MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Những “nhịp cầu” đoàn kết ở các bản làng vùng cao, biên giới Sơn La đã góp phần ổn định an ninh trật tự, giữ bình yên cho cuộc sống nhân dân. Ảnh: Thuỷ Ngân

Những “nhịp cầu” đoàn kết ở bản làng vùng cao Sơn La

Khánh Linh LDO | 01/05/2022 13:43

Sơn La - Nhiều năm nay, những già làng, trưởng bản, đảng viên vùng cao, biên giới của tỉnh Sơn La đã trở thành những hạt nhân đoàn kết, giữ bình yên cho cuộc sống nhân dân. 

"Cột mốc sống" trên miền biên viễn

Một ngày cuối tháng 4.2022, có mặt tại huyện biên giới Sốp Cộp, tỉnh Sơn La, theo lời giới thiệu của người dân bản Pu Hao, xã Mường Lạn, PV đã có dịp gặp gỡ ông Giàng Sộng Câu - người được bà con và các chiến sĩ biên phòng nơi đây coi như "cột mốc sống" vùng biên viễn Sơn La. 

Mặc dù đã ở tuổi "xưa nay hiếm", nhưng sự minh mẫn, nét nhiệt huyết với việc làng, việc bản vẫn hiện rõ lên trong ánh mắt của người già làng đã dùng quá nửa cuộc đời của mình để lo nỗi lo chung của bà con. 

Nhấp ngụm nước chè, ông Câu kể: "18 năm về trước, khi cuộc sống còn nhiều khó khăn, lợi dụng sự thiếu hiểu biết của người dân, các đối tượng xấu đã trà trộn để dụ dỗ bà con vượt biên sang Lào, tham gia hoạt động chống phá Đảng, Nhà nước".

Theo ông Câu, lúc bấy giờ, một "miền đất hứa" được các thanh niên trong bản truyền tai rồi rủ nhau cùng trốn qua biên giới. Ông đã cùng nhiều trưởng họ đến từng nhà, động viên, khuyên bảo người dân yên tâm ở lại sinh sống, đồng thời, phối hợp với các lực lượng chức năng vận động người vượt biên CHDCND Lào trở về.

"Khi họ quay trở về, phải trực tiếp hướng dẫn người dân cách trồng trọt, chăn nuôi để họ yên tâm lao động, sản xuất trên chính mảnh đất quê hương" - ông Câu cho biết thêm. 

Anh Giàng A Thái - một trong những người đã từng bỏ đi với lời hứa về một cuộc sống sang giàu nơi đất khách cho biết: "Sau khi cùng vượt biên sang Lào, các thanh niên trong bản mới nhận ra là mình đã sai. Không có tờ đôla nào như lời hứa, ngược lại còn phải ăn uống kham khổ, trốn chui lủi trong rừng".

  Những già làng cùng các chiến sĩ công an đến từng nếp nhà tuyên truyền cính sách, pháp luật và hướng dẫn cho bà con làm kinh tế. 

Giữa những mặc cảm tội lỗi, ông Câu như một chiếc phao cứu sinh, tận tình chỉ dẫn anh Thái cách làm ăn kinh tế. Ngôi nhà gỗ khang trang cùng nguồn thu nhập khá là minh chứng rõ rệt cho sự nỗ lực cùng định hướng và giúp đỡ tận tình của ông Câu. 

Giờ đây, Pu Hao như được khoác lên một tấm áo mới, bà con tin và làm theo chính sách, pháp luật của Đảng và nhà nước, không còn nghe theo lời kẻ xấu, bỏ đạo trái pháp luật để làm ăn chân chính, nhiều hủ tục ma chay, cưới hỏi được đẩy lùi.

Nói cho dân tin, làm cho dân theo

Trở lại xã Lóng Luông, huyện Vân Hồ, tỉnh Sơn La - nơi đã từng là "điểm nóng" ma tuý, những nếp nhà nằm yên bình trong nắng dưới tán mận sai trĩu quả, khói chiều bảng lảng hoà theo làn gió chiều đã tạo nên bức tranh quê vùng cao thanh bình, yên ả. 

Trong câu chuyện cùng Mùa A Chia - nguyên Bí thư Đảng ủy xã Lóng Luông, nhắc lại thực trạng ma túy ở Lóng Luông hơn 10 năm về trước, ông cho biết: "Hồi đó, rất nhiều người trong xã độ tuổi từ 18- 40 tuổi tham gia buôn bán ma túy, nhất là hai bản Lũng Xá, Tà Dê". 

Theo ông Chia, hai bản có tổng số 140 hộ thì có đến 50 hộ tham gia vận chuyển ma tuý. Có thời điểm, cả xã có trên 30 đối tượng bị truy nã về tội mua bán trái phép chất ma túy, có cả những đối tượng cộm cán như: Tráng A Tàng, Tráng A Chư, Giàng A Nhà...

 Nhờ những nỗ lực bền bỉ của người đứng đầu cấp uỷ cùng những cán bộ, đảng viên, người uy tín trong làng bản, giờ đây, tội phạm ma túy ở Lóng Luông đã giảm, cuộc sống bình yên đang dần trở lại. 

Khi đó, bước chân của ông Chia và những người cán bộ trong tổ công tác 279 đã in dấu trong từng ngõ, gõ cửa từng nhà, tuyên truyền, vận động bà con.

Nhờ những nỗ lực bền bỉ của người đứng đầu cấp uỷ cùng những cán bộ, đảng viên, người uy tín trong làng bản, giờ đây, tội phạm ma túy ở Lóng Luông đã giảm, nhân dân yên tâm lao động sản xuất, phát triển kinh tế.

Tương tự như ở Lóng Luông, bản Pha Khuông, xã Co Mạ, huyện Thuận Châu cũng là địa bàn phức tạp về nạn trồng cây thuốc phiện, ma tuý và tà đạo. Một tương lai hào nhoáng được bọn phản động vẽ ra về tà đạo Vàng Chứ khiến người dân vùng cao đã tin và nghe theo.

Sau thời gian dài được ông ông Vừ Sua Ly (71 tuổi) cùng các chiến sĩ công an tuyên truyền, vận động, giờ đây sự bình yên đã trở lại trên mỗi nếp nhà của bản Mông Pha Khuông. 

Ngoài những “chiếc cầu nối” như ông Chia, ông Câu, ông Ly, tỉnh Sơn La còn hơn 500 người có uy tín khác, là những hạt nhân gương mẫu, chung tay cùng lực lượng công an giữ bình yên trên mỗi bản làng.

Theo tìm hiểu được biết, hơn 10 năm qua, người có uy tín đã tham gia giải quyết ổn định hơn 100 vụ việc liên quan đến tội phạm ma túy, hình sự; tham gia củng cố, chuyển hóa làm sạch 8 bản của 4 xã, thuộc 2 huyện bị tác động ảnh hưởng của luận điệu tuyên truyền lập “Nhà nước Mông”...

Đại tá Vì Quyền Chứ, Phó Giám đốc Công an tỉnh Sơn La, khẳng định: “Nói dân tin, làm dân theo”, người có uy tín trên khắp các bản làng trong tỉnh là nhân tố tích cực, cánh tay nối dài của lực lượng công an, góp phần giữ gìn trật tự an toàn xã hội. 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn