MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Những người phụ nữ giữ nghề đan đát ở vùng U Minh Hạ

HOÀNG CHÂU LDO | 06/09/2023 09:30

Hiện nay, vẫn có nhiều nhà còn tiếng đốn tre, chẻ trúc tại xã Nguyễn Phích, huyện U Minh (tỉnh Cà Mau). Một số người dân trong xóm, ấp sinh sống bằng nghề đan đát, tạo sinh kế ổn định cho người bà con nông dân lúc nhàn rỗi.

Tạo nguồn thu nhập từ nghề đan đát

Qua bàn tay khéo léo của các bà, các mẹ đã biến cây tre, cây trúc thành những chiếc thúng, rổ, nia, xịa… trở nên có giá trị hơn. Tuy nhiên, để tạo ra được các sản phẩm bán ra thị trường phải trải qua nhiều công đoạn kỳ công, không kém phần khó nhọc.

Một sản phẩm hoàn chỉnh phải trải qua nhiều công đoạn: Trúc đốn về cưa ra thành khúc với độ dài phù hợp với từng loại sản phẩm. Sau đó cạo vỏ, chẻ ra từng miếng nhỏ, lách bỏ phần ruột, vót cho bóng là đan, đát, tề để thành một cái vỉ hình tròn, tiếp theo đem đi lận với vành (vành được làm từ tre mỡ hoặc tre gai). Khâu cuối cùng gọi là nức (tức là dùng dây cố định chặt phần vành vào vỉ).

Là người đan đát lâu năm tại xã Nguyễn Phích, huyện U Minh, tỉnh Cà Mau, bà Nguyễn Thị Út (67 tuổi) chia sẻ: Khi mới bắt đầu, bà chỉ được học làm những công đoạn đơn giản như đốn tre, chẻ trúc, vót nan. Về sau mới học tiếp các công việc khó hơn là “đan mê”, “nức vành”. Dần dần thành thục thao tác mới tự đan ra được những chiếc rổ, nia đầu tiên.

“Nghề này đã có lâu đời, từ trước những năm giải phóng. Trước kia, Cà Mau chưa thể nuôi tôm, mỗi năm chỉ vỏn vẹn một vụ lúa. Gặp những năm mất mùa, đây là nghề giúp kiếm tiền trang trải cho gia đình” - bà Út cho biết thêm.

Bà Nguyễn Thị Út đang chăm chút tỉ mỉ để cho ra những sản phẩm đạt chất lượng. Ảnh: Hoàng Châu
Các công đoạn ban đầu, những nan trúc được đan vào nhau qua bàn tay khéo léo. Ảnh: Hoàng Châu

Bà Út cho biết, công việc này chủ yếu “lấy công làm lời”, tạo nguồn thu cho gia đình từ việc tận dụng nguồn tre, trúc sẵn có nhiều tại địa phương.

“Mỗi tháng, tôi và con dâu cho ra gần 100 sản phẩm. Mỗi cái có giá dao động từ 25.000 – 30.000 đồng, tùy loại. Nếu trừ hết các chi phí, còn lãi khoảng 2 triệu đồng” - bà Út nói.

Giữ gìn, tiếp nối nghề truyền thống

Là con dâu trong gia đình có các bà, các mẹ từng làm nghề đan đát, chị Trà Thị Liến ý thức cần giữ gìn, phát huy nghề truyền thống này cho thế hệ sau.

“Do đây là nghề đã nuôi sống bao thế hệ nhà chồng tôi, nên khi về làm dâu, tôi vẫn tiếp tục theo nghề của mẹ chồng để kiếm thêm thu nhập cho gia đình. Từ những ngày đầu, mẹ đã chỉ dạy cho tôi các bước cơ bản trong đan đát. Lâu dần, tôi thành thục, quen tay nên đã tự làm ra cho mình những sản phẩm để bán”, chị Liến chia sẻ.

Mẹ chồng (Nguyễn Thị Út) đang tận tình chỉ dạy cho con dâu (Trà Thị Liến) một số công đoạn làm ra thành phẩm. Ảnh: Hoàng Châu

Xưa, hầu như nhà nhà đều “lách cách” tiếng đan đát thì nay dường như im ắng bởi những người biết đan giỏi nay đã không còn hoặc lớn tuổi. Còn những người trẻ không thiết tha với nghề này, vì cần sự cần mẫn và tỉ mỉ rất cao.

Tuy nhiên, vài năm trở lại đây nhu cầu sử dụng đồ thủ công đang được ưa chuộng bởi mẫu mã ngày càng đa dạng, mang tính văn hóa cao, đặc trưng cho từng vùng miền.

Được biết, tỉnh Cà Mau đang có những chủ trương, chính sách giúp các làng nghề truyền thống được phát triển mạnh mẽ. Theo đó, ngày 9.5.2023, UBND tỉnh Cà Mau đã ban hành kế hoạch về thực hiện chương trình bảo tồn và phát triển làng nghề tỉnh Cà Mau giai đoạn 2023 – 2030.

Qua đó, sẽ ưu tiên phát triển làng nghề phù hợp thế mạnh của tỉnh, nhằm thúc đẩy phát triển sản xuất, nâng cao giá trị cho các sản phẩm làng nghề, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn