MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Lực lượng kiểm lâm thường xuyên kiểm tra mực nước tại rừng U Minh Hạ, Cà Mau. Ảnh: Nhật Hồ

Những người bảo vệ rừng xuyên Tết

NHẬT HỒ LDO | 12/02/2024 06:38

Hầu hết diện tích rừng tại Cà Mau đều báo động cháy cao. Tết là thời điểm mọi người vui chơi, sum họp cùng gia đình, bạn bè. Tại những cánh rừng mênh mông, vẫn có những người ngày đêm canh lửa để cho rừng mãi xanh.

Vui Tết, nhưng không chủ quan với lửa

Anh Mai Quốc Sự, ở Ấp 16, xã Nguyễn Phích, huyện U Minh, tỉnh Cà Mau cho biết: “Gia đình tôi có 7ha đất rừng, chủ yếu trồng tràm. Do có được giá trị kinh tế từ việc trồng tràm nên tôi luôn ý thức được tầm quan trọng của việc bảo vệ rừng. Hiện nay, phần lớn diện tích đất rừng của gia đình đều được kê liếp để trồng tràm nên cũng góp phần hạn chế các vụ cháy. Hàng năm, tôi đều phối hợp với chính quyền địa phương cam kết giữ rừng không để xảy ra cháy. Tôi cảm thấy trước tình hình thời tiết bất thường như hiện nay, việc bảo vệ rừng phải được duy trì thực hiện thường xuyên và mỗi người dân mình phải có ý thức, nhất là trong dịp Tết Nguyên đán sắp đến, không nên lơ là, chủ quan trong việc giữ rừng mà để xảy ra những vụ cháy”.

Kiểm tra công tác phòng chống cháy rừng tại hộ dân ở huyện U Minh, tỉnh Cà Mau. Ảnh: Nhật Hồ

Trên địa bàn huyện U Minh có 18 đơn vị chủ rừng, đến thời điểm này đã có 17 đơn vị xây dựng phương án phòng cháy, chữa cháy rừng (PCCCR) trước, trong và sau Tết Nguyên đán. 51 tổ, đội PCCCR, 12 tổ hậu cần và 47 tổ xung kích tuần tra bảo vệ rừng đã sẵn sàng. Nhiệm vụ của các tổ, đội là trực chòi canh lửa và tuần tra rừng 24/24 để phát hiện kịp thời cũng như xử lý hiệu quả nếu có tình huống cháy xảy ra. Bên cạnh việc triển khai xây dựng phương án PCCCR của các chủ rừng, còn có sự chung tay phối hợp của các địa phương trên địa bàn huyện và khoảng 580 hộ gia đình, cá nhân sẵn sàng tham gia ứng phó khi có cháy rừng xảy ra.

Huyện U Minh, tỉnh Cà Mau có hơn 43.500ha đất lâm nghiệp, trong đó, có gần 32.000ha đất rừng (đất rừng tự nhiên chiếm hơn 930ha, còn lại là đất rừng trồng). Hàng năm, khi mùa khô đến trên bề mặt đất rừng thường bị khô hạn, nguy cơ cháy rừng là rất cao. Chính vì vậy, để hạn chế thấp nhất nguy cơ cháy rừng xảy ra, các chủ rừng và các hộ gia đình, cá nhân có đất rừng luôn chủ động phối hợp với địa phương và cơ quan chuyên môn xây dựng, triển khai thực hiện tốt phương án PCCCR. Bên cạnh đó, thành lập các tổ tuần tra, bảo vệ rừng và bố trí lực lượng sẵn sàng ứng phó khi có tình huống cháy rừng xảy ra.

Mùa khô diễn biến phức tạp, chủ động công tác phòng chống cháy rừng

Theo dự báo của Trung tâm khí tượng thủy văn quốc gia, mùa khô năm 2023 - 2024 khu vực Nam Bộ xuất hiện hiện tượng El Nino và sẽ duy trì từ nay đến khoảng tháng 4/2024; lượng mưa trong năm 2024 có xu hướng thấp hơn những năm trước. Trước tình hình dự báo thời tiết diễn biến khá phức tạp, nắng nóng, khô hanh xuất hiện tiềm ẩn nguy cơ cháy rừng xảy ra rất cao. Đặc biệt là để đảm bảo không để xảy ra cháy rừng trước, trong và sau Tết, lực lượng kiểm lâm địa phương đã tiến hành khảo sát thực địa ở những nơi có nguy cơ xảy ra cháy nhằm đưa ra phương án bảo vệ rừng hiệu quả nhất.

Thường xuyên luyện tập, diễn tập công tác phòng cháy rừng tại tỉnh Cà Mau. Ảnh: Nhật Hồ

Anh Nguyễn Thanh Phong, Hạt phó Hạt Kiểm lâm huyện U Minh, cho biết: “Để đảm bảo cho công tác PCCCR, nhất là vào thời điểm trước, trong và sau Tết, chúng tôi đã tham mưu UBND huyện ban hành kế hoạch và đang nỗ lực triển khai thực hiện. Chúng tôi sẵn sàng chủ động ứng phó theo phương án “4 tại chỗ” (lực lượng, phương tiện, hậu cần và chỉ huy tại chỗ) về công tác PCCCR. Bên cạnh đó, chúng tôi đã tăng cường phối hợp với các chủ rừng và chính quyền địa phương đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao ý thức của người dân, vận động các hộ dân ký cam kết thực hiện các quy định an toàn về PCCCR. Đồng thời, kiểm tra các trang thiết bị để sẵn sàng ứng phó khi có tình huống cháy. Nhìn chung, công tác PCCCR trước, trong và sau Tết của chúng tôi được triển khai đảm bảo theo kế hoạch đề ra”.

Để chủ động thực hiện tốt các biện pháp bảo vệ rừng và PCCCR trước, trong và sau Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, vừa qua, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Cà Mau đã có công văn đề nghị các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương, các chủ rừng thường xuyên tuần tra, kiểm tra tại các khu rừng trọng điểm, các khu vực rừng có nguy cơ cháy cao nhằm phát hiện kịp thời và xử lý nghiêm minh các hành vi vi phạm về công tác quản lý bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng theo quy định. Bên cạnh đó, tổ chức trực ban, phân công lực lượng ứng trực 24/24 giờ trong thời kỳ cao điểm có nguy cơ cháy rừng cao tại các trạm, chốt; tăng cường tuần tra canh gác ở những khu vực trọng điểm dễ xảy ra cháy rừng, kiểm soát chặt chẽ người ra vào những khu vực rừng có nguy cơ cháy rừng cao; kịp thời phát hiện điểm cháy, huy động lực lượng tham gia khống chế và dập tắt cháy rừng trong thời gian ngắn nhất, không để xảy ra cháy lan, cháy lớn; thực hiện nghiêm phương châm “bốn tại chỗ” khi xảy ra các vụ cháy rừng; báo cáo kịp thời, đầy đủ, chính xác tình hình phòng cháy, chữa cháy rừng về ban chỉ đạo huyện, tỉnh để kịp thời chỉ đạo, điều hành có hiệu quả.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn