MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Cây xăng nằm giữa khu đông dân cư như quả bom nổ chậm. Ảnh: TN

Những quả bom nổ chậm giữa thành phố Cảng

TIẾN DŨNG LDO | 14/03/2018 06:47
Việc con tàu chở dầu Hải Hà phát nổ trong lúc bơm dầu chiều 10.3 khiến lực lượng chức năng Hải Phòng phải huy động hơn 400 cán bộ chiến sỹ PCCC và hàng chục phương tiện để dập lửa đã cho thấy sự nguy hiểm khi nguy cơ cháy nổ luôn rình rập những đơn vị kinh doanh xăng dầu.

Tại TP.Hải Phòng, những cây xăng nằm san sát trong khu dân cư hiện nay cũng giống như những “quả bom nổ chậm” có thể kích nổ bất cứ lúc nào, hậu quả sẽ thật khó lường nếu xảy ra cháy nổ.

Nguy cơ cháy nổ rình rập

Bà Nguyễn Thị Hà (đường Lạch Tray, quận Ngô Quyền) cho biết: Gia đình tôi sống gần cây xăng 116 Lạch Tray (phường Lạch Tray, quận Ngô Quyền), ngày nào bầu không khí cũng rất ngột ngạt, mùi xăng dầu khiến người dân khu vực luôn cảm thấy tức ngực, khó chịu, nhất là đối với người già và trẻ nhỏ. "Gia đình tôi cũng như người dân quanh khu vực lúc nào cũng "cửa đóng then cài" vì sợ độc hại từ cây xăng trên. Ngoài ra, nguy hiểm do cháy nổ luôn rình rập khiến người dân rất lo lắng" - bà Hà nói.

Cùng quan điểm trên, ông Trần Văn Minh (đường Tô Hiệu, phường Hồ Nam, Lê Chân) cho biết: Cây xăng số 440 Tô Hiệu của Cty xăng dầu khu vực 3 nằm ngay trong khu dân cư là bất hợp lý. Cây xăng này như quả bom nổ chậm rình rập cuộc sống của chúng tôi. “Chúng tôi rất mong thành phố và các cơ quan chức năng di chuyển các cây xăng dầu ở cạnh khu dân cư ra phía ngoài, đảm bảo an toàn cho cuộc sống của người dân" - ông Minh nói.

Không đủ điều kiện phải di chuyển

Trao đổi với PV Báo Lao Động, thượng tá Nguyễn Minh Khương - Phó Giám đốc Cảnh sát PCCC Hải Phòng - cho biết: Các cây xăng trong lòng thành phố đều có hướng dẫn về khoảng cách an toàn PCCC. Đối với cây xăng không đảm bảo khoảng cách an toàn PCCC, phải có những giải pháp tương đương để hạn chế nguy cơ cháy nổ. Riêng với các cây xăng có các yếu tố tác động khác, cơ quan PCCC phải xem xét tất cả mọi mặt. Đối với các cây xăng quá gần khu dân cư, nếu không đủ điều kiện phải có phương án di dời đến vị trí an toàn.

Cũng theo ông Khương, đối với những cây xăng nằm trong thành phố, hoạt động trước năm 2001, khi Luật PCCC có hiệu lực, phải có nghị quyết của HĐND thành phố về việc xử lý, sau đó mới xem hình thức, cách thức xử lý thế nào cho phù hợp. “Hiện nay, Cảnh sát PCCC đang triển khai nghị quyết của TP.Hải Phòng liên quan đến những cơ sở kinh doanh xăng dầu (cây xăng dầu - PV) hoạt động trước năm 2001, chúng tôi sẽ xem xét để có phương án xử lý theo quy định” - ông Khương nói.

Cũng về vẫn đề trên, theo ông Trần Ngọc Vinh - nguyên Phó đoàn chuyên trách, Đoàn đại biểu Quốc hội TP.Hải Phòng, Chủ tịch Hội Luật gia TP.Hải Phòng - cho rằng: Các cây xăng ở gần nhà dân rất nguy hiểm, đặc biệt, công tác PCCC không tốt, khi xảy ra cháy sẽ gây hậu quả khó lường. Do vậy, cần xem xét kỹ, cái nào không đủ tiêu chuẩn thì nhất định phải di chuyển. Nếu để tồn tại thì phải đảm bảo tốt công tác PCCC, có họng nước và các phương án PCCC tại chỗ. “Tuy vậy, để đảm bảo an toàn thì tốt nhất là di chuyển ra khỏi khu dân cư đông dân cư” - ông Vinh nói.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn