MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Hố tử thần hình thành sau khai thác mỏ đá ở thôn Trán Voi, xã Phú Mãn, huyện Quốc Oai. Ảnh: Hải Đăng

Những ngọn núi "tật nguyền" ở Quốc Oai, Hà Nội

Nhóm phóng viên LDO | 11/12/2023 15:55

Xã Phú Mãn, huyện Quốc Oai (Hà Nội) vốn được bao bọc bởi những ngọn núi bạt ngàn. Thế nhưng, nhiều ngọn núi giờ đây mang trên mình đầy những vết thương do mìn nổ để khai thác đá.

This browser does not support the video element.

Khoáng sản ra đi, hố tử thần ở lại

Cách đây chừng 8 năm, chúng tôi có dịp về thôn Trán Voi, xã Phú Mãn, huyện Quốc Oai, thành phố Hà Nội, ghi nhận bức xúc của người dân khi hàng ngày đối diện với tình trạng đá văng từ mỏ đá III mỗi lần nổ mìn.

Trở lại Phú Mãn những ngày này, chúng tôi không còn phải chứng kiến cảnh đinh tai nhức óc nhưng người dân ở đây vẫn chưa hết lo bởi công ty khai thác xong mà "quên" hoàn thổ.

Đường lên mỏ đá đã được xây dựng mới, thế nhưng đó chỉ là vẻ bề ngoài. Đi sâu vào mỏ đá, những ngọn núi nham nhở không còn vẹn nguyên sau những trận nổ mìn. Người dân nơi đây chua chát gọi là "những ngọn núi bị tật nguyền". Cây cối mọc chênh vênh, bấu víu vào từng thớ đất, tảng đá không biết sẽ rơi xuống lúc nào.

Tại khu vực mỏ đá khai thác, hình thành một hồ nước nhân tạo, người dân địa phương gọi là "hố tử thần". Bởi hồ nước sâu không nhìn thấy đáy, lại nằm ở độ dốc có thể xảy ra lũ lụt bất cứ lúc nào cho các thôn làng nằm phía dưới.

Xung quanh "hố tử thần", chính quyền đã phải lắp biển cảnh báo “hồ sâu cấm tắm”. Thế nhưng chính biển cảnh báo ấy cũng không đứng vững, đổ gục ngay trước hồ nước sâu.

Phía trong mỏ đá, dù không còn hoạt động nhưng hệ thống máy nghiền, băng tải, máy vận chuyển vẫn bị vứt bỏ lại. Nhiều máy móc đã hoen gỉ, đứt gãy và nằm chỏng chơ giữa núi đồi tan hoang.

Ông Bạch Công Mưu - một người dân sống gần mỏ đá thôn Trán Voi, xã Phú Mãn - chia sẻ, bản thân ông rất lo lắng với hố tử thần. Nhiều trẻ em trong xóm thỉnh thoảng chơi và tắm ở hồ nước rất nguy hiểm. Ông mong các đơn vị đã khai thác xong khoáng sản thì lấp đất lại để đảm bảo an toàn cho người dân.

Ông Mưu cũng đề nghị đơn vị đã khai thác xong nên sớm trả lại đất cho người dân để họ có thể canh tác bởi đất đai để lâu không sử dụng rất lãng phí. Hiện nay, tại khu vực này xuất hiện hiện tượng chở đá vào gây ô nhiễm môi trường.

Hết hạn khai thác từ lâu nhưng vẫn rào đất

Rời mỏ đá thôn Phú Mãn, theo sự chỉ dẫn của người dân, chúng tôi đến mỏ đá Bình Minh (Công ty TNHH Bình Minh) thuộc địa phận thôn Đồng Âm, xã Đông Xuân, huyện Quốc Oai.

Dù mỏ đá này đã hết hạn gần 10 năm nhưng đường vào mỏ đá vẫn có barie ngăn lại. Từ bên ngoài nhìn vào, những ngọn núi nham nhở, đất đai, cây cối khô cằn.

Đi chừng 300m đường đất, chúng tôi tới cổng mỏ đá. Nơi đây bị khóa trái và có bảo vệ trông coi. Người bảo vệ ở đây cho biết, ông được Công ty TNHH Bình Minh thuê trông coi nhiều năm nay. Theo lời giải thích của người này, dù công ty dừng khai thác nhưng vẫn giữ đất.

Trong khu vực này, công ty còn thuê thêm một người bảo vệ nữa canh gác. Khu vực đó “bí ẩn” và khó vào. Bởi nơi đây vốn là kho mìn của công ty khi khai thác mỏ đá.

Trao đổi với phóng viên Báo Lao Động, ông Bùi Văn Sáu - Bí thư Chi bộ thôn Đồng Âm, xã Đồng Xuân cho biết, mỏ đá của Công ty Bình Minh không còn hoạt động từ rất lâu. Thế nhưng công ty này chưa rút hoàn toàn mà vẫn thuê người trông giữ.

“Chúng tôi mong muốn, công ty không hoạt động nữa thì hãy trả lại bãi đất cho người dân làm khu chăn thả gia súc", ông Bùi Văn Sáu bày tỏ.

Dưới đây là một số hình ảnh phóng viên ghi nhận tại khu vực mỏ đá III:

Hình ảnh ghi nhận tại mỏ đá Bình Minh, thôn Đồng Âm, xã Đồng Xuân:

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn