăn tết

Những ngày qua, khu vực ga quốc tế sân bay Tân Sơn Nhất (TPHCM) trở nên nhộn nhịp, thậm chí quá tải khi hàng ngàn người dân ở TPHCM và các tỉnh lân cận đến đón thân nhân ở nước ngoài về quê ăn tết. Trong buổi sáng 6.2, hàng loạt chuyến bay từ Australia, Mỹ, Hàn Quốc… liên tục hạ cánh đưa Việt kiều về quê ăn tết, nhiều đoàn du khách cũng đến Việt Nam nhân dịp lễ hội, nên khu vực này đông nghịt. Về giải pháp hạn chế tình trạng quá tải trong những ngày cao điểm sắp tới, lãnh đạo sân bay Tân Sơn Nhất cho biết, sân bay Tân Sơn Nhất sẽ tăng cường lực lượng an ninh, bảo vệ sân bay ở sảnh đón cũng như ở khu vực cửa ra vào ga quốc tế.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn