MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Những người yêu rừng mà làm nghề gác kèo ong ở Hậu Giang

Văn Sỹ LDO | 17/04/2023 11:12

Nhằm tăng cường công tác quản lý và bảo vệ rừng tại Khu bảo tồn thiên nhiên Lung Ngọc Hoàng (tỉnh Hậu Giang), từ năm 2021 đến nay, 56 hộ dân đã được giao khoán diện tích rừng để vừa gác kèo ong vừa tham gia bảo vệ rừng. 

Gắn bó với công việc giữ rừng gần 20 năm qua, ông Tăng Văn Lợi (63 tuổi) phấn khởi cho biết, 3 năm qua, gia đình ông đã có thêm thu nhập nhờ được giao khoán rừng để gác kèo ong.

Gia đình ông Lợi được giao giữ và gác kèo ong trên diện tích 24 ha.

 Khu bảo tồn thiên nhiên Lung Ngọc Hoàng hiện có 56 hộ được giao giữ rừng và được gác kèo ong. Ảnh: Văn Sỹ

"Thu nhập từ nghề gác kèo ong ít ỏi lắm, vì thế nếu không yêu rừng thì sẽ không chọn gắn bó ở đây được. Như vợ chồng tôi, mỗi năm thu về từ 20 đến 25 tổ ong, trung bình khoảng 40 đến 45 lít mật. Ở đây chúng tôi bán mật ong nguyên chất 600.000 đồng/lít.

Vì vậy, thu nhập cả năm của vợ chồng tôi cũng khoảng 20 triệu đồng, tuy không nhiều, nhưng vợ chồng tôi yêu rừng và nguyện phải góp sức bảo vệ rừng.

Hơn nữa, tôi cũng lớn tuổi nên có nghề gác kèo ong sống dân dã cũng quý lắm", ông Lợi chia sẻ. 

 Thành quả của một người dân khi thu hoạch mật ong rừng trong Khu bảo tồn thiên nhiên Lung Ngọc Hoàng. Ảnh: Văn Sỹ

Theo chân ông Dương Kha Ly, (46 tuổi) thu hoạch tổ ong, chúng tôi được ông cho biết, nghề gác kèo ong rất vất vả và nguy hiểm.

Thế nhưng, với ông, công việc này mang lại nguồn sống ổn định cho gia đình và còn được góp công bảo vệ rừng nên gia đình ông rất trân trọng. 

Ông Dương Kha Ly thu hoạch ong mật. Ảnh: Văn Sỹ 

Ông Ly chia sẻ, khi đi rừng ông luôn dọn dẹp cây cỏ khô để phòng cháy rừng, vừa chú ý quan sát để phòng những người vào rừng khai thác trái phép.

"Gia đình tôi được giao giữ 50 ha rừng và được gác kèo. Nghề gác kèo ong nguy hiểm là phải thức khuya dậy sớm để giữ và thường xuyên bị ong đốt. 

 Một tổ ong mật sắp đến ngày thu hoạch. Ảnh: Văn Sỹ

Trung bình, mỗi năm tôi khai thác được từ 50 tổ ong với gần 100 lít mật, thu nhập mang về khoảng 60 triệu đồng, tiết kiệm cũng đủ sống.

Tôi thường chọn gác kèo ở những nơi có nhiều cây tràm tươi tốt sắp ra hoa và khu vực yên tĩnh để thu hút ong về tổ", ông Ly chia sẻ thêm. 

Theo ông Trần Bé Em, Trưởng Phòng Khoa học và Bảo tồn, Khu bảo tồn thiên nhiên Lung Ngọc Hoàng, diện tích của toàn khu trên 1.400 ha.

Tính từ năm 2021 trở về trước, trong khu ghi nhận một số trường hợp người dân vào rừng khai thác tổ ong vừa gây mất an ninh trật tự, vừa có nguy cơ gây ra cháy rừng.

 Ông Trần Bé Em (bìa trái) cùng nông dân thưởng thức mật ong vừa thu hoạch. Ảnh: Văn Sỹ

"Để tăng cường công tác và nâng cao hiệu quả quản lý, bảo vệ rừng, vừa góp phần chăm lo cuộc sống các hộ dân, Ban quản lý đã đề xuất UBND tỉnh cho chủ trương giao cho 56 hộ dân có trách nhiệm trông coi và được khai thác, gác kèo ong.

Qua 3 năm thực hiện, công tác bảo vệ, phòng cháy rừng tại đây được đảm bảo hơn. Tất cả các hộ được giao giữ rừng đều nêu cao ý thức gìn giữ.

Đầu năm 2023, chúng tôi cũng thống nhất cho các hộ này được khai thác bắp chuối có thêm thu nhập để lo cho cuộc sống", ông Trần Bé Em thông tin thêm.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn