MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Cô giáo Loan đang hướng dẫn các học sinh chơi trò chơi. Ảnh: Trần Hiền.

Những người mẹ đặc biệt của trẻ thiểu năng, tự kỷ

Long Nguyễn - Trần Hiền LDO | 20/10/2018 06:54
Từ lâu, Trung tâm Phúc Tuệ đã trở thành ngôi nhà thứ 2 của nhiều phận đời bất hạnh - những trẻ nhỏ bị thiểu năng, tự kỷ. Những người phụ nữ nơi đây đã dành hết thanh xuân của mình mang lại nụ cười và vòng tay ấm cho những đứa con “đặc biệt”.

Yêu thương trẻ vô bờ bến

Trung tâm Phúc Tuệ 2 nằm ngay đầu khu phố Thạch Cầu, cách trung tâm Hà Nội hơn 20km về hướng Long Biên. Ngay từ ngoài cánh cổng mỏng manh, đã nghe vọng lại những tiếng ú ớ vu vơ của đám trẻ.

Theo chân cô giáo Vũ Thị Loan bước vào phòng học khoảng 40m2, đập vào mắt tôi, là những ánh mắt ngây dại, có em nhìn vào khoảng không xa xăm, có em nhìn tôi ngây ngô cười, lại có em chìm sâu vào giấc ngủ ngon lành… Cô Loan bảo, đây là những lúc các em “hiền lành” nhất!

Tại cơ sở ở số 3 Thạch Cầu, Trung tâm Phúc Tuệ có gần 20 em học tập và lưu trú hằng ngày, chủ yếu trong tình trạng bệnh rất nặng. Hình thức dạy của trung tâm được phân bổ như sau: Dạy học chữ, vi tính, âm nhạc, thủ công; trị liệu về tâm lý cho hoạt động tập thể, trị liệu cá nhân, mát-xa phục hồi sức khỏe; chữa bệnh theo đơn thuốc của bác sĩ và dạy nghề hướng nghiệp.

Các em đến đây học tùy theo khả năng tiếp thu, chứ không phân theo độ tuổi. Ở cơ sở này, các em có độ tuổi từ 7 - 23 tuổi, nhưng nhận thức đều rất ngây dại.

Cô giáo Loan là một trong 3 giáo viên gắn bó với trung tâm từ những ngày đầu mới thành lập. Cô tâm sự: “Có nhiều trường hợp đã theo học tại trung tâm từ khi còn rất nhỏ. Nhiều em đến đây, chúng tôi rất khó tiếp xúc.

Các bé thường không biết nói, chậm giao tiếp, luôn sống khép mình và rất khó khăn trong học tập. Có em còn không biết tự xúc cơm ăn hay tự đi vệ sinh.

Chúng tôi phục vụ từ A tới Z, phải bắt đầu dạy các em từ những động tác nhỏ nhất, đơn giản như động tác chỉ tay, liếm môi cũng phải mất hàng tháng. Cô gọi mà trò nghe được cũng là cả một quá trình không đơn giản…”.

Ban đầu cô Loan chỉ là người phụ trách kế toán tại trung tâm, nhưng vì tiếp xúc nhiều với các em, cô dần có tình cảm. Sau đó cô đi học thêm nhiều khóa nghiệp vụ dạy, chăm sóc trẻ thiểu năng trí tuệ và tự kỷ. Cô có 18 năm gắn bó, làm việc tại Phúc Tuệ. Hiện tại, chồng của cô cũng làm việc tại đây.

“Nhiều học trò lớn tuổi và rất khỏe. Những lúc này thì các em rất hiền lành, nhưng khi phát bệnh, sức của phụ nữ chúng tôi không khống chế được. Vì vậy cần có thêm cả đàn ông để phụ giúp. Nhiều lần đưa đón tôi sau giờ làm việc, chồng tôi cũng có tình thương với các em. Vì vậy, cả hai quyết định cùng nhau làm việc ở đây” - cô Loan kể.

Chứng kiến các cô giáo của trung tâm dạy các em từng câu nói, từng hành vi, mới có thể hiểu rằng, phải yêu nghề cùng với tình yêu thương vô bờ bến đối với trò của mình, các cô mới có thể gắn bó lâu dài với nghề đến vậy. 

Thu nhập khiêm tốn

Là giáo viên phụ trách chuyên môn dạy nghề thủ công cho trẻ ở trung tâm, cô Nguyễn Thị Điệp cho biết: “Ở đây chúng tôi có 4 giáo viên, phụ trách 20 cháu, nhiều khi cô bị trò quay như chong chóng. Có lúc, cô nói khản cả cổ mà trò vẫn… tỉnh bơ.

Dạy các em phải thật nhẫn nại, kiên trì vì phản ứng của chúng thường rất chậm. Nhiều khi ép quá, các em lại sửng cồ, tát bôm bốp vào mặt giáo viên.

Có những em còn đuổi đánh chúng tôi chạy quanh lớp. Nhưng chúng tôi đều hiểu đó là bệnh của các em nên chỉ thấy xót xa. Nhiều lúc buồn bực, áp lực cũng muốn đổi nghề, song đêm về lại nghĩ các em cần mình, thế là mai đến lớp lại vui vẻ”.

Chỉ tay về một cậu học trò trắng trẻo, nhỏ nhắn nhất lớp, cô Điệp kể: “Đó là Bi. Ngày đầu tới đây, Bi chỉ ngồi một góc, không tiếp xúc với ai. Khi ấy nhìn Bi rất là thương, tôi thường vỗ về em. Dần dà, Bi quen với tôi, thường sà vào lòng, đòi tôi xoa đầu.

Hay kia là Huyền, chúng tôi thường gọi em là “hoa hậu của lớp”, vì cả lớp có mình em là con gái. Huyền năm nay 22 tuổi, éo le một chỗ, anh trai em cũng bị như vậy. Em theo học tại đây từ khi còn bé tí. Cô bé rất ngoan, rất thích tôi mở nhạc cho nghe và múa theo”.

Cô Nguyễn Thị Hà - giáo viên phụ trách chuyên môn cho tổ chuyên môn dạy trẻ tự kỷ tại trung tâm - cho biết: “Làm việc ở đây không có sức khỏe và thần kinh không vững thì các cô cũng dễ phát cáu với trò. Nhưng như thế vẫn chưa đủ, tất cả các giáo viên ở đây phải thường xuyên tham gia các lớp tập huấn ngoại khóa do các chuyên gia tâm lý hướng dẫn để nâng cao chuyên môn ”. 

Vất vả là vậy nhưng thu nhập của các cô giáo tại đây rất khiêm tốn. Bà Vũ Thị Minh Hương - Giám đốc Trung tâm - cho biết Trung tâm Phúc Tuệ thu kinh phí dạy học chỉ bằng 1/3 những trung tâm khác. Nếu thu quá cao, các gia đình có hoàn cảnh khó khăn sẽ không thể theo được.

Thậm chí có gia đình có 2 em mắc bệnh thì trung tâm giảm học phí hoặc chỉ thu 1 em. Số tiền thu được của học sinh dùng để trả lương cho giáo viên và đóng bảo hiểm xã hội cho các cô. Tại đây, lương giáo viên của người có thâm niên nhất khi đã đóng bảo hiểm chỉ được hơn 4 triệu đồng/tháng, người mới làm được hơn 2,5 triệu đồng/tháng... 

Thành lập từ năm 2001, đến nay, Trung tâm Phúc Tuệ đã mở rộng thành 2 cơ sở. Cơ sở một tại 66 phố Phó Đức Chính với hơn 40 em được học hằng ngày, cơ sở hai được thành lập cách đây hơn 4 năm có gần 20 em ở số 3 Thạch Cầu (quận Long Biên). Học phí của mỗi em ở trung tâm chưa đến 1.000.000 đồng/tháng. Trung tâm có tên Phúc Tuệ, nghĩa là tràn đầy niềm vui, niềm hạnh phúc về trí tuệ chứ không phải tiền tài.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn