MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Mâm cỗ cúng ông Công, ông Táo. Ảnh: T.L

Những sai lầm cần tránh khi thực hiện nghi lễ cúng ông Công ông Táo

Bích Hà LDO | 07/02/2018 22:15
Tết ông Công ông Táo là một nét văn hóa đặc sắc, một phong tục của dân tộc Việt Nam đã được lưu truyền và gìn giữ từ bao đời nay. Tuy nhiên không phải ai cũng hiểu đúng ý nghĩa của tập tục này và có những ứng xử văn hóa, tâm linh phù hợp.

Dưới đây là một số lưu ý của các chuyên gia văn hóa để mỗi người dân có một ngày Tết ông Công, ông Táo nhân văn và ý nghĩa:

Không nên cúng lễ ông Công, ông Táo sau ngày 23 tháng Chạp

Hiện nay có nhiều quan điểm khác nhau về thời điểm đẹp nhất để cúng ông Công, ông Táo. Chuyên gia phong thủy Hoàng Công  cho rằng, thời điểm đẹp nhất là vào giờ Ngọ ngày 23 tháng Chạp.

Một số người khác lại cho rằng vào giờ Ngọ 22 tháng Chạp, hoặc tùy theo điều kiện của từng gia đình để chọn thời gian cho phù hợp.

Còn theo GS-TS Nguyễn Chí Bền - Ủy viên Hội đồng di sản văn hóa Quốc gia, nguyên Viện trưởng Viện văn hoá nghệ thuật VN, thời điểm đẹp nhất để cúng ông Công, ông Táo là vào chiều 23 tháng Chạp.

Ông cho rằng quan niệm phải cúng trước 12h trưa 23 tháng Chạp chưa phải là cách ứng xử phù hơp với tín ngưỡng. Bởi theo tín ngưỡng dân gian, thời điểm chiều tối là lúc các Táo cưỡi cá chép lên trời. Lúc hóa mũ áo, tiền vàng nhất thiết phải vào lúc nhập nhẹm tối, giao thoa giữa ngày và đêm.

Tuy có quan điểm khác nhau về thời điểm đẹp nhất để cúng ông Công, ông Táo, nhưng các chuyên gia đều cho rằng nên cúng trước hoặc trong ngày 23 tháng Chạp. Không nên thực hiện nghi thức cúng ông Công, ông Táo sau ngày này.

Không nên sắm lễ rình rang, tốn kém

Mâm cỗ cúng ông Công, ông Táo không cần quá cầu kỳ, miễn sao thể hiện sự thành tâm của gia chủ với các vị thần cai quản đất đai và thần cai quản nhà bếp.

Trong đó, các gia đình có thể làm cỗ chay hoặc cúng lễ mặn. Lễ vật chuẩn bị gồm: Cá chép, gà luộc, xôi hoặc bánh chưng, thịt lợn hoặc thịt gà luộc, bát canh, đĩa xào, đĩa hoa quả, tiền vàng, trầu cau, nước, rượu, trà.

Đối với quần áo mua cúng các vị thần cần chuẩn bị 3 bộ mũ áo có hoa văn khác nhau, trong đó lưu ý là đồ dành cho 2 vị thần nam, 1 vị thần nữ.

Theo nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Trần Lâm Biền, lễ vật chỉ là một phần, quan trọng là sự thành tâm kính cẩn khi hành lễ. Hiện có gia đình đốt nhiều vàng mã, có cả điện thoại iPhone giấy, xe ôtô giấy, sắm cá chép quý, đắt tiền với hy vọng lễ vật càng nhiều thì càng thiêng. Việc làm này không chỉ tốn kém tiền của, mà còn ảnh hưởng rất lớn đến môi trường sống. 

Người dân thủ đô thả cá chép trong ngày 23 tháng Chạp. Ảnh: Kênh 14

Không nên thả cá từ trên cao xuống nước

Trong nghi lễ cúng ông Công, ông Táo, người dân có thể dùng cá chép giấy (để hóa cùng mũ áo tiền vàng), hoặc cá chép thật (sau đó phóng sinh ra ao, hồ).

Tuy nhiên, các chuyên gia văn hóa lưu ý, khi tiến hành nghi thức thả cá, người dân cần lưu ý phải làm đúng cách, bằng cả cái tâm chứ không nên theo phong trào.

Khi thả, cần thao tác nhanh gọn trong thời gian ngắn – tính từ khi mua cá về để tránh việc cá bị chết trước khi được phóng sinh, không cần chọn ngày giờ tốt, xấu mới thả cá bởi đó là mê tín.

Người dân không nên cầm cả xô cá đổ xuống ao hồ; không nên để cá nguyên trong túi nilon rồi ném xuống nước… vì như thế cá dễ chết, mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn