MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Anh Phạm Hoàng Sơn - Giám đốc Công ty TNHH Ôtô 5S. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Những ông chủ từ trường đời, trường nghề

Quỳnh Chi LDO | 20/07/2023 08:47

Những năm gần đây, tuyển sinh học nghề không ngừng tăng lên qua các năm, thậm chí nhiều người học nghề khi đã khá muộn vẫn thành công... là những câu chuyện truyền cảm hứng trong cộng đồng.

Làm hết mình

Mai Anh Tiến, sinh năm 1995 tại thị xã Bỉm Sơn, tỉnh Thanh Hóa. Năm 2004, khi đang học năm nhất hệ Trung cấp ngành Công nghệ thông tin, Trường Đại học Giao thông Vận tải TP Hồ Chí Minh, anh bỏ học vì không thấy hứng thú, cho dù lúc đó anh là học sinh giỏi trong lớp. Anh Tiến làm đủ nghề mưu sinh, từ trông xe quán ăn, nhà hàng đến làm thợ hàn.

“Lúc đó, dù lương 2-3 triệu đồng/tháng nhưng tôi làm với tất cả sự nghiêm túc và chỉn chu, bất cứ là công việc gì” - anh Tiến nói.

Năm 2009, anh Tiến về Bình Thuận - quê vợ. Tại đây, anh là đầu mối nhận may đồng phục công sở, rồi giao cho các xưởng gia công. Năm 2013, anh ra thành phố Móng Cái (Quảng Ninh) buôn bán, làm ăn. Sau 2 năm, anh đưa cả gia đình cùng ra. Có thời điểm “ăn nên làm ra”, anh Tiến mua thêm được nhiều đất, cửa hàng... Quá tự tin, anh Tiến chủ quan, năm 2019, anh gần như phá sản.

Trăn trở, suy tính, anh Tiến biết không có con đường nào bền vững bằng việc có tay nghề vững vàng. Cuối năm 2011, anh vào TP Hồ Chí Minh học đánh bóng, spa điện thoại. Tay nghề cứng, anh quay ra Hà Nội với số vốn vỏn vẹn mấy triệu đồng trong tay. Anh gọi em trai ở quê lên, gọi những người họ hàng, nhân viên từng làm thuê cho anh ở Móng Cái ra học việc.

Hiện nay, anh Tiến có 10 nhân công, lương thợ cứng cao nhất 27 triệu đồng/tháng, thợ học việc khoảng 10 triệu đồng/tháng.

“Việc học hành chỉn chu để có tri thức, tay nghề là vô cùng quan trọng. Đó là cách vào đời bền vững...” - anh Tiến nói.

Anh Bùi Hải Tân quê ở huyện Ninh Giang, tỉnh Hải Dương. Anh Tân từng là du học sinh Nhật Bản. Sau 3 năm du học, anh về Việt Nam thành lập công ty hoạt động trong chính lĩnh vực mình từng có thời gian trải nghiệm: Xuất khẩu lao động và du học Nhật Bản.

Gọi các cộng sự chính là bạn bè từng du học với mình, anh Tân nhanh chóng xây dựng “hệ sinh thái” là hàng chục chân rết ở các địa phương. Công ty phát triển nhanh chóng, trước thời điểm xảy ra dịch bệnh, anh Tân có hàng trăm lao động, doanh thu tốt.

“Chìa khóa” để có được thành công, dù chỉ là du học sinh vừa học vừa làm tại Nhật Bản, anh Tân ngắn gọn: “Làm hết mình!”.

Theo anh Tân, nhiều bạn trẻ sau khi xuất khẩu lao động, có vài trăm triệu, về nước, một bộ phận không nhỏ sẽ dùng xây nhà, mua xe, sau đó ngơ ngác tìm việc tại quê nhà với nhiều bỡ ngỡ hoặc xin làm tại các doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam với vị trí phiên dịch hoặc hành chính.

Cất cánh từ trường nghề

Anh Phạm Hoàng Sơn - Giám đốc Công ty TNHH Ôtô 5S- chuyên kinh doanh ôtô từng là sinh viên tại Trường Cao đẳng Cơ điện Hà Nội.

Là sinh viên khóa 2 của trường nghề, anh Sơn tốt nghiệp vào năm 2011. Bấy giờ, nhà nhà vẫn theo đuổi mục tiêu vào bằng được trường đại học, anh Sơn lại có hướng đi riêng.

“Tôi có hai lý do lựa chọn trường nghề và ngành học là công nghệ ôtô. Đầu tiên là sở thích mê xe. Thứ hai, tôi học không đồng đều các môn. Biết mình khó đỗ vào các trường đại học nên tôi chọn trường nghề” - anh Sơn chia sẻ.

Giám đốc Công ty Ôtô 5S khẳng định, nếu xác định đi làm nghề, thì trường cao đẳng nghề sẽ đào tạo chuyên sâu về thực hành, khi ra trường sinh viên sẽ không bị bỡ ngỡ, có khả năng bắt nhịp tốt với công việc.

Sau khi tốt nghiệp, anh Sơn xin về làm thợ sửa chữa ôtô ở các gara nổi tiếng tại Hà Nội. “Thời điểm ra trường, mức lương của tôi khoảng 2,5 triệu đồng/tháng, lúc bấy giờ là không đủ ăn” - anh Sơn nhớ lại.

Với đam mê của mình, sau 2 năm sau, anh Sơn quyết định chuyển sang kinh doanh riêng.

“Tôi nghĩ phải có hướng đi riêng cho bản thân. Chỉ có kinh doanh thì mới cho thu nhập nhiều. Dù bấy giờ nhan nhản các cửa hàng kinh doanh ôtô, lĩnh vực này khá khốc liệt song tôi chọn hướng đi riêng cho mình là kinh doanh chủ đạo về ôtô khách” - anh Sơn nói.

Giám đốc Công ty Ôtô 5S cho rằng, vì am hiểu về xe, nên anh cũng dễ dàng hơn trong việc kinh doanh. Đây là một trong những ưu thế so với người tay ngang mà lấn sân sang lĩnh vực này.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn