MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Nghệ nhân Danh Vũ đang hoàn thiện công đoạn cuối cùng của chiếc ghe Ngo. Ảnh: Phương Anh

Những người tạo hình cho chiếc ghe Ngo

PHƯƠNG ANH LDO | 11/11/2023 08:34

Lễ hội Oóc om bóc - Đua ghe Ngo, được đồng bào Khmer tổ chức vào rằm tháng 10 Âm lịch hàng năm. Đây là lễ hội truyền thống, mang đậm nét bản sắc văn hóa dân tộc. Sự độc đáo của lễ hội này là những chiếc ghe Ngo mang màu sắc, hoa văn sặc sỡ, lướt vun vút trên mặt nước.

Người đóng ghe Ngo tài hoa

Nói nghề đóng ghe Ngo ở ĐBSCL không thể không kể đến nghệ nhân Danh Vũ khi rất nhiều ghe Ngo do anh đóng đều giành giải cao ở các kỳ Lễ hội Oóc Om Bóc - Đua ghe Ngo cấp tỉnh, khu vực ĐBSCL.

Nghệ nhân Danh Vũ, sinh ra trong một dòng họ có truyền thống làm nghề đóng ghe Ngo ở tỉnh Kiên Giang nên từ khi còn trẻ, anh đã được thừa hưởng những kỹ thuật, cách thức để đóng ra một chiếc ghe Ngo. Tính đến nay, đã có 4 thế hệ của gia đình anh theo nghề này.

Nói về cơ duyên bắt đầu nghề đóng ghe Ngo, nghệ nhân Danh Vũ cho biết, vào năm 2002 khi anh đóng ghe Ngo cho chùa Pích, ở thị xã Vĩnh Châu (Sóc Trăng). Ghe đầu tiên anh đóng đã hạ thủy an toàn, thậm chí còn lướt rất nhanh và nhẹ. Sau đó, nhiều chùa trong khu vực tiếp tục mời anh đóng ghe Ngo để tham gia lễ hội. Từ đó, anh chính thức trở thành nghệ nhân đời thứ tư của dòng họ khi chưa đầy 30 tuổi.

Tính đến nay, nghệ nhân Danh Vũ đã đóng và sửa chữa trên 100 ghe Ngo cho các chùa Khmer. Trong đó, hằng năm cứ đến lễ hội hằng năm, anh lại sửa chữa và đóng mới cả chục chiếc ghe Ngo.

Nghệ nhân Danh Vũ chia sẻ: Đóng ghe Ngo đòi hỏi người thợ phải thông thạo về chọn loại gỗ, tỉ mỉ, khéo tay và thạo về kỹ thuật. Bên cạnh việc giữ được nét đẹp truyền thống của ghe Ngo, còn phải đảm bảo lướt thật nhanh trên mặt sóng, vì vậy, đi tham gia hội đua mới giành được thắng lợi.

“Nếu những năm 90 của thế kỷ trước, đường đua với khoảng cách 1.200m, một chiếc ghe phải mất 4 phút 30 giây, thì đến năm 2003, sau khi ghe được cải tiến, việc bơi chỉ mất 3 phút 30 giây và đến hiện tại chỉ hơn 2 phút (kỷ lục của chiếc ghe Thnol Thmây, Pong Tứk Chắs, Ông Kho của huyện Thạnh Trị - Sóc Trăng đạt được trong mùa lễ hội Oóc Om Bóc - Đua ghe Ngo vừa qua)” - nghệ nhân Danh Vũ cho biết thêm.

Nghề làm đẹp ghe ngo

Không chỉ thi đấu tốt, đồng bào Khmer còn chú trọng việc trang trí ghe Ngo với những hoa văn nổi bật mang đậm bản sắc văn hóa riêng của dân tộc.

Ông Thạch Tol ở phường 3, thành phố Sóc Trăng theo nghề trang trí hoa văn trên ghe Ngo từ năm 19 tuổi, đến nay ông đã ngoài 70. Với năng khiếu trời phú và đôi bàn tay tài hoa, óc sáng tạo, ông đã trở thành nghệ nhân vẽ hình chuyên nghiệp, được nhiều chùa Khmer mời tới thực hiện những tác phẩm vẽ dựa theo truyền thuyết trong kinh Phật trang trí tại Chánh điện các ngôi chùa cũng như những hoa văn trên những chiếc ghe Ngo.

Ông Tol cho biết, tất cả chiếc ghe Ngo của người Khmer đều có hoa văn và biểu tượng riêng, nhưng quan trọng vẽ như thế nào để khi hạ thủy, tham gia bơi đua, những hoa văn đó vẫn làm nổi bật cho chiếc ghe Ngo, thu hút người xem.

“Các linh vật, như là rồng, kỳ lân, hổ, voi… ở mũi ghe tùy vào sự lựa chọn của chùa. Đây là điểm nhấn của chiếc ghe Ngo, nên khâu chọn vị trí và vẽ biểu tượng họa tiết sống động, khi tham gia ghe bơi đua tạo cảm giác như đang bay nhảy trên sóng nước trong mắt người xem”, ông Tol cho biết thêm.

Với tài nghệ của mình, từ nhiều năm nay, nhiều nghệ nhân Khmer, trong đó có nghệ nhân Thạch Tol, Danh Vũ đã để lại nhiều tác phẩm đã và đang được lưu trữ tại các chùa Khmer trong khu vực ĐBSCL. Qua đó, góp phần thiết thực vào việc bảo tồn, giữ gìn và phát triển bản sắc văn hóa dân tộc Khmer Nam bộ.

Ghe Ngo tiếng Khmer là Tuk Ngô - được đồng bào Khmer sử dụng để bơi đua với nhau vào dịp Lễ hội Oóc Om Bóc, nhằm cầu mưa thuận, gió hòa và mùa màng tươi tốt. Ngày xưa, Tuk Ngô là một chiếc thuyền độc mộc, mất khoảng hơn một năm đục đẽo để hoàn thành. Ngày nay, việc đóng ghe được thay bằng những miếng ván từ cây gỗ sao, đồ nghề đóng ghe cũng hiện đại nên thời gian được rút ngắn hơn, mất khoảng 1,5 tháng để hoàn thành. Ghe có chiều dài khoảng 30m, nặng 3,5 tấn, khi đua có 60 vận động viên tham gia.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn