MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Chiếc ghe chèo được nhiều người chọn là phương tiện qua sông ở Thạnh Phú (Mỹ Xuyên, Sóc Trăng). Ảnh: Phương Anh

Những người nặng nợ với tiếng gọi “Đò ơi”

PHƯƠNG ANH LDO | 10/09/2023 14:06

Mặc cho đường xá, xe cộ nhộn nhịp thì những người chèo đò vẫn ngày ngày tay chèo đón khách. Với họ, chỉ đơn giản còn người chọn ghe chèo thì họ còn có nghề để sống. Tiếng gọi “Đò ơi” quen thuộc mỗi khi có ai đó muốn qua sông ấy đã gắn bó cả một thời đối với người dân miệt bến sông Nhu Gia (xã Thạnh Phú, huyện Mỹ Xuyên, tỉnh Sóc Trăng).

Người dân nơi bến đò Nhu Gia đã quen với hình ảnh ông Trần Hữu Hội cùng chiếc ghe chèo.

Đã gắn bó với nghề chèo đò hơn 10 năm qua, ông Hội đã thay 1 chiếc ghe và 4 cặp chèo.

Ông Hội cho biết, tại đây giờ đã được xây dựng cầu bê tông nối đôi bờ giúp việc đi của người dân lại dễ dàng hơn. Nhưng nếu đi đường bộ phải vòng một đoạn khá xa nên nhiều người dân nơi đây vẫn chọn cách đi đò. Vì vậy, dù đã lớn tuổi nhưng ông Hội vẫn luôn tranh thủ chèo để có thêm thu nhập.

Chiếc ghe chèo là phương tiện mưu sinh của nhiều người ở bến sông Nhu Gia. Ảnh: Phương Anh

“Khách qua sông chủ yếu là đi chợ. Hàng ngày, cứ 4 - 5 giờ sáng là tôi đã có mặt ở bến sông này để đón khách. Mỗi ngày cũng vài chục lượt người qua lại. Tiền công đưa khách qua sông 5.000 đồng/lượt đi-về. Tính ra cũng được gần trăm nghìn mỗi ngày.

Dù thu nhập không cao nhưng ghe chèo là phương tiện mưu sinh nuôi sống gia đình nên tôi gắn bó với nghề nhiều năm qua. Địa phương cũng hỗ trợ phao cứu sinh để giữ an toàn cho hành khách”, ông Hội cho biết thêm.

Tại bến sông này cũng còn nhiều người mưu sinh bằng nghề chèo đò. Như chị Lâm Thu Thảo đã gần 10 năm nay gắn cuộc đời mình với chiếc ghe, đôi chèo hằng ngày xuôi ngược trên khúc sông.

Chị Thảo cho biết: Nghề chèo đò cực lắm, dù mưa dầm hay nắng gắt, hễ có khách muốn qua bên kia sông là mình phải chèo. Lúc nước xuôi thì chèo êm mái, còn nước ngược phải gồng mình chèo mạnh ghe mới không bị chao đảo. Có khi tối về đau nhức tay chân ngủ không được, nhưng vì cuộc mưu sinh mà chị vẫn nặng nghiệp đò chèo.

Chị Lâm Thu Thảo thu nhập trên 100.000 đồng/ngày từ nghề chèo đò. Ảnh: Phương Anh

Hơn chục năm dành dụm, chị Thảo mua được 1 chiếc máy đuôi tôm chạy bằng xăng. Nhưng chiếc máy này chị chỉ dùng mỗi khi khách muốn đi khoảng cách xa, hoặc lúc mưa gió lớn. Còn lại chủ yếu là dùng sức để chèo. Thu nhập khoảng 100.000 - 150.000 đồng/ngày.

“Mặc dù thu nhập thấp nhưng nếu không chèo đò thì không biết sống bằng nghề gì”, chị Thảo tâm sự.

Dù thu nhập thấp, nghề vất vả nhưng nhiều người ở Nhu Gia vẫn chọn nghề chèo đò là nghề chính. Ảnh: Phương Anh

Theo những người làm nghề đò chèo, cuộc sống mưu sinh bằng nghề này cũng lắm gian nan, suốt ngày miệt mài trên sông nước. Hôm nào họp chợ, người đông thì thu nhập được hơn 100.000 đồng. Còn hôm nào chợ vắng người thưa thì coi như hôm đó những chiếc ghe nằm im lìm. Thu nhập từ nghề bấp bênh là vậy, nhưng cứ đến Mùng 1, ngày Rằm khi bà con đi chùa thì chủ ghe vẫn đưa đón không lấy tiền.

Chị Lâm Thu Thảo cho biết thêm: “Mặc dù nghề vất vả, chủ yếu lấy sức làm lời, nhưng những ai khó khăn hay đi chùa lễ lộc vẫn sẵn sàng đưa họ qua sông. Đơn giản vì những phận đời của họ cũng bấp bênh giống với nghiệp chèo đò của mình”.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn