MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Nhiều nông dân ở Sóc Trăng cam kết bán lúa cho doanh nghiệp dù có sự chênh lệch với giá thị trường. Ảnh: Phương Anh

Những nông dân quyết chịu thiệt để giữ chữ tín giữa làn sóng bẻ kèo

PHƯƠNG ANH LDO | 14/01/2024 14:56

Giá lúa gạo đang lập đỉnh và câu chuyện nông dân "bỏ cọc, bẻ kèo" với doanh nghiệp để bán lúa ra bên ngoài lại được nhắc đến. Tuy nhiên, nhiều nhà nông ở Sóc Trăng vẫn đặt chữ "Tín" lên hàng đầu với phương châm lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ.

Làm ăn phải uy tín

Đang thu hoạch 1ha lúa, giống ST25, ông Võ Văn Thạnh ở xã Long Đức (huyện Long Phú, tỉnh Sóc Trăng) cho hay toàn bộ diện tích lúa đều bán cho Công ty Cổ phần Gạo Ông Thọ với giá 11.500 đồng/kg.

Ông Thạnh nói giá lúa ngoài thị trường hiện cao hơn giá hợp đồng với doanh nghiệp là từ 200 - 500 đồng/kg, mặc dù có sự chênh lệnh và nhiều lời chào mời của mối lái nhưng ông vẫn bán cho doanh nghiệp theo đúng cam kết.

"Chúng tôi làm ăn với doanh nghiệp đã 4 năm nay, để duy trì mối liên kết này không phải dễ nên không vì lợi nhuận cao hơn đôi chút mà "bẻ kèo", làm như vậy thì đâu còn uy tín. Sau này có muốn liên kết với ai cũng khó", ông Thạnh cho biết thêm.

Nông dân Trần Văn Phương ở xã Thới An Hội (huyện Kế Sách, tỉnh Sóc Trăng) thông tin, vụ lúa Đông - Xuân 2023 vừa rồi ông nhận cọc của thương lái là 9.800 đồng/kg, đến này thu hoạch giá thị trường là 11.000 đồng/kg.

Ông Phương tính, năng suất vụ này đạt 9 tấn nếu bán với giá bán 9.800 đồng/kg, lợi nhuận khoảng 45 - 50 triệu đồng/ha, còn với giá 11.000 đồng/kg thì lợi nhuận tăng thêm khoảng 20 triệu đồng/ha.

Lợi nhuận chênh lệch khá cao, tuy nhiên mình đã nhận cọc từ trước nên giá có cao hơn cũng phải bán đúng với "hợp đồng". Làm ăn phải giữ uy tín để còn tính chuyện đường dài, ông Phương nói.

Tương tự, vụ lúa Đông Xuân 2023 - 2024 này, Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp Hưng Lợi, xã Long Đức (Long Phú, Sóc Trăng) cung ứng cho Công ty Cổ phần Gạo Ông Thọ 100 hecta lúa với giá 11.500 đồng/kg.

Giám đốc HTX Nông nghiệp Hưng Lợi Trương Văn Hùng cho hay dù có nhiều lời chào mời của thương lái với giá cao nhưng bà con ai cũng đồng lòng bán lúa cho Công ty theo đúng cam kết trước đó.

Lợi ích hài hòa - rủi ro chia sẻ

Giám đốc HTX Nông nghiệp Hưng Lợi, xã Long Đức (Long Phú, Sóc Trăng) Trương Văn Hùng cho biết, ngay từ đầu vụ, toàn bộ các xã viên làm việc với Công ty để trao đổi về giống, quy trình canh tác và chọn khoảng 100 hộ để liên kết với doanh nghiệp. Giá sẽ được quy định 10 ngày trước khi thu hoạch lúa chứ không cố định giá từ khi gieo sạ.

Chính sự phối hợp chặt chẽ, sự hài hòa giữa nông dân, HTX và doanh nghiệp nên tình trạng bỏ cọc, bẻ kèo tại HTX chưa từng xảy ra, ông Hùng cho biết thêm.

Năm 2023, doanh nghiệp, thương lái thu mua lúa ở Sóc Trăng ngay từ đầu vụ với diện tích 41.478ha. Ảnh: Phương Anh

Ông Nguyễn Văn Đậm - Giám đốc HTX nông nghiệp Tín Phát - cho biết: Hiện nay, diện tích HTX là 500ha trồng lúa, sản lượng khoảng 2.000 tấn/vụ. Khi gần đến ngày thu hoạch, HTX sẽ chủ động tìm doanh nghiệp thu mua cho các thành viên, thông thường giá sẽ cao hơn 200 đồng/kg so với thị trường.

“Mỗi vụ mùa, Ban giám đốc HTX đều quán triệt tinh thần cho các xã viên là chữ “tín” phải đặt lên hàng đầu. Khi giá lúa lên cao đơn vị thu mua sẽ hỗ trợ một phần, còn khi giá thấp HTX cũng phải đồng hành chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp. Có như vậy mới hợp tác lâu dài được”, ông Đậm nói.

Còn theo nông dân Trần Văn Phương ở xã Thới An Hội (Kế Sách, Sóc Trăng) nhận định một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng nông dân bẻ kèo bán lúa ra bên ngoài là khi giá lúa thị trường lên cao phía thu mua điều chỉnh giá có tăng nhưng không bằng giá thị trường. Ngược lại giá lúa giảm, công ty không mua lúa của dân, bỏ cọc mua lúa, người dân lâm vào cảnh khốn đốn.

Ông Phương cho rằng cần có hợp đồng rõ ràng thậm chí có giải pháp chế tài để liên kết giữa nông dân và doanh nghiệp chặt chẽ hơn.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn