MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Phong tục giúp nhau xây dựng nhà của người dân tộc Tày, xã Quảng Phong, huyện Hải Hà. Ảnh: Đoàn Hưng

Những người thợ xây tình nguyện tại các thôn bản huyện Hải Hà

Đoàn Hưng LDO | 14/08/2023 07:00

Tỉnh Quảng Ninh đang quyết tâm hoàn thành chương trình xóa nhà tạm năm 2023 trong tháng 9. Đây là một chủ trương mang tính an sinh xã hội giúp nhiều hoàn cảnh khó khăn ổn định cuộc sống. Không chỉ vậy, qua chủ trương này, nhiều phong tục tập quán tốt đẹp của đồng bào dân tộc thiểu số đã được khơi dậy, lan tỏa, giúp gắn kết tình làng nghĩa xóm.

Anh Chu Văn Dường, sinh năm 1990, dân tộc Tày, trú tại thôn 9, xã Quảng Phong, huyện Hải Hà, Quảng Ninh là hộ cận nghèo nhiều năm.

Một mình anh nuôi 3 con ăn học, con lớn của anh năm nay lên lớp 6, con út vào mẫu giáo lớn.

Ngôi nhà cũ của gia đình xây dựng từ năm 1980, đã dột nát, nguy cơ đổ sập khi mưa bão về.

Ngôi nhà cũ của anh Chu Văn Dường. Ảnh: Đoàn Hưng

Cuối tháng 6 năm 2023, gia đình anh được hỗ trợ 100 triệu đồng từ Tòa án Nhân dân huyện Hải Hà theo chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát của tỉnh Quảng Ninh.

Những người hàng xóm của anh Dường, khi nghe tin tức đã tự nguyện bảo nhau đến góp công, góp sức, giúp bố con anh xây dựng ngôi nhà mới.

Anh Dường xúc động chia sẻ: "Trước kia em cũng đi phụ giúp gần 60 hộ gia đình hàng xóm xây nhà, giờ họ quay lại trả công. Ngày nào gia đình cũng có hơn 20 người đến giúp, mang theo cả dụng cụ, máy móc xây dựng.

Em sẽ là người đứng ra phân công họ làm việc. Nhờ vậy, chỉ chưa đầy 1 tháng, công trình đã cơ bản hoàn thành. Mỗi phần cửa nhôm là gia đình phải đi thuê, Những phần việc còn lại như, xây, trát, đổ mái, điện, nước, nấu ăn, hàng xóm làm. Tính ra cũng tiết kiệm được khoảng 20 triệu".

Việc giúp nhau xây dựng nhà là một trong những phong tục tập quán tốt đẹp của một số tộc người thiểu số ở các địa bàn vùng núi huyện Hải Hà, tỉnh Quảng Ninh.

Anh Hà Văn Hoa – Trưởng thôn 9, xã Quảng Phong, huyện Hải Hà - cho biết: Thôn 9 có 109 hộ gia đình đều là người dân tộc Tày. Đã có gần 100 ngôi nhà trong thông xây dựng theo hình thức góp công như vậy. Đây là phong tục được duy trì từ khi nhóm người Tày này ở huyện Bình Liêu di cư đến đây sinh sống từ năm 1979.

Với phong tục này, các thành viên trong thôn sẽ tự giác giúp nhau xây dựng nhà, có đi có lại. Đối với hộ nghèo, người khuyết tật, mất sức lao động, trưởng thôn sẽ đứng ra kêu gọi mọi người giúp công, đây cũng được coi là trách nhiệm của mỗi hộ dân trong thôn. Việc giúp nhau xây dựng nhà cũng đã nâng cao tay nghề xây dựng của nhân dân trong thôn.

Theo báo cáo của UBND huyện Hải Hà, để xóa nhà ở tạm, nhà ở dột nát, địa phương đã huy động nguồn lực trên 4,6 tỉ đồng, đạt 236% so với kế hoạch đề ra.

Đến nay, huyện cơ bản hoàn thành trên 60% khối lượng công việc. Dự kiến ngày 25.8.2023, huyện Hải Hà sẽ đồng loạt tổ chức gắn biển và bàn giao nhà ở cho các hộ, về đích sớm hơn so với kế hoạch đề ra của tỉnh Quảng Ninh.

Với chương trình chung tay xóa nhà dột nát, nhà tạm mà Quảng Ninh đang triển khai trên địa bàn, cuộc sống của nhiều gia đình đang dần được ổn định. Ấm lòng hơn cả, cùng với những ngôi nhà mới khang trang, ¹vững chãi còn là sự quan tâm, đùm bọc lẫn nhau của tình làng nghĩa xóm “tối lửa tắt đèn” có nhau.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn