MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Trong 10 năm qua, trung tâm đã nhân giống và sản xuất được 60.000 cây giống bản địa thuộc 124 loài khác nhau. Ảnh: Phi Long

Những người “ươm rừng” giữa lòng di sản

LÊ PHI LONG LDO | 11/02/2024 20:00

Giữa lòng di sản thiên nhiên thế giới Vườn Quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng, vẫn có những con người hằng ngày len lỏi giữa các khu rừng rậm để lặng lẽ ươm thêm những loài cây quý giữ gìn cho muôn đời sau.

Nhân lên giá trị di sản

Trung tâm Cứu hộ, bảo tồn và Phát triển sinh vật 10 năm qua nằm khép mình lặng lẽ trong khuôn viên Vườn Quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng. Nơi đây có những con người hằng ngày lặng lẽ, cặm cụi, âm thầm làm những công việc mà nhờ đó, giá trị di sản ngày càng được nhân lên.

Một sáng cuối năm, anh Lê Thuận Kiên - Trưởng bộ phận nghiên cứu, bảo tồn sinh vật thuộc Trung tâm Cứu hộ, bảo tồn và Phát triển sinh vật thuộc Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng cùng một số anh em khác trong trung tâm lại gom giỏ, túi, dao rựa cùng một ít lương thực, nước uống rồi theo lối mòn vào sâu trong rừng Phong Nha – Kẻ Bàng. Công việc hằng ngày của các anh luôn bắt đầu như thế.

Đi qua những cánh rừng rậm nguyên sinh, trèo lên các đỉnh đá vôi, đá tai mèo sắc nhọn, đi qua những thân cây mục trơn trượt và đầy nguy hiểm, những cán bộ của trung tâm đi tìm kiếm những giống cây quý để nhân giống, bảo tồn.

Hôm nay, sau gần 4 giờ đồng hồ len lỏi giữa lòng di sản, anh Kiên cùng mọi người đến khu vực xã biên giới Thượng Trạch để tìm giống cây Bách xanh đá - một giống cây quý hiếm nằm trong sách Đỏ Việt Nam và là loại thực vật cổ sơ của trái đất. Đây là loài cây có giá trị đặc hữu và nguy cơ tuyệt chủng trên toàn cầu.

Quần thể bách xanh ở Phong Nha - Kẻ Bàng như một khu rừng cổ tích, vì có những cây to chừng 500 năm tuổi, được xem như là “hóa thạch sống” giữa lòng di sản Phong Nha.

Du khách thích thú khi đến thăm quan tại Vườn thực vật thuộc Trung tâm Cứu hộ, bảo tồn và Phát triển sinh vật Vườn Quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng.

Để nhân giống, bảo tồn loài cây quý hiếm này, anh Kiên cùng mọi người chọn phương pháp nhân giống bằng cành. Cụ thể, cành cây được cắt mang về trung tâm, ngâm thuốc kích rễ để cây ra rễ con, quá trình này kéo dài chừng 1 năm. Sau đó lấy cây con ra cho vào bầu để chăm sóc.

Anh Kiên cho biết, vất vả là vậy, nhưng tỉ lệ cây con cho ra rễ rất ít, chỉ khoảng 20% số cành được giâm hom, nên công việc bảo tồn loài cây này gian nan, vì đặc tính của các loài cây nơi đây là thích nghi ở môi trường đỉnh núi, lèn đá.

Không những nhân giống cây bách xanh, mà hàng trăm giống cây quý khác có nguy cơ tuyệt chủng giữa lòng di sản Phong Nha đã được các cán bộ trung tâm nhân giống. Công việc không hề dễ dàng và đầy nguy hiểm, nhưng lòng đam mê và trách nhiệm là động lực để anh Kiên và các cán bộ trung tâm vững tin “ươm rừng” giữa lòng di sản Phong Nha.

Gìn giữ cho muôn đời sau

Ông Trần Ngọc Anh - Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Cứu hộ, bảo tồn và Phát triển sinh vật VQG Phong Nha – Kẻ Bàng cho biết, trong 10 năm qua, đã nhân giống và sản xuất được 60.000 cây giống bản địa thuộc 124 loài để phục vụ công tác bảo tồn thực vật, công tác trồng rừng tạo cảnh quan cho rừng di sản Phong Nha – Kẻ Bàng. Đặc biệt, gần đây nhất đã nhân thành công 5 loài cây bản địa quý hiếm, xếp vào loài đặc hữu là: Ge rừng, huê mộc, dầu rái, gụ lan và cây vàng anh…

Tại Khu Vườn thực vật của Trung tâm cứu hộ, bảo tồn và phát triển sinh vật Vườn Quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng, có những cây bản địa quý mang đặc trưng của rừng, như huê, lim xanh, bách xanh đá, dổi hay nhiều loại cây có giá trị dược liệu cao như lá khôi, bò khai, chè dây, dạ cổ lam… đã tạo nên một vườn quốc gia thu nhỏ với đủ chủng loại.

Đặc biệt, nơi đây có cả những loài cây đã và đang được cứu hộ, chăm sóc sau khi được “cứu thoát” khỏi tay “lâm tặc”, mà trong đó chủ yếu là phong lan. Các cây sau khi được bảo tồn, chăm sóc đang đua nhau khoe sắc, tỏa hương trước khi được đưa trở lại môi trường tự nhiên.

Di sản Phong Nha – Kẻ Bàng. Ảnh: P.L

Ông Trần Ngọc Anh cho biết, Việc nhân giống thành công các loài cây bản địa kể trên đã mở ra triển vọng mới trong công tác bảo tồn nguồn gen các giống cây quý hiếm ở Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng và là động lực để động viên, thúc đẩy các cán bộ tiếp tục nghiên cứu để nhân giống thành công các loài cây quý hiếm khác.

Đến đây mới thấy, mới cảm nhận được, rằng hàng trăm loài thực vật quý hiếm đang được chăm sóc đặc biệt ở đây không những được chăm sóc đặc biệt mà chính là sự nỗ lực, tâm huyết để nhân rộng những giá trị của di sản đang có; và thành quả là những giá trị của di sản sẽ được gìn giữ cho muôn đời sau.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn