MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Những người làm nón lá ở làng Quảng Nạp Thái Bình dù tuổi đã cao, nhưng vẫn ngày ngày miệt mài giữ nghề truyền thống. Ảnh MD

Những nghệ nhân U70 Thái Bình giữ hồn quê qua từng chiếc nón

Mai Dung LDO | 14/02/2021 15:30
Làng Quảng Nạp (Thụy Trình, Thái Thụy, Thái Bình) nổi tiếng với nghề làm nón lá. Mặc dù đến nay, những người thợ trong làng tuổi đã cao, song, họ vẫn hằng ngày miệt mài, lưu giữ nghề truyền thống, cho ra đời những chiếc nón lá – một trong những biểu tượng của người phụ nữ Việt.
Ở thôn Đông Quảng Nạp (Thụy Trình, Thái Thụy, Thái Bình), bà Nguyễn Thị Dung là một trong những người làm nón lâu năm. Bà Dung kể lại, nghề làm nón có từ thời ông, cha. Vậy nên, từ khi mới lên 8 tuổi, bà Dung đã biết đan nón. Đến nay, ở tuổi gần 70, bà Dung vẫn hằng ngày miệt mài với nghề. Ảnh MD
Nguyên liệu để tạo ra những chiếc nón là lá lụi, lá nón, mo nang mỏng (mo tre), nan tre, sợi cước, chỉ khâu và khung nón.
Sau khi có đầy đủ nguyên liệu, những người thợ bắt tay vào các công đoạn làm nón từ vấn vanh (vòng cái của nón), sau đó uốn vòng con đặt vào khung nón. Tiếp theo, người thợ đặt từng chiếc lá nón đã được làm phẳng rồi xếp lên khuôn làm hai lớp lá trong và ngoài, giữa hai lớp lá là một lớp mo nang mỏng và buộc lại cho chắc chắn trên khung nón.
Sau khi lớp lá nón trắng ngần được cố định trên khung, người thợ hoàn thiện sản phẩm với 2 công đoạn là khâu nón và đan vành. Theo bà Dung, công đoạn này đòi hỏi sự tỉ mẩn, khéo léo để các lỗ khâu thật nhỏ, khít, nón càng chắc chắn và đẹp hơn. Ảnh MD
Với nhiều công đoạn đòi hỏi sự tỉ mỉ, khéo léo của người thợ, mỗi ngày, bà Dung chỉ làm được 1 chiếc nón cao cấp với giá 70.000-80.000 đồng, trừ mọi chi phí, mỗi chiếc nón, bà Dung được khoảng 50.000 đồng tiền công. Ảnh MD
Nghề làm nón mang lại thu nhập thấp nên đến nay, làng Quảng Nạp chỉ còn số ít hộ theo nghề. Bà Đoàn Thị Hoạt - Chi hội Phụ nữ thôn Đông Quảng Nạp (Thái Trình, Thái Thụy) cho biết, cả thôn chỉ có chưa đến 10 hộ còn làm nón và làm với số lượng ít. Những người làm nón phần lớn là tuổi đã cao, trên dưới 60 tuổi, ngày ngày cần mẫn với nghề truyền thống. Ảnh MD
Với tâm huyết của người dân Quảng Nạp với nghề truyền thống, những chiếc nón lá "made in Quảng Nạp" vẫn hằng ngày được chuyển đến tay khách hàng từ nhiều tỉnh, thành trên cả nước như Hà Nội, Quảng Ninh, Hải Phòng... Không chỉ nâng cao thu nhập, những người thợ U70 cần mẫn bám trụ với nghề như một cách lưu giữ nét đẹp quê hương, "giữ hồn" cho nón lá - biểu tượng của người phụ nữ Việt. Ảnh MD

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn