MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Tàu điện Cát Linh - Hà Đông thu hút khách. Ảnh: Hoàng Nam

Những người chuộng phương tiện giao thông công cộng xanh

Thanh Vân - Hoàng Nam LDO | 19/01/2024 08:43

Người dân thành phố đang ngày càng chuộng các phương tiện giao thông sử dụng nhiên liệu thân thiện với môi trường, giảm khí thải.

Những "cây xanh" di động

Bước sang tuổi 65, ông Nguyễn Xuân Mạnh (Kim Mã, Hà Nội) không còn tự tin khi tham gia giao thông bằng phương tiện cá nhân. Mắt kém dần theo thời gian nên ông Mạnh đã chuyển sang sử dụng phương tiện giao thông công cộng từ nhiều năm nay.

Có một cửa hàng kinh doanh tại quận Hà Đông, cách nhà 13km, nên mỗi ngày ông Mạnh đều di chuyển bằng tàu điện Cát Linh - Hà Đông. Nếu như 2 năm trước, ngày ngày ông Mạnh phải mất hơn 1 tiếng đồng hồ để đánh vật với giao thông trên tuyến đường về nhà ở Hà Đông thì nay ông chỉ mất 15 phút di chuyển bằng tàu điện. Đối với ông Mạnh việc giảm được thời gian di chuyển có ý nghĩa rất lớn.

"Mỗi sáng tôi đi bộ từ nhà ra ga Cát Linh khoảng 4-5 phút coi như tập thể dục. Ga cũng có thang máy cho người cao tuổi nên tôi không phải cực khổ leo cầu thang. Thời gian đợi tàu cũng không đáng kể, chỉ mất 15 phút để tối đến ga Hà Đông" - ông Mạnh cho biết.

Cũng ưa thích tàu điện như ông Mạnh, bạn trẻ Lê Phương Linh (Long Biên, Hà Nội) là sinh viên năm nhất Trường Đại học Đại Nam cũng "nghiện" đi tàu điện. Thậm chí, mọi phương tiện Linh di chuyển từ nhà đến trường đều là các phương tiện giao thông sử dụng nhiên liệu thân thiện với môi trường.

“Nhà mình cách trường 20km. Thời gian đầu mình di chuyển bằng xe máy nhưng khá vất vả. Trong một lần tìm hiểu hành trình di chuyển bằng phương tiện giao thông công cộng, mình phát hiện việc đi xe buýt và tàu điện rất hợp lý. Hợp lý cả giá tiền và công sức" - Linh chia sẻ.

Lý giải rõ hơn, Linh nêu mức giá đi tàu điện 1 chiều chỉ khoảng 13 - 15 nghìn đồng/lượt mà di chuyển rất nhanh, tránh được mưa nắng. Xe buýt điện rộng rãi, đi êm và nhanh nên đến giờ cô nàng vẫn nghiện "hành trình xanh" này của mình.

Cùng quan điểm, bạn Lê Việt Dũng - sinh viên năm 2 trường Đại học Hà Nội cho biết, nếu như trước đây mỗi tháng Dũng đều mất 300.000 - 400.000 đồng tiền xăng xe máy, thì nay mỗi tháng bạn chỉ mất 100.000 đồng cho vé tháng đi tàu điện.

Cú hích để hành trình xanh hóa tăng tốc

Trong hành trình thực hiện mục tiêu xanh hóa giao thông tại các thành phố lớn như Hà Nội, TPHCM, nhiều mảnh ghép "xanh" đang được triển khai thực hiện như mô hình xe đạp công cộng, các tuyến xe buýt điện, tàu điện,...

Là đơn vị đầu tiên đưa vào vận hành các tuyến xe buýt điện, Công ty TNHH Dịch vụ vận tải sinh thái Vinbus từng nhận nhiều ý kiến nghi ngại. Tuy nhiên sau thời gian ngắn triển khai xe buýt điện được người dân đón nhận với nhiều ý kiến tích cực. Từ người sử dụng xe buýt điện cho tới người đi đường đều cảm nhận được việc giảm ô nhiễm môi trường.

Trao đổi với Lao Động, Tổng Giám đốc Vinbus Nguyễn Công Nhật chia sẻ: “Theo ước tính, một lít dầu diesel thải ra 2,32kg CO2. Với một xe buýt dùng nhiên liệu này chạy khoảng 250 - 300km/ngày sẽ thải ra khoảng 6 tấn CO2/tháng. Nếu quy đổi lượng CO2 mà một cây xanh hấp thụ trong một năm, thì việc chuyển đổi một xe buýt sang sử dụng điện tương đương với trồng 3.000 cây xanh. Đây là con số rất giá trị".

Tuy nhiên, việc nhân rộng các xe buýt điện với số lượng lớn vẫn còn gặp thách thức. Vấn đề lớn nhất là nguồn vốn đầu tư và cơ chế hoạt động. Bởi theo tính toán, suất đầu tư của một xe buýt điện gấp 3,2 đến 4 lần so với một xe buýt chạy dầu diesel.

Ông Nguyễn Công Nhật cho rằng, để “xanh hóa” mạng lưới phương tiện công cộng, đòi hỏi chính sách phải phù hợp với tất cả các doanh nghiệp tham gia. Do đó, rất cần những “cú hích” hỗ trợ từ nhà nước, có cơ chế trợ giá trực tiếp cho những đơn vị, doanh nghiệp và con người, tạo ra giá trị cho mục tiêu giảm phát thải.

Nhiều đơn vị vận tải, giao nhận hàng hóa đưa xe điện vào hoạt động

Lợi ích kép về kinh tế và môi trường của xe điện đang kích hoạt một làn sóng chuyển đổi xanh mạnh mẽ trong giao thông tại Việt Nam. Năm 2021, lĩnh vực vận tải công cộng chứng kiến bước ngoặt mới với việc đi vào hoạt động của tuyến xe buýt điện đầu tiên của VinBus. Đến nay, buýt điện đã mở rộng hoạt động tại Hà Nội, TPHCM và Phú Quốc, trở thành biểu tượng giao thông xanh văn minh, hiện đại. Ở mảng dịch vụ taxi, bên cạnh hãng xe thuần điện đầu tiên GSM của tỉ phú Phạm Nhật Vượng, nhiều doanh nghiệp như Lado, Én Vàng, ASV Airport Taxi... đã nhanh chóng bổ sung xe điện vào đội hình hoạt động, đáp ứng nhu cầu di chuyển của đông đảo “tín đồ” sống xanh. Ngoài ra, từ năm 2022 đến nay, thị trường Việt Nam còn chứng kiến một trào lưu mới khi các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực vận tải và giao nhận hàng hóa, như Ahamove, Lazada Logistic, Gojek… đồng loạt chuyển hướng từ xe xăng sang sử dụng xe điện, nhận được sự hưởng ứng của đông đảo người dùng.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn