MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Những ngày cuối năm ở xóm sợ... Tết

Trần Trung - Nguyễn Thúy LDO | 19/01/2023 14:20

Tết Nguyên đán là dịp mà những con người đang tha phương cầu thực nơi xứ lạ luôn mong mỏi trở về, nhưng tại con ngõ nhỏ 121 Lê Thanh Nghị (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội), điều đó lại hoàn toàn trái ngược. Đối với họ, Tết lại là khoảng thời gian luôn nặng trĩu những tâm tư.

Ngổn ngang nỗi lo

Đến xóm chạy thận Lê Thanh Nghị vào những ngày cuối cùng của năm âm lịch, trong con ngõ nhỏ tĩnh lặng, thời tiết lạnh thêm phần ảm đạm. Nhiều căn phòng thậm chí không đồng hồ, không một cuốn lịch, bởi thời gian gần như là thứ họ muốn quên đi.

Trong con ngõ nhỏ tĩnh lặng, thời tiết lạnh khiến không khí Tết nơi đây thêm phần ảm đạm. Ảnh: Trần Trung

Giữa căn phòng rộng khoảng 9m2 chỉ đủ kê một chiếc giường đơn cũ kỹ và dăm ba cái ghế nhựa, bà Trần Thị Hồng (64 tuổi, huyện Xuân Trường, Nam Định) tâm sự với PV về những ngày cận Tết ở xóm chạy thận.

“Ở đây, chỉ vài người ở gần tiện xe họ mới về, còn không họ ở lại hết. Tết đến, mỗi người như một bác sĩ tự điều trị cho mình vậy, càng những người chạy lâu họ lại càng có kinh nghiệm”, bà Hồng nói.

Bao năm, Tết xa quê với bà Hồng gói gọn trong bữa cơm cùng hàng xóm chung cảnh trọ. Mỗi nhà gom góp một chút, nhà góp gạo, nhà góp rau… thế là thành Tết. 

Những bệnh nhân rời xa quê hương lên Thủ đô, chọn nơi cách bệnh viện mấy bước chân mà “tầm gửi” để thuận tiện hơn cho mỗi lần chạy thận duy trì sự sống. Ảnh: Trần Trung

Còn đối với chị Vũ Thị An Khanh (25 tuổi, Hà Nội) đã từ lâu, chị xem đây như ngôi nhà thứ hai của mình bởi bố mẹ ly hôn, chị không có nơi nương tựa.

“Tiền không có, sức khỏe lại càng không. Tết cả năm mới có một lần tưởng như ai cũng mong, nhưng với những bệnh nhân xóm thận chúng tôi, nói thật ai cũng sợ. Nghỉ Tết 4 - 5 ngày, không được chạy thận thì lượng độc tố trong người sẽ tăng cao. Nếu cấp cứu chi phí lớn”, chị Khanh nói.

Tất bật mưu sinh

Ngoài giờ đi chạy thận, những bệnh nhân nghèo trong xóm vẫn cật lực mưu sinh từ bán nước hay hay xe ôm để trang trải cuộc sống.

Anh Hà Văn Đình (39 tuổi, quê Sơn La) đã có 9 năm xa quê để chạy thận, cũng là từng đó thời gian anh làm công việc chạy xe ôm công nghệ phụ giúp gia đình trang trải tiền thuốc.

“Hôm nào khỏe, chạy được 4-5 chuyến, hôm nào yếu thì được 1-2 chuyến là phải về vì mệt. Những người gắn liền với bệnh viện như chúng tôi chỉ mong ông trời cho sức khỏe để chạy được nhiều chuyến xe thì may ra mới có tiền về quê sum vầy”, anh Đình nói.

Nhiều căn nhà trở thành điểm bán hàng để có đồng ra đồng vào trang trải sinh hoạt. Ảnh: Trần Trung

Còn bà Nguyễn Thị Xuyến (44 tuổi, quê Bắc Giang) bị suy thận 17 năm nay. Và cũng suốt chừng đó thời gian, bà mưu sinh bằng nghề bán nước dạo. 

“Bán nước dạo thì cả ngày cũng chỉ được vài chục nghìn đồng, nhưng với một người không có lương hưu như tôi thì số tiền đó gom lại cả tháng cũng có bữa rau, bữa thịt, duy trì được cuộc sống ở xóm chạy thận này”, bà Xuyến nói.

Ngày giáp Tết, những con người chỉ biết lặng nhìn nhau, họ ước muốn được sum vầy bên gia đình như bao người khác nhưng vì bệnh tật phải gác lại niềm vui. “Có nhà mà chẳng thể về, có về thì cũng chẳng ở được bao lâu. Đôi ba ngày một lần nhập viện mà tiền thì chẳng có nên khó khăn lắm”, bà Nguyễn Thị Sự (72 tuổi, quê ở Bắc Giang) chia sẻ.

Theo ông Mai Anh Tuấn (48 tuổi), chạy thận được hơn 20 năm, được bà con trong xóm ví như "tổ trưởng" nói rằng những ngày cận Tết này, xóm chạy thận cũng nhận được nhiều sự quan tâm của các mạnh thường quân, nhiều đoàn thiện nguyện đã chung tay giúp đỡ để người dân trong xóm có sự hỗ trợ phần nào về mặt vật chật và tinh thần. Ông Tuấn chia sẻ đây là những động lực lớn để giúp những người chạy thận có thêm niềm tin, có động lực chiến đấu với bệnh tật và sống tốt hơn nữa. 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn