MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Những ngọn lửa ở chốt kiếm soát dịch đường biên

Quách Du LDO | 16/04/2020 14:51
Trực 24/24 giờ tại các chốt kiểm soát dịch bệnh COVID-19 ở khu vực biên giới, các cán bộ chiến sĩ Đồn Biên phòng Yên Khương, huyện Lang Chánh (Thanh Hóa) đã đốt củi lấy than, sưởi ấm mỗi lúc đêm xuống.

Bám chốt xuyên đêm lạnh

Theo đó, gần 1 tháng nay, sau khi tiến hành lập chốt, dựng lán trại tại các khu vực đường biên giới (nơi tiếp giáp giữa tỉnh Thanh Hóa và nước bạn Lào), các cán bộ chiến sĩ Đồn Biên phòng Yên Khương (huyện Lang Chánh) đã bám chốt, túc trực 24/24 để kiểm soát người và phương tiện ra vào tại địa bàn, nhằm phòng chống dịch bệnh COVID-19.

Chiến sĩ Đồn Biên phòng Yên Khương (huyện Lang Chánh, Thanh Hóa) đốt củi lấy than để sưởi ấm mỗi đêm. Ảnh: Quách Du 

Thiếu tá Trần Văn Duyên, Chốt trưởng chốt phòng chống dịch COVID-19 (mốc giới 350 biên giới Việt Lào) cho biết, thực hiện Chỉ thị 16 của Chính phủ và Chỉ thị 260 của Thường vụ Quân ủy Trung ương, đã gần 1 tháng nay, tất cả các cán bộ chiến sĩ của đồn đều túc trực, bám chốt ngày đêm, kiểm soát các khu vực đường mòn lối mở.

“Tại những chốt kiểm soát, chúng tôi lập nên các lán trại dã chiến và chia làm 3 ca/ngày (sáng, chiều và đêm) để túc trực. Mọi sinh hoạt ăn uống, nghỉ ngơi đều diễn ra tại đây” – Thiếu tá Duyên nói.

Thiếu tá Trần Văn Duyên kể về công tác kiểm soát, phòng chống dịch COVID-19 tại khu vực đường biên giới Việt - Lào. Ảnh: Quách Du 

Thiếu tá Duyên cho biết thêm, do địa điểm lập các chốt nằm tại khu vực đường biên giới và trên các đỉnh núi nên mọi hoạt động từ việc ăn uống, đi lại cho đến các sinh hoạt cá nhân đều có phần khó khăn. Đặc biệt, vào mỗi lúc đêm xuống, thời tiết tại đây rất lạnh. Để khắc phục, các cán bộ chiến sĩ của đồn phải đốt củi, lấy than đưa vào trong lán trại để sưởi ấm.

Đại úy Đặng Thế Tuấn (thuộc Đồn Biên phòng Yên Khương, trực tại cột mốc 348) cho biết, đã hơn 1 tháng nay, anh cùng 65 cán bộ tại đồn không về thăm gia đình mà ở lại để trực chốt. Đều đặn mỗi ngày, tất cả đều chia ca để trực tại các chốt, thực hiện các biện pháp y tế, khai báo đối với những trường hợp ra vào địa bàn.

Thực hiện việc kiểm tra thân nhiệt đối với những người ra vào địa bàn. Ảnh: Quách Du 

“Khó khăn nhất là mỗi lúc đêm xuống, thời tiết tại khu vực này thường mưa phùn ẩm và lạnh giá, khiến cho việc di chuyển tại đây rất khó khăn. Tuy nhiên, không phải vì thế mà khiến chúng tôi chùn bước, tất cả vẫn đang trực bất kể ngày đêm, tại những tuyến đường biên giới (khu vực đơn vị quản lý) để phòng, chống dịch bệnh” – Đại úy Tuấn chia sẻ.

"Dịch tan anh sẽ về"

Thượng tá Lê Duy Hùng – Chính trị viên Đồn Biên phòng Yên Khương (Lang Chánh, Thanh Hóa) cho biết, thực hiện Chỉ thị của Thủ tướng Chính Phủ, của Thường vụ Quân ủy Trung ương và kế hoạch của Bộ Chỉ hủy Bộ đội Biên phòng tỉnh Thanh Hóa về phòng, chống dịch bệnh COVID-19, toàn bộ đơn vị đã huy động 100% con số để chống dịch.

Lán trại dã chiến được dựng lên tại chốt kiểm soát dịch bệnh ở khu vực biên giới. Ảnh: Quách Du 

Cụ thể đơn vị đã thành lập 6 chốt và 1 tổ cơ động, để kiểm soát 7km đường biên giới (nơi giáp ranh giữa huyện Lang Chánh, Thanh Hóa và huyện Sầm Tớ, tỉnh Hủa Phăn, Lào).

“Tại các chốt này, luôn có 6 chiến sĩ và một cán bộ y tế của địa phương, túc trực 24/24 để kiểm soát và thực hiện các biện pháp y tế theo quy định. Tại những chốt này, do địa hình biên giới hiểm trở cùng với thời tiết khắc nghiệt, nên mọi sinh hoạt tại chỗ của các chiến sĩ có phần khó khăn” – Thượng tá Hùng nói.

Các chiến sĩ nấu nước, phục vụ sinh hoạt tại chốt kiểm soát dịch bệnh. Ảnh: Quách Du 

Theo Thượng tá Hùng, mặc dù trải qua nhiều khó khăn tại các chốt kiểm soát, tuy nhiên, với trách nhiệm và nhiệm vụ được giao, các chiến sĩ thuộc Đồn Biên phòng Yên Khương đang từng bước khắc phục, thực hiện tốt công việc chống dịch tại đây. Thậm chí vừa qua, nhiều chiến sĩ tại đồn có việc gia đình quan trọng, nhưng vẫn gác lại với phương châm “Dịch tan anh sẽ về”.

“Đơn cử như trường hợp của Trung úy Nguyễn Xuân Tài – Đôi trưởng tham mưu hành chính của đơn vị, vừa qua có vợ sinh con đầu lòng, tuy nhiên, thay vì xin phép đơn vị về thăm con 1 hoặc 2 ngày, đồng chí Tài vẫn ở lại, cùng các cán bộ chiến sĩ của đồn thực hiện công tác phòng chống dịch bệnh, bảo vệ chủ quyền khu vực biên giới” – Thượng tá Hùng chia sẻ. 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn