MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Các y, bác sĩ của Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương trong lần chống dịch tại TPHCM. Ảnh: Công Thắng

Những nữ y, bác sĩ anh hùng trong đại dịch và mong ước ngày xuân

Phạm Đông LDO | 02/02/2022 06:18

Đại dịch đã biến những nữ y, bác sĩ thành những “người hùng”, lăn xả vào tâm dịch và tận hiến không biết mệt mỏi. Với họ, năm mới đến, ước nguyện đầu tiên là mong dịch bệnh sớm qua đi để tất cả mọi người được trở lại với cuộc sống bình thường, xuân này ai ai cũng được sum họp bên gia đình.

Những ngày tháng không thể quên

Trong cuộc chiến phòng, chống dịch COVID-19, đội ngũ y, bác sĩ ngành y tế là những “Chiến sĩ áo trắng”. Đây là lực lượng thường trực ở tuyến đầu chịu nhiều áp lực, vất vả và phải đối mặt với nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh rất cao.

Cho đến giờ, bác sĩ Lê Thị Thanh Tâm (SN 1991, Khoa Bệnh máu lành tính, Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương) cũng chưa thể quên được những tháng ngày vất vả, trải qua đủ mọi cung bậc cảm xúc trong đỉnh dịch TPHCM. Chứng kiến sự mong manh của tính mạng con người trong tâm dịch, chị càng thấy cần hơn sự gắn kết của gia đình, càng muốn gần hơn với người mình yêu thương.

Bác sĩ Lê Thị Thanh Tâm là một trong gần 200 bác sĩ, điều dưỡng của Viện xung phong Nam tiến hỗ trợ chống dịch khi dịch COVID-19 bùng phát mạnh tại TPHCM. Trước khi lên đường, mỗi y bác sĩ đều đã chuẩn bị tinh thần về cuộc chiến khốc liệt nhưng những ngày đầu, nhiều thầy thuốc thực sự sốc với những gì đang diễn ra. 

Bác sĩ Tâm trong ngày lên đường vào Nam chống dịch.

Cùng công tác tại Viện, khi có lệnh điều động cán bộ y tế vào TPHCM chống dịch, cả hai vợ chồng đều xung phong, tranh nhau lên đường.

Thời điểm đó, con của nữ bác sĩ này còn rất nhỏ, con lớn 3 tuổi và con út được 17 tháng tuổi. Được sự ủng hộ tuyệt đối của gia đình nội ngoại, cùng hậu phương vững chắc là chồng nên bác sĩ Tâm thấy an tâm và có động lực để cùng đồng nghiệp chiến đấu với “giặc COVID-19”.

Là người đầu tiên của khoa xung phong đi chống dịch, BS.Tâm bảo rằng khi đó chị không có suy nghĩ nhiều mà chị cảm thấy TPHCM đã gặp khó khăn, cần sự hỗ trợ, chung sức của nhiều hơn nữa các nhân viên y tế trên khắp cả nước.

“Vợ chồng tôi ai cũng muốn đi và quyết tâm. Nếu xét về con nhỏ thì tôi không phải đi, nhưng tôi đã tiêm đủ 2 mũi, còn có đồng nghiệp cùng với tôi thì mang thai hoặc chưa được tiêm mũi nào… Việc cho đồng nghiệp chưa tiêm mũi nào vào tâm dịch thì tôi không đành lòng”, bác sĩ Tâm nói về việc cả hai vợ chồng xung phong vào tâm dịch.  

Được tăng cường cho bệnh viện Hồi sức COVID-19 TP.Thủ Đức từ ngày 24.8.2021, đến ngày 26.8 các bác sĩ của đoàn bắt đầu tiếp nhận những bệnh nhân COVID-19 đầu tiên. Các bác sĩ được phân tầng điều trị như các khoa ICU (Hồi sức tích cực), khoa điều trị bệnh nhân nặng, nguy kịch… Còn khoa của bác sĩ Tâm là khoa điều trị có hỗ trợ hô hấp.

Đoàn vào Nam chống dịch từ 24.8.2021.

Nơi bác sĩ Tâm cùng đoàn vào hỗ trợ TPHCM thời điểm đó được ví là “tâm của tâm dịch”, là tuyến cuối nên tất cả bệnh nhân nặng chuyển về tuyến cuối. Do đó, tại tâm dịch này, chị được chứng kiến ranh giới giữa sự sống và cái chết. 

Ngoài những câu chuyện buồn, nữ bác sĩ này nói vui nhất là khi tạm biệt người bệnh được ra viện. Bởi, bệnh nhân vào khoa chủ yếu là bệnh nhân rất nặng nên khi được chào tạm biệt các bệnh nhân xuất viện là cảm xúc mà chị Tâm và các đồng nghiệp vui nhất. 

“Một bệnh nhân nữ trung niên nhập viện vào khoa chúng tôi và rất lạc quan, chúng tôi nhờ cô nói chuyện, động viên các bệnh nhân khác. Khi khỏi bệnh, cô ra viện chủ động xin chụp ảnh, tạo dáng vui vẻ cùng bác sĩ, bệnh nhân còn nói vui là “đấy, nhanh khỏi bệnh đi thì sẽ được chụp ảnh cùng bác sĩ”, như một phép màu là phòng đó đều khỏi bệnh hết” - bác sĩ Tâm chia sẻ về một bệnh nhân mà chị nhớ nhất.

Những tháng ngày vào Nam trực tiếp điều trị bệnh nhân Covid-19 nặng, nguy kịch ở nơi dịch bùng phát dữ dội nhất đã trở thành chuyến đi đặc biệt nhất, trở thành những ngày tháng không thể nào quên với chị Tâm và các đồng nghiệp.

Với tâm thế là tập trung làm hết trách nhiệm của người thầy thuốc, bác sĩ Tâm cùng các đồng nghiệp luôn cố gắng hết mình, không có thời gian nghỉ ngơi. Có những lúc nhớ con, cứ 3 ngày chị lại lôi ảnh con ra ngắm nhìn. 

“Thật sự khi ấy, tôi rất muốn ôm các con vào lòng và mỗi tối khi có thời gian rảnh là tôi lại gọi điện thoại đình và các con”, nữ bác sĩ trải lòng.

Khi hạnh phúc là đoàn viên

Sau hơn hai tháng ròng rã chiến đấu giành giật sự sống cho các bệnh nhân, ngày 10.10.2021, bác sĩ Tâm cùng cả đoàn đã trở về Hà Nội. Cho đến nay khi nhắc lại cảm xúc khi rời TPHCM, bác sĩ Tâm vẫn chỉ mong dịch bệnh sớm qua để mọi người được trở về cuộc sống bình thường, được quây quần bên mâm cơm gia đình sau mỗi ngày làm việc. 

Ngày trở về nhà, cô con gái bé bỏng cứ ôm chặt lấy mẹ không rời, ngồi ăn bữa cơm gia đình sau bao ngày chiến đấu trong tâm dịch, nữ bác sĩ mới thấy mình còn may mắn hơn rất nhiều bệnh nhân khác không thể trở về bên gia đình thân yêu.

Như bao cặp vợ chồng sống xa quê, nữ bác sĩ này mong muốn dịch bệnh tại Hà Nội cũng như các địa phương trên cả nước sớm được kiểm soát. “Vợ chồng tôi mỗi người một quê, rồi vì bận rộn công tác cũng lâu rồi chưa có dịp về thăm quê. Nên tôi mong sao dịch sớm được kiểm soát để năm nay vợ chồng và các con có thể về quê thăm họ hàng, nội ngoại hai bên. Gia đình được sum họp bên mâm cơm và kể cho nhau nghe về những điều đã và chưa làm được một năm qua”, bác sĩ Tâm bày tỏ.

Các y, bác sĩ Viện Huyết học – Truyền máu TW nơi tuyến đầu chống dịch.

Cho đến giờ, điều dưỡng Đỗ Thị Thu Ngân (khoa Bệnh máu trẻ em và bệnh nhi, Viện Huyết học-Truyền máu Trung ương) cũng không bao giờ tưởng tượng được cuộc chiến này lại tàn khốc như thế. Những tiếng tít tít của máy thở, tiếng chuông của máy monitor khiến chị và các đồng nghiệp cảm thấy ám ảnh.

Trong những ngày chống chọi với dịch bệnh tàn khốc, điều hạnh phúc nhất với những cô gái ngành y xa gia đình vào Nam chống dịch là được tiễn bệnh nhân ra viện. Điều mong chờ nhất là qua đau thương, TPHCM đã hồi sinh mạnh mẽ.

"Cũng rất may mắn là TPHCM đã khỏe hơn, ca bệnh cũng đã giảm và chúng tôi cũng phần nào yên tâm hơn khi quay lại Thủ đô. Qua trận chiến lần này, tôi thấy rằng không có gì quý hơn sức khỏe. Hãy yêu thương và dành tình cảm cho nhau khi còn có thể. Cùng nhau cố gắng đẩy lùi dịch bệnh tàn khốc này" - điều dưỡng Thu Ngân tâm sự.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn